"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng..."
(Baonghean) - Xin được mở đầu bài viết bằng một câu chuyện mà tôi có dịp chứng kiến từ năm 1992. Ngày ấy, người viết bài này vinh dự được đi dự đại hội Tỉnh đoàn. Ngoài chương trình chính thức của đại hội, ban tổ chức đã bố trí một hoạt động rất có ý nghĩa, đấy là cuộc đối thoại giữa các đại biểu thanh niên với lãnh đạo tỉnh nhà.
Có thể nói, đấy là diễn đàn trực tiếp và hiếm hoi giữa những vị lãnh đạo tỉnh với đại diện tiêu biểu của thế hệ trẻ ngày ấy. Rất nhiều vấn đề được các bên nêu lên đầy trách nhiệm và trí tuệ. Tuy nhiên, có câu hỏi được một bạn trẻ đặt ra với những người đứng đầu tạo nên dấu ấn khó quên ấy là: Tại sao nhiều sinh viên ưu tú ra trường không được Đảng và Nhà nước quan tâm bố trí việc làm? Cả hội trường lặng đi trước câu hỏi đụng đến vấn đề khá lớn của xã hội. Sau đó, tất nhiên câu hỏi được coi là “nhạy cảm” này được vị lãnh đạo tỉnh trả lời. Ông nhẹ nhàng đặt lại câu hỏi, đại ý: ai, bạn trẻ nào, có bao nhiêu sinh viên ưu tú ra trường trên địa bàn chưa có việc làm?
Nếu như tỉnh kêu gọi xung phong lên miền núi, đi vùng sâu, vùng xa liệu các bạn ấy có “chịu” không? Hội trường ngỡ ngàng, và thích thú trước cách đặt vấn đề của vị lãnh đạo tỉnh, rồi lặng im lắng nghe ông ân cần tâm sự như một người cha: Thanh niên cần có chí tiến thủ, nhận trách nhiệm người chủ tương lai của nước nhà để cống hiến và dấn thân cho những hoài bão và khát khao, cho lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ. Ông cũng không quên nhắc một số bạn trẻ có tư tưởng trông chờ, đôi khi ỷ vào năng lực cá nhân để đòi hỏi này kia. Không ít sinh viên ra trường chỉ thích quanh quẩn thành phố, tìm kiếm sự an nhàn, không chịu hy sinh mà còn “bắt bẻ” tỉnh là không nên. Rồi ông dí dỏm trích dẫn câu hát trong bài “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn đang rất thịnh hành ngày ấy, là “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”.
Vâng, đấy là câu chuyện có thật mà tôi còn nhớ được, đấy cũng là câu chuyện của cách đây đã 23 năm! Những bạn trẻ đặt ra câu hỏi ngày ấy giờ cũng đã bắt đầu vào tuổi lo sự nghiệp cho con cho cái, vị lãnh đạo chí lý và sâu sắc xưa cũng đã lên lão từ lâu. Ấy vậy mà, vấn đề “nóng hổi” ngày ấy, ngỡ chừng thứ tư tưởng “trông chờ ỷ lại” ấy chỉ là cái “đuôi” còn sót lại của một thời bao cấp… Vậy mà, có ai ngờ, đến tận hôm nay, có những bạn trẻ của thế kỷ hai mươi mốt, ra trường mấy năm vẫn “cặm cụi” ngồi quán cà phê để… chờ được bố trí việc làm! Thật khó để đưa ra một lời bình nào thỏa đáng với những người trẻ này. So sánh với cách đây hai mươi mấy năm thì sợ làm quá khứ động lòng, mà ướm thử với các nước khác trên thế giới thì lại sợ “nỏ giống ai”.
Có điều, thực trạng vẫn nhức nhối bày ra trước mắt, khó coi đến mức khó im lặng. Sinh viên ra trường thiếu việc làm là một vấn đề xã hội đáng quan tâm. Đó là sự lãng phí về nhân lực, tài nguyên của một quốc gia vừa được công nhận có cơ cấu “dân số vàng”. Họ là ai? Là những người trong độ tuổi lao động, giai đoạn sung sức nhất của cuộc đời. Là những người vừa tiêu tốn không ít tiền của để lấy cho được tấm bằng. Đi tìm căn nguyên của câu chuyện chắc còn nhiều vấn đề phải bàn.
