Tình đời chắp cánh ước mơ

08/01/2015 19:30

(Baonghean) - Bố mất khi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời, chưa đầy 7 tuổi mẹ lại ra đi vì bạo bệnh, cô bé đáng thương ấy đứng trước nguy cơ rơi vào cảnh côi cút, bơ vơ giữa dòng đời. Nhưng tình người và tình đời đã nâng bước cho em đứng vững, đem đến cả niềm tin và hy vọng. Để giờ đây, cô bé năm xưa đã là một sinh viên, đang từng bước vươn tới ước mơ trở thành một bác sỹ giỏi chuyên môn, giàu y đức.

SỐ PHẬN MỒ CÔI

Căn phòng trọ của Lô Thị Nga - sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Y khoa Vinh rất đỗi đơn sơ, chỉ 1 chiếc giường, 1 chiếc bàn, 1 chiếc ghế và vài thứ đồ dùng phục vụ cuộc sống hàng ngày. Nhìn cái “cơ ngơi” ấy, ai cũng dễ dàng nhận thấy hoàn cảnh khó khăn, vất vả của nữ sinh này. Mở đầu câu chuyện, Nga chia sẻ: “So với bạn bè cùng lớp, cùng khu nhà trọ, cuộc sống của em thiếu thốn đủ bề. Nhưng được bước chân vào giảng đường đại học, với em là một may mắn lớn, là niềm khao khát lớn nhất của cuộc đời đã trở thành hiện thực. Bởi lẽ, hoàn cảnh như em, không mấy người có được may mắn ấy...”. Nói rồi, đôi mắt Nga chợt nhòe lệ, những giọt nước mắt tủi buồn, pha lẫn niềm hạnh phúc lặng lẽ tuôn rơi. Chờ em lau khô dòng nước mắt, chúng tôi ngỏ ý muốn được biết rõ hơn về hoàn cảnh gia đình và nghị lực vươn lên của cô nữ sinh y khoa nhỏ nhắn và hiền lành này.

Lô Thị Nga bên góc học tập của mình.
Lô Thị Nga bên góc học tập của mình.

Mẹ của Nga là Lê Thị Luật, quê Diễn Châu, vùng quê ven biển đất chật người đông, một thời khó khăn, vất vả nên nhiều người phải bươn chải khắp nơi để mưu sinh. Chị Luật cũng vậy, để giúp gia đình có đủ cái ăn, chị phải ngược đường 48 lên đất Phủ Quỳ để kiếm việc làm. Số phận run rủi đã đưa chị gặp và yêu thương anh Lô Văn Phương, một chàng trai người dân tộc Thổ ở huyện Qùy Châu. Vậy là cô gái miền biển về làm dâu núi rừng, cái tay quen dần với việc cuốc rẫy trỉa lúa, trồng bắp; cái chân từng bước quen với việc lội suối, trèo đèo.

Chị Luật lần lượt sinh 2 con trai, cả 2 đều khỏe mạnh và chóng lớn. Nhưng người ở bản quan niệm đã có nếp thì phải có tẻ, chiều chồng nên chị quyết định sinh cháu thứ 3 chính là Lô Thị Nga. Nhưng anh Phương không có may mắn được thấy mặt con gái, thậm chí anh không kịp biết đứa con vợ đang mang thai là trai hay gái. Bởi trước lúc chị Luật sinh mấy tháng, người chồng bỗng dưng ngã bệnh rồi đột ngột ra đi. Mất đi người trụ cột, người mẹ của Nga choáng váng và tưởng chừng như quỵ ngã. Nhưng rồi, nghĩ đến các con, chị phải gượng dậy để làm chỗ dựa cho chúng, chị không muốn những đứa trẻ mình dứt ruột để ra phải sống cảnh bơ vơ. Từ đó, chị vừa làm mẹ, vừa làm bố và trở thành trụ cột của gia đình.

Cuộc sống quá gian nan, khổ cực, mẹ của Nga phải làm việc quần quật suốt ngày để mưu sinh, để kiếm tiền nuôi các con. Sự lao lực đã khiến cho sức vóc người phụ nữ ấy ngày một suy kiệt, bệnh tật ngày một nhiều thêm. Sau 6 năm bươn chải và làm lụng cực nhọc, chị Luật mang bệnh nặng rồi từ giã cuộc đời, để lại 3 đứa con còn thơ dại. Đã hơn 10 năm trôi qua, Lô Thị Nga vẫn còn nhớ như in giây phút người mẹ trút hơi thở cuối cùng. Dù đã kiệt sức, mẹ vẫn cố gượng lên để nhìn 3 đứa con lần cuối, rồi mấy giọt nước mặt rịn ra từ khóe mắt đã lõm sâu, đôi mắt như quyến luyến không muốn rời xa con trẻ. Nhưng không ai cưỡng lại được số mệnh. Những ngày cuối đời, mẹ của Nga sống trong đau đớn do bệnh tật hành hạ, không đủ thuốc thang chạy chữa, thiếu người chăm sóc, các con còn thơ dại...

