Thổ Nhĩ Kỳ ăn mừng chào đón các con tin được IS trả về

21/09/2014 17:20

Thổ Nhĩ Kỳ đón 46 công dân nước mình bị Nhà nước Hồi giáo bắt cóc hồi tháng 6 tại Mosul trở về. Bối cảnh, lý do cuộc phóng thích con tin này vẫn còn là 1 ẩn số, chỉ biết nó diễn ra vài giờ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới đón vài chục nghìn người Kurd từ Syria chạy tị nạn khỏi đợt tiến quân mới của IS.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ôm hôn con gái của Tổng lãnh sự khi cô bé được trả về cùng 45 con tin khác.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ôm hôn con gái của Tổng lãnh sự khi cô bé được trả về cùng 45 con tin khác.

46 con tin tại lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Mosul rơi vào tay quân IS khi thành phố này bị IS chiếm đóng trong đợt tấn công chớp nhoáng. 46 người bao gồm quan chức ngoại giao cùng con cái, quân của lực lượng đặc biệt và Tổng lãnh sự quán. Ngoài ra còn có 3 công dân Irak ở lại đất nước mình sau khi được phóng thích.

Lo ngại cho an toàn của 46 con tin này là 1 trong những lý do chính mà Ankara dùng để biện minh cho việc đứng ngoài liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu. Thổ Nhĩ Kỳ cũng từ chối không cho máy bay không người lái và máy bay chiến đấu Mỹ sử dụng căn cứ không quân Thổ Nhĩ Kỳ để đánh bom vào tổ chức khủng bố Hồi giáo.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ăn mừng sự kiện giải cứu con tin, tuy nhiên từ chối giải thích chi tiết họ đã làm thế nào để giải quyết 1 cú sốc chính trị lớn như vậy. Thủ tướng Ahmet Davutoglu cho biết không có sự can thiệp của các lực lượng đặc biệt, thay vào đó, cơ quan tình báo quốc gia đã sử dụng "biện pháp riêng" của họ, nhưng ông không tiết lộ thêm các chi tiết cụ thể hơn. Ông chỉ bày tỏ sự tự hào và vui mừng khi cảnh đoàn tụ hạnh phúc được phát đi trực tiếp trên truyền hình:"Sau những nỗ lực căng thẳng kéo dài nhiều ngày và nhiều tuần, cuối cùng công dân của chúng tôi đã được trao trả lại và giờ chúng tôi chào đón họ trở về nhà".

Hãng thông tấn quốc gia Anadolu đưa tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã không trả tiền chuộc hay thoả thuận bất cứ điều gì với IS, nhưng không cho biết thông tin lấy từ nguồn nào. Aaron Stein của Viện nghiên cứu Hoàng gia đóng tại Luân Đôn, người chuyên nghiên cứu chính trị Thổ Nhĩ Kỳ nhận định:"Tôi nghĩ không có gì là quá đáng khi nói chúng ta không được biết toàn bộ câu chuyện". Cũng theo ông, sự kiện này sẽ không thay đổi đáng kể vị trí mà Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn trong cuộc chiến chống IS. Sẽ không có chuyện cho sử dụng căn cứ hay tham gia vào liên minh, mặc dù có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thấy thoải mái hơn trong việc công khai những nỗ lực của mình, như là truy quét buôn lậu dầu qua biên giới. "Sẽ có vài thay đổi, nhưng không nhiều như người ta kỳ vọng", Stein nói. Thay vào đó, có lẽ thay đổi dễ trông thấy nhất là cú hích chính trị của những người cầm quyền hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ sau chiến dịch giải cứu con tin mà họ nhận định là "thành công như mong đợi".

Nấm Linh Chi

(The guardian ngày 20/9)