"Duyên" Mường Chọong
(Baonghean) - Mưa rồi nắng chen nhau làm núi rừng hớn hở lên sắc tươi xanh cây cỏ. Nhưng có lẽ là bởi Mường Choọng cũng đang náo nức phập phồng không khí tưng bừng đón Tết Độc lập 2/9 của bà con đồng bào Thái ở đây; mà dù đã nghe nhiều vẫn muốn lên xem “cho biết”...
Đền Choọng, Châu Lý, Quỳ Hợp giai đoạn đầu phục dựng |
Đôi khi thấy, cuộc sống thật đúng trong một chữ “duyên” - duyên đất, duyên người. Cái duyên ấy đã “hút” chúng tôi có chuyến lên thăm Mường Choọng - Quỳ Hợp, vùng đất của lịch sử, dã sử và lung linh truyền thuyết, được viết tiếp, kể tiếp với những gì đang sôi động diễn ra hôm nay. Quỳ Hợp là huyện điểm văn hóa toàn quốc, nếu phía ngoài thị trấn có một hồ Thung Mây, bốn mùa phẳng lặng, gợi cảm, đẹp như “gương mặt mỹ nhân”; thì một phía vùng sâu có đền Choọng đang được phục hồi bề thế và linh thiêng trên đỉnh Pu Đên - Châu Lý mà truyền thuyết về Nang Phốm Hóm (nàng tóc thơm) gắn với chiến công nghĩa quân Lam Sơn đang tái hồi nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, thức dậy lịch sử một vùng mường từng được coi là trung tâm văn hóa người Thái ở Tây bắc Nghệ An. Vùng đất sôi động âm hưởng văn hóa Thái ấy, còn nổi tiếng nghĩa tình, thủy chung với cách mạng... Tôi nhớ, khi viết về huyện Lệ Thủy - Quảng Bình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhà văn tên tuổi khẳng định đây là huyện duy nhất trên cả nước toàn dân tưng bừng ăn Tết Độc lập không kém Tết Nguyên đán; thì cũng có thể nói, người Thái đất Mường Choọng cũng là vùng duy nhất ở Tây Bắc Nghệ An có truyền thống toàn dân tổ chức ăn Tết Độc lập to không kém mấy tết cổ truyền.
Châu Lý, Bắc Sơn, Nam Sơn và một phần Châu Đình của Quỳ Hợp là đất vùng Mường Choọng đấy. Tôi cũng đã lên Mường Choọng nhiều lần, công việc viết báo loanh quanh ở những chương trình, dự án cho vùng cao, dân tộc ít người. Giao thông mở ra, các bản làng rộn ràng đón danh hiệu đơn vị văn hóa, tổ chức các mô hình làm ăn mới khai thác lợi thế đất rừng... Và ở đó, tôi gặp một cộng tác viên tích cực nhiều năm liền của Báo Nghệ An, người góp công không nhỏ để hôm nay đền Choọng được đang dần được phục hồi những giá trị vật thể và phi vật thể. Ấy cũng chính là những cái “duyên” vậy.
Gần 600 năm tuổi, đền Choọng và đã mấy mươi năm trong hồi “dâu bể” ngày đền từ chỗ là ngôi đền có phạm vi ảnh hưởng lớn nhất mấy mường Tây bắc Nghệ An, với quy mô bề thế chỉ còn sót lại lại mấy viên đá kê cột, nay đang trong dự án đầu tư hàng chục tỷ đồng để tôn tạo, phục dựng, cứ như là một truyền thuyết mới. Chợt nghĩ, vòng quay thăng trầm giá trị văn hóa tâm linh của một di tích, mỗi khi được trả lại giá trị đích thực là một lần được nhân lên sự hướng thiện, hướng tâm. Đền Choọng uy linh hàng mấy trăm năm giữa bản làng đồng bào Thái gắn với văn hóa bản địa, khi phế tích đi rồi, lại bắt đầu được lần dấu hương khói từ cái tâm của đôi vợ chồng trẻ vốn là người Kinh lên đây lập nghiệp.
