Những vụ "trảm" tướng, nhà thầu kinh điển của Bộ trưởng Thăng

02/01/2015 18:56

Một số người dân tin tưởng nhận định về tư lệnh ngành GTVT rằng những nhà thầu yếu kém, những cá nhân làm việc thiếu trách nhiệm...sẽ không còn "đất sống" dưới thời Bộ trưởng Thăng.

TIN LIÊN QUAN

Năm qua, ngành giao thông vận tải Việt Nam đã có những chuyến biến rõ rệt. Sự "thay da đổi thịt" của ngành giao thông được minh chứng bởi những công trình đã được đưa vào khai thác, sử dụng trong năm 2014 này.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng

Có thể kể đến những công trình lớn như cao tốc Nội Bài -Lào Cai, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành, nhà Gà T2 - Sân bay Nội Bài, đường Nhật Tân - Nội Bài, Dự án nâng cấp mở rộng QL 1, cầu Nhật Tân...

Trong năm qua, Bộ trưởng Thăng cũng đã "trảm" không ít cán bộ ngành GTVT khi không hoàn thành nhiệm vụ, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn ngành.

"Trảm" tướng vì thi công ẩu QL1A

Ngày 23/10, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ký Quyết định tạm đình chỉ chức vụ Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 1 đối với ông Nguyễn Quốc Bình để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong quản lý dự án cải tạo, mở rộng QL 1A đoạn Thanh Hoá – Diễn Châu.

Dự án mở rộng quốc lộ 1A
Dự án mở rộng quốc lộ 1A

Trước đó, ngày 22/10, Bộ GTVT nhận được thông tin phản ánh từ báo chívề tình trạng thi công bê tông nhựa sau cơn mưa ngay trên mặt đường ẩm ướt và đọng nước tại dự án nâng cấp, mở rộng QL1A từ km 333+250 - km 333+300 thuộc địa phận huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa do Ban QLDA 1 quản lý.

Các đơn vị liên quan là Tổng công ty Công trình giao thông 1 Thanh Hóa (nhà thầu xây lắp), Công ty cổ phần Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long (đơn vị Tư vấn giám sát (TVGS) chất lượng công trình).

Sau khi kiểm tra, Bộ GTVT thấy rằng đây là hành vi vi phạm kỹ thuật thi công, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Đặc biệt, trước đó, vào ngày 18/8/2014, cũng tại dự án này, Nhà thầu và tư vấn giám sát nêu trên đã bị cảnh cáo vì dùng nước để tưới làm trơn bánh lu trong quá trình thi công bê tông nhựa nóng làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 1 chỉ đạo ngay nhà thầu và tư vấn giám sát cào bỏ lớp bê tông nhựa tại các đoạn thi công khi mặt đường còn ẩm ướt như đã nêu trên, thi công lại bằng kinh phí của nhà thầu đảm bảo đủ điều kiện, tuân thủ theo đúng quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật của Dự án.

Đình chỉ Cục trưởng Đường sắt vì phát ngôn thiếu trách nhiệm

Ngày 25/4, Bộ trưởng Đinh La Thăng quyết định đình chỉ chức vụ Cục trưởng Đường sắt của ông Nguyễn Hữu Thắng vì những phát ngôn liên quan dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Những phát ngôn của ông Thắng bị cho là không đúng và thiếu trách nhiệm về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng uy tín của ngành giao thông vận tải.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu ông Thắng kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong việc phát ngôn và giải trình nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh dự án.

Ông Thắng bị đình chỉ chức vụ do phát ngôn thiếu trách nhiệm về dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông
Ông Thắng bị đình chỉ chức vụ do phát ngôn thiếu trách nhiệm về dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng giao Phó Cục trưởng Trần Phi Thường phụ trách Cục Đường sắt trong thời gian ông Nguyễn Hữu Thắng bị đình chỉ chức vụ.

Trước đó, trả lời báo chí về việc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội giá hơn 300 triệu USD, Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng nói: "Mình đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội 2 lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu. Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên".