Người xưa thường nói: “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”. Mẹ qua đời, 3 anh em Nga về quê ở Diễn Trường (Diễn Châu) sống cùng gia đình người dì ruột là Lê Thị Lý. Vợ chồng dì Lý cũng sản xuất nông nghiệp, quanh năm bươn bả với ruộng đồng, lại đông con nên cuộc sống đã khó khăn lại càng thêm vất vả. Vì có thêm 3 miệng ăn, nghĩa là mỗi thành viên trong gia đình phải bớt đi một ít khẩu phần và phải gắng sức thêm trong công việc. Được cái, vợ chồng dì Lý- dượng Phương (Phan Văn Phương) thương các cháu như con ruột, ngoài việc chăm sóc ăn uống hàng ngày còn tạo điều kiện cho các cháu đến trường học chữ, dạy bảo các cháu điều hay lẽ phải. Mấy năm sau, 2 người anh của Nga đã đủ lớn, có thể tự kiếm sống nên lần lượt xin dì dượng lên đường vào miền Nam tìm kế sinh nhai. Nga vẫn là cô bé gầy yếu, xanh xao, vẫn phải nương nhờ vòng tay của người dì ruột tốt bụng. Một buổi đến trường, buổi còn lại em phụ giúp dì dượng công việc gia đình và đồng áng, không nề hà bất cứ việc gì. Những người xung quanh luôn nhìn em với ánh mắt thương yêu và chia sẻ.

Sức vóc gầy yếu nhưng cô bé mồ côi ấy rất sáng dạ, học đến đâu Nga biết đến đấy, những bài toán khó Nga luôn xung phong tìm cách giải nhanh và chính xác nhất. Các thầy cô giáo thường khuyên bảo Nga phải cố gắng học hành, mọi thứ rồi sẽ được đền đáp xứng đáng, tương lai đang chờ đợi phía trước. Thầy cô cũng khuyên dì dượng của Nga cố gắng tạo điều kiện cho em theo học, đừng để phải bỏ học giữa chừng, vì em là người thông minh và có ý chí. Thương đứa cháu gái sớm chịu cảnh bất hạnh, lại nết na, ngoan hiền nên hoàn cảnh còn lắm khó khăn nhưng dì Lý, dượng Phương vẫn cố gắng để cho Nga đến lớp. Trường tiểu học và THCS ở gần nhà nên Nga có thể đi bộ đến lớp. Nhưng lên THPT, trường đóng ở xã khác, đường xa hơn, dì dượng đã mua xe đạp cho em đến lớp hàng ngày.

VIẾT ƯỚC MƠ BẰNG TÌNH YÊU THƯƠNG

Những năm tháng cắp sách đến trường, hầu như lúc nào cô bé Lô Thị Nga cũng phải dùng sách cũ. Đó là những cuốn sách do các anh chị lớp trước tặng hay bán lại với giá rẻ, vì gia đình dì Lý cũng vất vả, khó khăn, không phải lúc nào cũng đủ tiền để mua cho Nga những cuốn sách mới. Hồi còn học tiểu học, thấy các bạn có sách mới tinh, tỏa ra mùi thơm phức, Nga ước ao mình cũng được như các bạn, đôi lúc bỗng thấy tủi thân. Nhưng rồi, cô bé mồ côi ấy sớm ý thức được hoàn cảnh của mình và quyết tâm học thật tốt. Năm lên lớp 6, có thời điểm dì dượng đều vào miền Nam làm ăn, chỉ một mình Nga ở nhà tự lo mọi việc. Với một cô bé 12 tuổi, đó thật sự là một thử thách không mấy dễ dàng, vì phải tự lo liệu từ việc trông coi nhà cửa, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày đến việc học hành, bài vở. Vượt qua nỗi lo âu, thậm chí là lo sợ ban đầu, được sự động viên của thầy cô và bạn bè, Lô Thị Nga đã làm tốt mọi việc, đặc biệt việc học hành không bị sao nhãng, kết quả học tập vẫn được duy trì.