Anh cộng tác viên của báo ấy họ Cao - Cao Duy Thái, quê Hưng Nhân - Hưng Nguyên, theo mẹ lên kinh tế mới ở Châu Lý từ nhỏ, sau nhiều năm lăn lộn với phong trào văn hóa của xã vùng sâu, bây giờ đã là Phó Bí thư Đảng ủy xã, được bà con đồng bào Thái ở đây coi như “người bản ta” từ lâu. Hết phổ thông anh xa nương rẫy theo học chuyên ngành văn hóa, về làm ủy viên văn hóa xã, lấy vợ cũng người Kinh là nhân viên thương nghiệp vùng sâu. Cuộc sống quê mới nhiều cơ cực, khổ tâm, vợ chồng cứ cắm cúi vượt khó trong đó có gửi những nương tựa tâm linh, tỏ nỗi nhớ quê cũ bằng những ngày rằm, mùng một và ngày tết cổ truyền lặng lẽ lội suối, vạch lá rừng lên đỉnh Pu Đên thắp hương ở dấu tích đền... Kính cẩn, thành tâm đằng đẵng chục năm như thế, rồi anh lập trang Web “Mường Choọng - một cõi non thiêng”, thu hút hơn 55.000 người đọc; đất, người và văn hóa Thái Mường Choọng cuốn hút anh ghê gớm, được nhân dân và lãnh đạo địa phương khuyến khích, anh viết lại lịch sử đền Choọng và kết quả phục dựng đền đến nay thật không ngờ! Đó chẳng phải cũng là một cái duyên nữa sao?
Cao Duy Thái bảo: Mường Choọng tức là “vùng đất mến khách”. Ô là nhà Phó Bí thư xã hôm nay nhốn nháo người vào ra thế, ăn Tết Độc lập sớm chắc, mới sáng mồng 1 kia mà? Thái vồn vã: “Là các anh ở xã nghe nhà em có khách xa lên chơi, tập trung chờ để “thăm” rượu đấy!”. Thịt trâu, thịt gà, món luộc, món ột... và thứ rượu ủ nấu nếp nương, củi rừng đã là nồng nàn, nhưng vẫn khó sánh “thẳm thằm thăm” cái bắt tay thật chặt sau mỗi lời chúc, mỗi chén cạn. Nếu Chủ tịch xã Châu Lý Vi Văn Quành không bận lên đền Choọng kiểm tra việc chuẩn bị cho ngày mai Tết Độc lập để bà con và khách hành hương về lễ đền, thì có lẽ màn chào khách ấy kéo dài cho đến lễ cúng tết vào buổi chiều.
Huồi Vang Cơ, Pu Canh Vệ, Thẩm Ông Hâu, Đon Khó, Đon Chợ, Văng Mó Khung... những suối nơi Nang Phốm Hóm dạy dân chăm tằm nuôi tơ, hong tóc chờ chồng là tướng tài Lam Sơn, những hang cơ mật, bãi quân lương nơi nghĩa quân Lam Sơn tụ binh rèn luyện để kéo lên Tây Nam làm trận “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” trong chiều thẳm mưa rừng này như quần tụ linh khí về Pu Đên - Đền Choọng linh thiêng. Cây nào cây Khủa cao nhất các mường? Nơi nào được đặt trống đồng là trống lệnh của nghĩa quân Lam Sơn xưa, từng được rước từ hang núi Thẩm Coọng bản Dền về đền trong lễ Lục ngoạt Rằm tháng Sáu hàng năm?... Tôi đếm bước chân lên 131 bậc ghép bằng đá trắng lên ngôi đền trên đã được phục dựng bàn thờ chính có ngôi tượng mới thờ Nang Phốm Hóm. Đứng trên đỉnh Pu Đên ngó cả vùng Mường Choọng, hết Châu Lý là những Bắc Sơn, Nam Sơn, Châu Đình chập chùng đại ngàn xanh, ôm lấy những bản làng đổi mới, cờ đỏ điểm “hoa cách mạng” tươi thắm trước cổng, trên mái những nhà sàn. Có phải từ khởi nghĩa Lam Sơn và biến cố các vương triều sau đó, mà ở Mường Choọng, ngoài các họ “thuần Thái” như họ Vi, họ Lương, họ Lo... còn có các họ Mạc, họ Trương, họ Nguyễn? Nhưng có sao, họ nào bây giờ cũng giữ một phong tục tập quán, nét văn hóa Thái cả. Và, vui ngày Tết Độc lập đã thực là ngày tết âm vang nét truyền thống của nhân dân Mường Choọng, mà bây giờ thêm niềm vui tụ hội dâng hương ở đền Choọng - Pu Đên.