Kỷ luật Phó Chánh thanh tra bộ GTVT

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ký quyết định kỷ luật ông Thạch Như Sỹ - Phó chánh thanh tra Bộ GTVT với hình thức khiển trách.

Ông Thạch Như Sỹ chịu hình thức khiển trách do để sai sót về chuyên môn và xử lý chưa đúng thẩm quyền trong quá trình thanh tra hoạt động Bến xe khách thành phố Cần Thơ thuộc Công ty cổ phần bến xe tàu phà Cần Thơ, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Sỹ để xảy ra sai sót trong quá trình thanh tra hoạt động Bến xe khách thành phố Cần Thơ
Ông Sỹ để xảy ra sai sót trong quá trình thanh tra hoạt động Bến xe khách thành phố Cần Thơ

Trước đó, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã đề nghị kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật ông Thạch Như Sỹ - Trưởng Đoàn Thanh tra đột xuất tại Bến xe Cần Thơ từ ngày 11 đến ngày 14/7, do tham mưu kết luận thanh tra không đúng pháp luật, thái độ công vụ không đúng mức, phát ngôn không đúng thẩm quyền với báo chí, gây thiệt hại kinh tế doanh nghiệp.

Cuối tháng 7/2014, đoàn thanh tra do ông Sỹ dẫn đầu đã thanh tra, kết luận Công ty Thành Bưởi núp bóng xe hợp đồng để chạy tuyến cố định, lập “bến cóc” để trốn thuế, phí hàng tỉ đồng. Không đồng ý với kết luận này, Công ty Thành Bưởi đề nghị Bộ GTVT thay đổi đoàn thanh tra để đảm bảo khách quan.

Sau khi kiểm tra lại, ngày 30/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ra văn bản số 992/TB-BGTVT, khẳng định nhà xe Thành Bưởi không hề sai phạm như kết luận thanh tra.

Sau đó Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng đã có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét kỷ luật ông Sỹ với lý do ông Sỹ nhiều lần làm Trưởng đoàn đi thanh tra các đơn vị vận tải tại Hà Nội, Nghệ An, Doanh nghiệp Thành Bưởi, Công ty CP Bến xe - tàu phà Cần Thơ, Thanh tra việc lắp đặt giám sát hành trình... đều để lại điều tiếng không hay.

Giáng chức, kỷ luật "tướng" đường thủy

Ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký quyết định thi hành kỷ luật “khiển trách” đối với ông Lưu Đình Tiến – người đại diện phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy. Trước đó, ông Tiến cũng đã bị thôi giữ chức Tổng giám đốc tại đơn vị này.

Cụ thể, ông Tiến bị kỷ luật do trong giai đoạn giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng đường thủy đã có hành vi vi phạm khi thực hiện công trình duy tu nạo vét luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân và luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải.

Một tàu quốc tế trên luồng Vũng Tàu - Thị Vải.
Một tàu quốc tế trên luồng Vũng Tàu - Thị Vải.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký Quyết định số 4284/QĐ-BGTVT thi hành kỷ luật bằng hình thức "khiển trách" đối với ông Lưu Đình Tiến.

Trước đó, với những sai phạm trên, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng công ty Xây dựng đường thủy làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân và đưa ra hình thức kỷ luật. Ngày 13/10, Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây dựng đường thủy đã có Quyết định số 1717/QĐ-TC để ông Lưu Đình Tiến thôi giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng đường thủy. Hiện ông Tiến đang là Phó Tổng giám đốc Tổng công ty này.

Những vi phạm tại 3 công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải năm 2013 gồm: luồng Hòn Gai - Cái Lân, luồng Vũng Tàu - Thị Vải và luồng Soài Rạp - Hiệp Phước được Thanh tra Bộ GTVT làm rõ từ đơn thư tố cáo. Theo đó, tại công trình nạo vét duy tu luồng Hòn Gai – Cái Lân, đơn vị trúng thầu là Tổng công ty Xây dựng đường thủy.

