Israel sẽ không bị truy tố trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC)

07/11/2014 10:05

(Baonghean.vn) - Sau hơn bốn năm kể từ vụ Israel tấn công vào một đội tàu chở hàng nhân đạo gây thiệt mạng về người và tài sản, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cuối cùng cũng đã ra phán quyết tuyên bố tòa không có thẩm quyền xét xử trong vụ kiện này.

Sau khi phán quyết được công bố, công tố viên Fatou Bensouda đã đưa ra lời giải thích cho phán quyết trên của tòa. Theo bà Fatou, các thẩm phán kết luận rằng “thẩm quyền của ICC được công nhận” trên các con tàu chở hàng nhân đạo tới dải Gaza nhưng những tội ác mà Israel gây ra không phải là “nghiêm trọng đủ để cho tòa án có thể tiếp tục xét xử”. Trong Quy chế Rome về ICC có quy định, thẩm quyền của ICC chủ yếu tập trung giải quyết các tội ác chiến tranh trên quy mô lớn hoặc các tội ác thể hiện trong các chính sách hay trong các kế hoạch của một quốc gia. Vì những tiêu chuẩn để thành lập tòa xét xử theo Quy chế Rome không được đáp ứng nên tòa ICC không có thẩm quyền trong vụ việc nói trên.

Con tàu Mavi - Marmara thuộc đội tàu Gaza Freedom Flotila được dẫn vào cảng Ashdod của Israel hôm 31/5/2010 sau khi bị tấn công bởi quân đội của Isrel. Ảnh: Ariel Schalit.
Con tàu Mavi - Marmara thuộc đội tàu Gaza Freedom Flotila được dẫn vào cảng Ashdod của Israel hôm 31/5/2010 sau khi bị tấn công bởi quân đội của Isrel. Ảnh: Ariel Schalit.

Hồi tháng 5/2010, một đội tàu mang tên “Gaza Freedom Flotila” bao gồm 8 tàu với 70 người đến từ 40 quốc gia chở theo hàng hóa đến dải Gaza. Mục đích của chuyến đi là mang hàng viện trợ cho người dân ở dải Gaza nhằm phá vỡ tình trạng cũng như hậu quả do việc phong tỏa Gaza của Israel để lại. Cộng đồng quốc tế đã rất quan tâm tới chuyến đi này. Tuy nhiên, đến rạng sáng ngày 31/5, tại vùng biển quốc tế, lính đặc công của Israel đã “khám xét” đội tàu Gaza Freedom Flotila trong khi đội tàu này đang tìm cách tiếp cận dải Gaza đang bị Israel đang phong tỏa. Chín người Thổ Nhĩ Kỳ đã bị giết trong vụ “khám xét”. Vụ việc trên đã làm đóng băng mối quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Vốn đã căng thẳng kể từ sau chiến dịch Cast Lead của Israel khiến cho nhiều người ở dải Gaza thiệt mạng diễn ra hồi tháng 12/2008 đến tháng 1/2009, mối quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ - những đồng minh chiến lược trong những năm 1990 ngày càng trở nên xấu đi sau vụ tấn công. Trước yêu cầu của Tổng thống Obama, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chính thức gửi lời xin lỗi tới Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ đó, các quan chức của hai quốc gia này mới gặp nhau để thảo luận việc bồi thường cho gia đình các nạn nhân. Đây cũng được đánh giá là hành động đầu tiên nhằm hâm nóng mối quan hệ giữa hai đất nước.

Chu Thanh – Theo LeMonde 6/11