Cái gốc của vấn đề
(Baonghean) - Vì sao từ lâu và nhiều lần, chúng ta đã bàn, thống nhất chủ trương và thực tế cũng đã tích cực triển khai thực hiện, nhưng đến nay tổ chức bộ máy vẫn có xu hướng ngày càng phình to, biên chế tăng cao, cấp phó còn nhiều; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chậm được cải thiện…
(Baonghean) - Vì sao từ lâu và nhiều lần, chúng ta đã bàn, thống nhất chủ trương và thực tế cũng đã tích cực triển khai thực hiện, nhưng đến nay tổ chức bộ máy vẫn có xu hướng ngày càng phình to, biên chế tăng cao, cấp phó còn nhiều; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chậm được cải thiện…
Đó là một trong số những vấn đề quan trọng được đặt lên bàn nghị sự tại Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa mới khai mạc vào sáng 5/1, tại Thủ đô Hà Nội. Và đó cũng chính là vấn đề được cả xã hội quan tâm, bàn luận từ nhiều năm nay và gây nhiều băn khoăn là tại sao tiến độ triển khai thực hiện đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn chậm. Cho dù, chủ trương, cơ chế, chính sách và các giải pháp về vấn đề này đã có tương đối đầy đủ. Vậy nguyên nhân do đâu? Để trả lời câu hỏi này, trước hết, cần phải thấy một thực tế là việc tiếp nhận hay từ chối và cả sa thải nhân sự chủ yếu là nằm ở quyết định của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương…
Do đó, cần phải khẳng định, trách nhiệm chủ yếu đối với việc thực hiện vấn đề này là của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị. Và giải pháp mang tính đột phá trong lĩnh vực này cũng nằm trong ý chí, quyết tâm cũng như sự mong muốn của người đứng đầu. Như vậy, muốn tạo ra sự đột phá thì trước hết phải đột phá vào tư duy và trách nhiệm của những người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị cụ thể. Chưa làm được khâu đó thì chưa thể thanh lọc đội ngũ, tinh giản biên chế đạt yêu cầu đề ra. Mặt khác, có một thực tế là cơ quan nào, ngành nào, địa phương nào cũng bảo vệ nội bộ của họ, nếu người đứng đầu ở đó không có những hành động cụ thể, dứt khoát thì rất khó thay đổi được tình hình.
Cho nên quyết tâm chung thì cao nhưng khi đụng vào việc cơ cấu lại nhân sự cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị thì không hề dễ dàng một chút nào. Cho dù, về mặt nhận thức, ai cũng biết nếu giảm được biên chế, bộ máy bớt cồng kềnh sẽ giảm được chi phí cho trả lương, giảm áp lực cho nợ công, chi thường xuyên... Tinh giản bộ máy là bước thay đổi dần và nâng cao năng lực của bộ máy. Khi chất lượng bộ máy tốt hơn năng lực bộ máy nâng lên thì đương nhiên hiệu quả điều hành sẽ tốt hơn. Thế nên, chủ trương thì quá đúng, nhưng làm thế nào để phù hợp với thực tiễn lại là câu chuyện dài và cần có lộ trình, cách thức. Vì vậy, để đẩy nhanh được tiến độ thực hiện và thực hiện đề án tinh giản biên chế có hiệu quả thì việc cần làm trước nhất là phải cũng cố quyết tâm cho chính người đứng đầu của từng cơ quan, đơn vị. Cách củng cố hay nhất là đề ra các tiêu chí tinh giản nhân sự một cách cụ thể và định lượng rõ ràng, không định tính chung chung dễ khiến người đứng đầu e ngại, băn khoăn dẫn đến chần chừ khi ra quyết định. Và có cơ sở pháp lý, phù hợp các quy định, chế tài của pháp luật.
Vì thế, nếu cần có các đề xuất mới về quan điểm, cơ chế, chính sách, biện pháp có tính đột phá về tổ chức bộ máy và cán bộ của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, thì cần phải có giải pháp đột phá hiệu quả vào quyết tâm của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành, lĩnh vực… Vì đó chính là cái gốc của vấn đề.
Duy Hương