Tư tưởng “tậu” bằng cử nhân cũng đã có lần chúng tôi đề cập đến trong một bài viết trước đây. Cộng với đó là sự sinh sôi nảy nở “vô bờ bến” của hệ thống đào tạo từ công lập đến dân lập, từ loại hình chính quy đến tại chức tập trung, rồi tại chức “thường”, rồi mở, rồi chuyên tu, cả từ xa nữa… Có cầu ắt có cung, có người “thèm” bằng cấp thì có trường sẵn sàng cấp… bằng. Chính điều này cũng là một trong những lý do kéo dài đội quân “cử nhân thất nhiệp” vốn dĩ lâu nay tương đối… hùng hậu!
Học thì tốt, không ai cấm, cũng không ai sai lầm đến mức đi ngăn cản sự học cả. Người ta cũng đang phấn đấu để tiến tới “xã hội học tập”, và “học tập suốt đời” đấy thôi. Tuy nhiên học cái gì, học như thế nào, học vì ai là những câu hỏi không phải bạn trẻ nào cũng quan tâm trước khi ra trường.
Đã qua rồi, qua lâu rồi cái thời mỗi năm cần bao nhiêu ngàn mét vải lụa, mấy trăm tấn đường hay bao nhiêu cô chú cử nhân. Chúng ta đang sống trong thời đại mới. Mọi giá trị đều được sòng phẳng trước những lựa chọn thông minh của thị trường. Câu chuyện doanh nghiệp này, hay tập đoàn kia vào tận trường đại học để “đặt cọc” sinh viên xuất sắc không còn là chuyện lạ hay hiếm nữa. Được biết, ngay trong năm 2014, một số đơn vị ở tỉnh ta tuyển dụng công chức. Để lựa chọn được nhân lực chất lượng cao, cũng để hạn chế hồ sơ nộp về quá nhiều so với số lượng tuyển dụng, người ta đặt tiêu chuẩn phải tốt nghiệp loại giỏi. Nhưng rồi người tốt nghiệp loại giỏi nhiều quá, đành phải bổ sung “rào cản kỹ thuật” điểm chuẩn đầu vào đại học phải trên 25. Ấy vậy mà ở một số vị trí thậm chí điểm chuẩn đầu vào còn lên đến tận… 27!
Thực trạng bộ máy công chức của chúng ta đang phình to đến mức báo động chắc không còn là “bí mật”. Việc tinh giản biên chế đã có lộ trình công khai khá rõ ràng. Chuẩn đầu vào công chức, viên chức không còn ở tình trạng “cứ bước là qua cứ đi là đến” nữa. “Giấc mơ công chức” không thực sự ngọt ngào và nhẹ nhàng như ai đó đang miệt mài… đợi đâu. Vậy ra trường làm sao có được việc làm? Vâng, đây chính là câu hỏi mà các bạn trẻ, thậm chí là cả phụ huynh phải tự đặt ra trước khi làm hồ sơ vào đại học cơ. Hơn ai hết chúng ta cần phải tự hướng nghiệp, phải xác định cho chính mình một lộ trình trong tương lai. Lộ trình ấy có thể là cơ quan Nhà nước nhưng không nhất thiết là cơ quan nhà nước. Thị trường việc làm vô cùng sôi động đang trải ra cơ hội ngày càng bình đẳng hơn cho tất cả mọi người. Đã có không ít những tấm gương nhưng cũng không hề khan hiếm những bài học.
Còn cứ lấy bằng xong rồi là “nhiệt liệt” đợi chờ “các cơ quan có thẩm quyền” bố trí việc làm “ngon lành cành đào” thì e rằng lâu lắm. Không có việc gì là “ngon” trừ khi chúng ta tìm thấy niềm vui trong chính công việc của mình, mà niềm vui tự mình làm nên mới… sướng. Sao không tự tìm cho mình một việc làm thay vì la cà vô bổ? Tự mình tìm kiếm và tạo nên việc làm, có lẽ đó là lựa chọn thông minh nhất, văn minh nhất. Trong lúc bạn chờ người khác, thì cũng có một ai đó đang chờ bạn. Tốt nhất là đừng chờ, đừng ỷ lại, “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”.
Nguyễn Khắc An