Scotland: "Trước ngày hội bắn"
(Baonghean.vn) - 1 ngày trước cuộc bỏ phiếu quyết định vận mệnh của Scotland, vẫn còn quá khó để đặt cược vào kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, 3 cuộc khảo sát mới nhất đã công bố kết quả vào tối thứ 3 ngày 16/09: phiếu "không tán thành" dẫn trước 4 điểm.
Cả 3 cuộc khảo sát đều có chung 1 kết quả : 52% bỏ phiếu "không", 48% bỏ phiếu "có". Những cuộc khảo sát này được thực hiện bắt đầu từ thứ 6 ngày 12/09 - thời điểm mà cả 2 phe đang tập trung mọi nỗ lực vận động cử tri. Kết quả trên không làm cho phe ủng hộ độc lập nao núng. Blair Jenkins, người đứng đầu phong trào Yes Scotland tuyên bố đầy lạc quan:"Chúng ta đang đến rất gần với chiến thắng vào thứ 5 này".
Cử tri của cả 2 phe tại Clydebank, thứ 3 ngày 16/09 |
Thứ 3 ngày 16/09, 3 nhà lãnh đạo đại diện cho 3 Đảng truyền thống của Anh đã cùng đưa ra tuyên bố chung, cam kết trao cho Scotland nhiều quyền tự chủ hơn nếu họ bỏ phiếu không tán thành cho 1 Scotland độc lập. Tuyên bố này nhắc lại những cam kết mà Anh đã hứa hẹn trước đó, đăng trên trang nhất của nhật báo Scotland - tờ The Daily Record - với cái tên "Lời tuyên thệ" (The vow).
Văn bản này được kí bởi Thủ tướng David Cameron của Đảng bảo thủ, lãnh đạo Đảng lao động Ed Miliband và Phó Thủ tướng Nick Clegg của Đảng dân chủ tự do. Theo văn bản này, trong trường hợp phiếu "không tán thành" thắng thế, các thoả thuận về chuyển giao quyền lực cho Edinburgh sẽ được thực hiện ngay ngày hôm sau của cuộc bỏ phiếu. Điểm nhấn của lời tuyên thệ này là việc cam kết đảm bảo cho chính phủ Scotland được đưa ra "quyết định cuối cùng" cho vấn đề tài chính của hệ thống Dịch vụ sức khoẻ quốc gia (NHS) - 1 trong những chủ đề chính của chiến dịch vận động bầu cử.
Động thái này được Thủ tướng Scotland và lãnh đạo của những người chủ trương độc lập Alex Salmond nhìn nhận như 1 "lời hứa hẹn vô giá trị vào giờ chót". Theo họ, động thái này của Anh sẽ "không khiến cho người Scotland từ bỏ cơ hội to lớn để trao cho Scotland tương lai của chính nó vào thứ 5 này". Nhưng tại Luân Đôn, những hứa hẹn nhượng quyền này khiến nhiều người lo ngại về 1 tiến trình liên bang hoá, thậm chí là "Balkan hoá" Vương quốc Anh thống nhất.
Dù sao đi chăng nữa, số người Scotland đăng ký bỏ phiếu đã đạt đến con số kỷ lục và dự đoán tỷ lệ tham gia sẽ rất cao. Tại Edinburgh những ngày này, truyền thông thế giới đang chăm chú theo dõi từng động tĩnh của cuộc khai sinh (rất có thể sẽ diễn ra) của 1 quốc gia mới, mà hệ quả đi kèm với nó là sự suy yếu đáng buồn của 1 Vương quốc.
Nấm Linh Chi
(Theo Le monde ngày 17/09)