Mạc Văn Xúi - cán bộ tài chính xã Châu Lý cho hay, từ hôm qua và sáng sớm, các bản đã mổ trâu, mổ lợn chờ con cháu lũ lượt kéo về làm lễ cúng Tết Độc lập bắt đầu từ chiều nay. Rậm rịch, náo nức lắm! Vậy là Mường Choọng một năm có hai cái tết thiêng liêng rồi. Chúng tôi đội mưa vào bản Vi - Bắc Sơn, là bản thuần Thái được bảo tồn cấp toàn quốc. Nhà Trưởng bản Vi Văn Lương đang nhộn nhịp lũ con, cháu, dâu, rể đứa sinh viên, đứa giáo viên... mổ gà, mổ vịt làm món mọc đặc sản Thái mà nếu một lần ăn rồi thì lần sau nhắc đến đã ứa nước miếng! Đơn giản thôi, gà vịt cứ lọc hết lườn, còn lại băm nhỏ cùng lõi chuối rừng, cho gia vị đương nhiên không thiếu vị mặc-khẻn (tiêu rừng), đem bọc lá chuối rừng ấy hấp nấu lên, “chết” cả khứu giác, vị giác. Trưởng bản Vi cứ nài khách ở lại, ta mở ché cần, bày món mọc ăn mừng Tết Độc lập. Ấy nhưng còn cái lễ cúng ông bà bài bản nên chịu khó đợi tý. Ô thì cứ thắp cái cây hương lên cho thơm, gióng tiếng cồng lên cho say hồn người rồi “thăm” nhau chén rượu nếp rẫy cái đã. Lại những bắt tay nồng hậu, lời chúc chân thành, phía nhà văn hóa bản tiếng loa hát mừng ngày Tết Độc lập đã khua động cả sương núi chiều trách sao cứ buông vội xuống cái háo hức kéo dài cuộc vui bản mường hết đêm nay, hết ngày mai nữa.
Bản Vi - Bắc Sơn, mai mới cúng chính. Còn bản Cồn - Châu Lý ngay chiều nay đã cúng. Trên các lối bản, đàn ông (tịnh không được đàn bà đâu nhé) bê theo mâm nhỏ bày xôi, gà, thịt lợn hoặc cá (không bày thịt trâu) kéo về các nhà thờ dòng họ để cúng lễ. Nhà thờ họ dù dòng Hủn Vi hay Quán Vi... đều giống vậy, dựng lên bằng xi măng hay gỗ cũng đều một nếp nho nhỏ, có ban thờ treo ngang bốn cây cột, có lợp mái từa tựa dáng nhà sàn, dựng ở góc vườn. Cái vuông sàn nhỏ hơn một mét vuông có khi xếp hàng chục mâm cỗ cúng, dòng nhiều người thì mâm lễ phải đặt cả xuống đất. Ấy là vài ba năm mới dựng nhà thờ, trước mỗi dòng cứ chọn một gốc cây cổ thụ mà bày lễ cúng. Giờ rừng thưa, cổ thụ mất hết rồi... Cụ thân sinh Chủ tịch xã Châu Lý - Vi Văn Quành vai trưởng một dòng, khăn áo chỉnh tề, khoát tay ý bảo lũ con cháu im lặng, rồi hắng giọng khấn khứa. Chủ tịch Quành dịch đại ý là “nhân ngày Tết Độc lập, cầu mong tổ tiên phù hộ con, cháu mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, học hành, công tác tốt... để giữ nếp tổ tiên, góp phần xây dựng bản mường, đất nước được mạnh, được bền...”. Cúng xong là con, cháu vào lễ vái, rồi ai về nhà nấy chuẩn bị cúng ở nhà mình. Sau đó chờ người thân ở xa về quần tụ là hạ cỗ, mở ché cần ra, treo cái chiêng cái trống lên tấu nhịp... cuộc vui bắt đầu cho đến khi ché cần đã nhạt, lời vui vẫn nồng nàn mãi sang canh. Và ngày đúng 2/9, bản mường mới vào cữ tưng bừng đến nhà nhau thăm hỏi, ra sân hội vui văn nghệ thể thao và không thể không lên dâng hương đền Choọng!
Người bản cứ nèo chúng tôi ở lại, Mường Choọng mới vào hội tết thôi mà! Chưa trọn cái Tết Độc lập ở “mường mến khách”, nhưng cũng đã đủ say men rượu cần, đã lưng cái bụng món xôi nếp rẫy ghém với món mọc bọc lá chuối rừng, xin mang theo âm vọng tiếng chiêng đền Choọng và huyền thoại nàng Tóc Thơm - người con gái Thái tài sắc đang được kể mãi trong mỗi mái nhà sàn kia, chúng tôi về xuôi trong đêm cho kịp đón Tết Độc lập ở phố; lưu luyến Mường Choọng với vốn văn hóa truyền thống và nếp ăn Tết Độc lập độc đáo nơi đây...
Ghi chép: Đình Sâm