Vất vả nhất là những năm học THPT, hầu hết đều học ngày 2 buổi, trường nằm ở xã Diễn Mỹ nên phải đạp xe đi về trên quãng đường khá xa. Lại thêm nhiều khoản chi phí phát sinh, có lúc Nga cảm thấy bối rối. Hiểu rõ hoàn cảnh của em, thầy cô và bạn bè thường xuyên quan tâm động viên, giúp đỡ. Nga không thể quên lần sơ ý nên làm mất chiếc xe đạp, phương tiện hàng ngày cùng em đến lớp. Thầy giáo chủ nhiệm Phạm Xuân Thiệu đã đứng ra vận động cả lớp quyên góp tiền mua cho Nga chiếc xe đạp mới, em cảm động đến rơi nước mắt trước tình thầy trò, bè bạn. Mỗi khi có suất quà hay học bổng từ các tổ chức hảo tâm, nhà trường đều ưu tiên dành cho Lô Thị Nga- cô học trò mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Lên THPT đồng nghĩa với việc định hướng và lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai, từ lâu Nga ước mơ trở thành y tá để chăm sóc người bệnh, nay em quyết tâm theo đuổi ước mơ của ngày thơ trẻ. Lý giải niềm mơ ước của mình, Nga tâm sự: “Những ngày tháng cuối đời, mẹ sống trong đau đớn vì bệnh tật, không có tiền mua thuốc chứ chưa nói đi bệnh viện. Em thương mẹ lắm nhưng không biết làm sao, chỉ mong có một phép màu. Cũng từ đó, em mơ ước trở thành y tá để chăm sóc, giúp đỡ và xoa dịu nỗi đau của những người bệnh như mẹ”.

Bạn bè đều đăng ký học thêm, không có tiền, Nga xác định bản thân mình phải tự nỗ lực để đạt được niềm mơ ước. Trên lớp, em chăm chú lắng nghe bài giảng và ghi chép đầy đủ, nhờ thầy cô giải đáp những thắc mắc trong giờ học. Ở nhà, em tranh thủ mọi khoảng thời gian, thức khuya dậy sớm để học bài. Có những lúc mệt quá, nằm thiếp đi lúc nào không hay, hình ảnh năm xưa người mẹ nằm trên giường, nét mặt chứa đựng bao đau đớn lại trở về ám ảnh. Nga chợt bừng tỉnh, lau khô dòng nước mắt rồi tiếp tục với bài vở, hình ảnh người mẹ như một động lực thôi thúc em đi tới ước mơ.

Cầm trên tay 2 tờ giấy báo nhập học của Trường Đại học Y khoa Vinh (ngành Điều dưỡng) và Đại học Vinh (ngành Kế toán), Nga mừng rỡ nhưng chẳng bao lâu nỗi lo âu đã ập đến. Mừng vì sự nỗ lực đã được đền đáp. Lo vì hoàn cảnh dì dượng còn nhiều khó khăn, rất có thể em sẽ không có cơ hội nhập học. Sau những ngày đắn đo, trăn trở, thương đứa cháu gái ngoan hiền, hiếu thảo, không đành để nó lỡ hẹn với ước mơ giảng đường, dì dượng của Nga quyết định cố gắng cho em nhập học, dẫu rằng phía trước còn không ít khó khăn. Cùng với sự hỗ trợ của 2 anh, giờ đây Nga đã trở thành sinh viên Trường Đại học Y khoa Vinh.

Những người thân đều khó khăn, vất vả nên cô nữ sinh nghèo này hết sức tiết kiệm, dè sẻn trong các khoản chi tiêu. Em mong nhà trường lên lịch học ổn định để sắp xếp thời gian tìm một việc làm phù hợp, kiếm thêm thu nhập trang trải việc học hành, chi tiêu hàng ngày. Bởi hơn ai hết, Nga biết rằng 5-6 năm học không phải là ngắn, sự hỗ trợ của dì dượng và các anh đều có hạn nên bản thân mình phải nỗ lực hơn. Và cũng như bao sinh viên khác, em mong sau này ra trường sẽ tìm được việc làm để thỏa nguyện niềm mơ ước năm xưa và trả nghĩa tấm lòng, công sức của dì dượng và các anh.

Bên chiếc bàn nhỏ đơn sơ, Lô Thị Nga đang miệt mài với những bài tập và cuốn giáo trình nghề y. Cô nữ sinh người dân tộc Thổ này đang trên đường đến với ước mơ, bao khó khăn đang chờ đợi phía trước nhưng ai cũng tin rằng em sẽ vượt qua. Xung quanh còn có gia đình, người thân và những người tốt sẵn sàng dành cho em tình yêu thương, giúp em nâng cánh ước mơ…

Công Kiên