Sau đó, đơn vị này đã giao thầu cho Công ty Bảo Quân không có phương tiện, nhân lực, kinh nghiệm thi công nạo vét luồng hàng hải. Công ty Bảo Quân đã chuyển nhượng lại công việc cho Công ty Tân Việt để nhận khoản chênh lệnh thầu là 548,45 triệu đồng.

Cách thức tương tự cũng diễn ra tại công trình nạo vét duy tu luồng Vũng Tàu – Thị Vải khi đơn vị nhận thầu là Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Nạo vét đường thủy không có phương tiện thi công phù hợp vẫn được nhận làm thầu phụ cho Tổng công ty Xây dựng đường thủy. Sau đó “bán” công việc lại cho Công ty Song Thương hưởng chênh lệch 1,26 tỷ đồng.

"Trảm" nhà thầu đường thủy

Kiểm tra dự án nâng cấp cửa sông Ninh Cơ ngày 18/9, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu thay ngay nhà thầu do hạng mục thi công chậm tiến độ nhiều tháng.

Tại hiện trường Dự án nâng cấp cửa sông Ninh Cơ (cửa Lạch Giang), ông Lê Huy Thăng, Tổng giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy nội địa phía Bắc, cho biết các gói thầu thuộc dự án này đều đang chậm tiến độ.

Đặc biệt, gói thầu “kè bờ bãi đổ đất phía Nam” do Liên danh Hacoin - Công ty Cơ khí Phương Nam thi công bị chậm tiến độ tới 30% so với yêu cầu. Nguyên nhân do nhà thầu chưa huy động đủ thiết bị thi công.

Lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cũng cho biết, cụm công trình cửa Lạch Giang đã khởi công được 8 tháng nhưng khối lượng của các nhà thầu mới đạt được khoảng 13-21%, rất chậm so với tiến độ yêu cầu.

Các nhà thầu phải huy động thêm nguồn lực, tăng cường máy móc thiết bị, đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng để bù lại thời gian chậm trễ và hoàn thành công trình theo tiến độ yêu cầu.

Tại công trường, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu phải chấm dứt ngay hợp đồng và thay thế nhà thầu khác đủ năng lực. Ông cho rằng, nhà thầu Liên danh Hacoin - Công ty Cơ khí Phương Nam chỉ đủ tiêu chuẩn làm thầu phụ.

"Tiến độ thi công các gói thầu hiện đã rất chậm, cần huy động thiết bị, tổ chức lại thi công một cách hiệu quả", Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo.

Đình chỉ công tác Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt

Gần đây nhất vào ngày 28/12, Ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt, vừa bị đình chỉ công tác do liên quan đến vụ sập hệ thống đà giáo và sụt bê tông tại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào buổi sáng cùng ngày. Ông Bảo là người trực tiếp theo dõi và giám sát thi công nhưng đã để xảy ra sự cố.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, nguyên nhân dẫn tới vụ việc là do giàn giáo bị dịch chuyển, khi đổ bê tông, mất khả năng chịu lực dẫn đến sập hệ thống sàn.

Chiếc taxi bị giàn giáo và bê tông đè bẹp
Chiếc taxi bị giàn giáo và bê tông đè bẹp

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Giao thông nghiêm khắc phê bình cảnh cáo tư vấn giám sát trưởng Diêm Chí Cương; đình chỉ vô thời hạn đối với ông Tạ Trung Văn, tư vấn giám sát phụ trách nhà ga Bến xe Hà Đông.

Đối với nhà thầu phụ thi công - Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ và Đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinacontech), Bộ Giao thông Vận tải đã đình chỉ toàn bộ công tác thi công, tuyệt đối không cho tham gia thi công bất kỳ hạng mục nào khác của dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Lãnh đạo Bộ Giao thông đã chỉ đạo Tổng thầu EPC Trung Quốc tập trung chỉ đạo các nhà thầu phụ và huy động các nhà thầu phụ khác tích cực xử lý hiện trường, để giải phóng mặt bằng, đảm bảo an toàn giao thông.

Tổng thầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm chính và chịu mọi chi phí do sự cố gây ra và yêu cầu các đơn vị: Tổng thầu, Tư vấn giám sát, Thầu phụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý.

Theo VTC news