Quản lý báo chí: Phải đề cao trách nhiệm cơ quan chủ quản

20/09/2014 10:07

“Phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của cơ quan chủ quản của tờ báo. Thực tế có cơ quan chủ quản sau khi thành lập tờ báo rồi lại không quản lý được, thậm chí còn phụ thuộc tài chính vào tờ báo đó”.

Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng tổ chức phiên họp thứ 7 (Ảnh ND)
Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng tổ chức phiên họp thứ 7 (Ảnh ND)

TIN LIÊN QUAN

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đề cập tại phiên họp lần thứ 7, do Ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Ninh Bình chiều 19/9.

Sau một thời gian thực hiện giám sát trong lĩnh vực báo chí, đoàn giám sát của Ủy ban chỉ ra một số bất cập còn tồn tại, như tình trạng sao chép tin, bài giữa các báo mà không xin phép, và từ một tờ báo sai, dẫn đến sai hàng loạt, nhất là đối với lĩnh vực báo điện tử.

Việc cải chính, đưa tin sai sự thật sau đó chưa được thực hiện nghiêm túc, vì lúc đăng bài thì giật tít lớn, để ở vị trí trang trọng, nhưng khi cải chính lại đặt ở góc khuất, ít người chú ý. Ngoài ra dù đã có quy chế phát ngôn, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí vẫn còn hình thức, chưa có tính ràng buộc…

Qua quá trình giám sát, nhà sử học Dương Trung Quốc thấy mừng vì ý kiến của đoàn giám sát rất gần với ý kiến của đơn vị quản lý nhà nước– Bộ Thông tin và truyền thông. Việc thực hiện giám sát, theo nhà sử học thì sẽ có tác động tích cực với việc hoàn thiện sửa đổi Luật báo chí sắp tới, với những thay đổi rất to lớn, gắn chặt với năng lực quản lý của chúng ta.

ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, một số vấn đề đặt ra cần giải quyết, nhất là việc quy hoạch báo chí, định hướng chung phải phù hợp Hiến pháp, đảm bảo quyền tự do ngôn luôn của người dân, nếu quy hoạch tốt sẽ phát huy được hiệu quả. Để đảm bảo quyền tự do của người dân, theo ông Quốc phải sớm ban hành Luật tiếp cận thông tin.

Bên cạnh đó, việc quản lý lĩnh vực báo chí còn đặt ra vấn đề tiết kiệm nguồn lực của xã hội. Ông Dương Trung Quốc dẫn dụ với lĩnh vực phát thanh truyền hình, dù đã nhiều lần bị nhắc nhưng hạ tầng cơ sở còn lãng phí.

“Đài trung ương có nhất thiết phải có chi nhánh ở địa phương không? Trên cùng 1 địa bàn, có cả đài trung ương và địa phương thì chỉ cạnh tranh về quảng cáo mà không mang lại lợi ích nhiều cho người dân. Có cần xây tháp truyền hình không trong khi chúng ta sắp thay thế công nghệ? Nếu xây tháp để đảm bảo du lịch, ngắm cảnh quan thì đó không phải việc của truyền hình, chỉ gây lãnh phí mà thôi”.

ĐBQH Dương Trung Quốc nêu và đề nghị khi sửa Luật báo chí cần nhìn thẳng vào sự thật này để khắc phục theo lộ trình.

Đề cập đến vấn đề tài chính, lãnh đạo của một tỉnh thành chia sẻ với báo chí vì đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Qua tiếp xúc với phóng viên thường trú, vị lãnh đạo này cho biết, ngoài nhiệm vụ đưa các tin, bài nội dung theo yêu cầu, phóng viên còn bị giao phát hành, quảng cáo ở địa phương.

“Có phóng viên nói lương, thu nhập phụ thuộc vào phát hành báo chí trên địa bàn. Thậm chí vào các dịp lễ kỷ niệm, lãnh đạo địa phương liên tục nhận điện thoại đặt vấn đề quảng cáo, thậm chí còn có thái độ đe dọa. Nếu chiều lòng tất cả phóng viên thì rất khó cho địa phương”.

Để giảm bớt thực trạng này, ông đề nghị Quốc hôi, Chính phủ sắp xếp lại, giảm bớt đi các tập san, báo ngành địa phương và quan tâm đầu tư hơn về kinh phí để bớt áp lực cho báo chí.

Cho rằng kết quả khảo sát đã nêu khá đầy đủ những hạn chế yếu kém, song Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn cũng cho rằng, khi đánh giá cần phân biệt giữa các trang báo chính thống với các trang thông tin điện tử không phải báo chí. Trên thực tế với 838 tờ báo, tạp chí thì số lượng tờ báo bị phàn nàn nhiều nhất cũng khoảng chục tờ báo thôi.

Theo thứ Trưởng Tuấn, chúng ta thường nói tới trách nhiệm của cơ quan báo chí, của cơ quan chỉ đạo mà ít ai nói tới trách nhiệm của cơ quan chủ quản: “Phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Thực tế có cơ quan chủ quản sau khi thành lập tờ báo rồi lại không quản lý được, thậm chí còn phụ thuộc tài chính vào tờ báo đó” – Thứ trưởng Tuấn nêu thực trạng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cũng cho rằng, nhiều nội dung trong luật báo chí hiện không còn phù hợp nên cần thiết phải sửa đổi, chẳng hạn như việc quản lý giữa phát thanh truyền hình với báo chí in ở địa phương vẫn còn chồng chéo. Rồi có trường hợp bổ nhiệm cán bộ quản lý còn không có nghiệp vụ báo chí. Vì vậy, luật báo chí cần phải quy định rõ ràng, phải hoạt động trong ngành bao nhiêu năm mới được làm lãnh đạo các cơ quan báo chí…

Theo infonet