Cuộc chiến chống khủng bố ở châu Âu
(Baonghean.vn)-Hiện tại, các quốc gia châu Âu có công dân tham gia vào lực lượng phiến quân thánh chiến đang thảo luận và dự thảo ra các bộ luật nhằm ngăn chặn làn sóng đầu quân tới Syria hay Iraq.
Ba mươi nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại Hội nghị về hòa bình và an ninh cho Iraq tổ chức ở Quai d’Orsay, Paris / Ảnh: Michel Euler |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đầu tháng 9, Thủ tướng Anh David Cameron muốn thông qua dự luật cho phép cảnh sát giữ “tạm thời” hộ chiếu của các nghi phạm cũng như có “thời gian để tìm hiểu về các cá nhân này”. Cho đến nay, tại Anh, chỉ có Bộ Nội vụ mới có quyền đưa ra quyết định trên. Các nhà chức trách có thể hạn chế các địa điểm mà các nghi phạm muốn đến đồng thời các hãng hàng không sẽ phải cung cấp cho các nhà chức trách danh sách khách hàng của mình. London cũng xem xét khả năng cấm các công dân Anh, người nước ngoài, người có hai quốc tịch nhập cảnh nếu những người bị nghi ngờ thuộc một nhóm khủng bố. Tuy nhiên, biện pháp này đang gây nhiều tranh cãi do trái với quy định tại các công ước quốc tế.
Tại Đức, thứ 6 vừa rồi, chính phủ quyết định cấm bất kỳ hoạt động hỗ trợ tuyển dụng và tuyên truyền cho IS. Đồng thời, tất cả các dấu hiệu và biểu tượng đề cập tới tổ chức này đều bị cấm trong các buổi tụ họp hay trong bất kỳ phương tiện liên lạc nào. Dựa trên “Luật tổ chức” nhằm trừng phạt các hoạt động của các nhóm “chống lại trật tự Hiến pháp” và chống lại “các nguyên tắc thỏa thuận giữa các dân tộc”, Berlin cũng dự định chấm dứt các hoạt động tài trợ và tuyển dụng phiến quân cho cuộc thánh chiến. Ngày 8/9, Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi áp dụng pháp luật một cách nghiêm ngặt đối với việc truyền bá chủ nghĩa Hồi giáo.
Tại Bỉ, theo tờ báo Le Soir, các nghị sĩ đang thảo luận nhằm đưa ra một kế hoạch thống nhất cho cuộc chiến chống phiến quân thánh chiến. Các biện pháp có thể được đưa ra là cho phép cảnh sát tạo hồ sơ giả để xâm nhập vào các trang web trên Internat của các phiến quân, thành lập một Hội đồng An ninh quốc gia bao gồm Thủ tướng, Phó thủ tướng, cơ quan tình báo… Các nghị sĩ cũng xem xét khả năng khởi động đạo luật 1979 về cấm tuyển các chiến binh ở nước ngoài. Đạo luật này chủ yếu nhắm tới các chiến binh quay về từ Syria.
Hồi cuối tháng 8, chính phủ Hà Lan công bố một loạt các biện pháp chẳng hạn như thu hồi quốc tịch Hà Lan đối với các chiến binh thánh chiến ngay cả khi những người này không bị kết án phạm tội.
Hiện tại, theo số liệu của AFP, trong số hàng chục nghìn người nước ngoài gia nhập hàng ngũ cho Nhà nước Hồi giáo tự phong (IS) hay al-Qaeda thì có khoảng 930 người Pháp, 400 người Anh, 270 người Đức, 250 người Bỉ và 130 người Hà Lan. Sắp tới, cuộc họp Hội đồng Bảo An của Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra vào ngày 24 tháng 9. Và tại cuộc họp này, Mỹ hy vọng sẽ thông qua được một nghị quyết ràng buộc các quốc gia thi hành các biện pháp nhằm ngăn chặn các công dân nước mình gia nhập hàng ngũ các nhóm cực đoan.
Chu Thanh