Ông "Vạn Hốc"

18/09/2014 17:51

(Baonghean) - Ở bản Hốc (xã Châu Đình, Quỳ Hợp) có một ngôi đền nhỏ trên đỉnh đồi Pu Xấn. Hàng năm, cứ đến ngày 28 Tết, dân bản lại chủ động góp tiền, của để làm lễ cúng, coi như là “Pủ” chung của cả bản, đó chính là đền thờ ông Vạn Hốc!

Quanh ông Vạn Hốc, có nhiều câu chuyện khác nhau.

Đồng bào các xã phía trên của vùng Khủn Tinh cũ thì cho rằng, ông Vạn Hốc là người họ Lương, từ vùng bản Nhang thuộc Mường Ham xưa (xã Châu Cường, Quỳ Hợp ngày nay), do có sự bất hoà trong nội tộc, đã đem theo vợ con và 5 hộ gia đình xuống vùng xã Châu Đình bây giờ để lập ra một bản mới, khai phá, mở ra cánh đồng Tổng Hốc ngày nay. Khi ông chết, người bản Hốc đã lập đền thờ ông.

Đền thờ ông ’’Vạn Hốc’’ trên đỉnh đồi Pu Xấn, ngay cạnh bản Hốc
Đền thờ ông ’’Vạn Hốc’’ trên đỉnh đồi Pu Xấn, ngay cạnh bản Hốc

Trong cuốn: “Địa chí huyện Quỳ Hợp” của PGS Ninh Viết Giao và cộng sự - NXB Nghệ An - 2003, phần nói về xã Châu Đình, trang 511, thì lại viết: “Thuở xưa, có một người đàn ông khoẻ mạnh, mang dòng họ Hủn Vi, đến vùng này chiêu mộ được 1 vạn, 6 ngàn người (vạn hốc) để đắp một cái đập lớn... Đập đắp xong, trời mưa to, nước dâng lên cao ngập cả vùng xã Châu Lý hiện tại, nên phải tháo. Vết tích còn lại in trên lưng đồi bản Quệ, bản Cáng. Dù đập phải tháo, không dùng được, nhưng nhân dân trong vùng vẫn nhớ ông, lập đền thờ ông, gọi ông là “Vạn Hốc”. Cái tên “Bản Hốc” cũng từ tên ông mà ra...”

Còn câu chuyện thứ 3, là câu chuyện được người bản Hốc kể và tin tưởng hơn cả, thì đã lâu lắm rồi, hồi ấy cả bản còn đang ở dưới chân núi Phá Hốc, ngay chỗ xóm Mỹ Tân ngày nay (núi có 6 ngọn nhỏ từ cao đến thấp, tên bản đặt theo tên núi này, hiện ở đó còn một khóm cây tốt tươi chưa ai dám chặt phá, gọi là “pả lắc xừa”, chính là dấu tích của bản Hốc cũ), sau đó thì dời bản tới ở ngay cạnh dòng sông Nặm Huống (đầu nguồn sông Dinh), nhưng tên bản vẫn giữ nguyên như cũ. Vì bản ít hộ, lại nghèo, quanh năm chỉ biết làm nương rãy, cho nên Tạo mường lớn Khủn Tinh đã không công nhận và ghi tên thành một bản chính thức của mường. Cũng vào thời đó, có một người đàn ông vạn chài kéo thuyền ngược sông Dinh, ghé vào bản và xin ở lại để khai thác lâm sản đem về chợ Hiếu bán. Vì không biết tên ông, nên ai cũng chỉ gọi ông là “ông Vạn” mà thôi.

Được dân bản cho ở nhờ, “ông Vạn” vừa tìm hái lâm sản trong rừng đưa xuống thuyền, lại vừa bày cách cho dân bản đắp phai, làm guồng nước, đào những con mương nhỏ để dẫn nước về làm ruộng cấy lúa. Nghe và làm theo lời “ông Vạn”, nhiều đám ruộng lúa nước của bản đã được mở ra... cuộc sống dần dần ổn định, bản có nhiều nhà và giàu có lên. Từ đó, Tạo mường lớn Khủn Tinh mới công nhận và ghi tên bản vào danh sách các bản chính thức của mường, và cũng gọi tên bản là “bản Hốc”. Còn “ông Vạn” thì sau nhiều lần đi về, bỗng nhiên vắng biệt luôn, không thấy ông kéo thuyền lên bao giờ nữa, nhưng dân bản vẫn luôn nhớ đến công ơn của ông, cho nên đã dựng đền thờ ông, coi ông như “Pủ” chung của bản, và thờ ông cho đến tận ngày nay (tiếng Thái: vạn = người ở dưới thuyền, cũng như người Kinh hay gọi là vạn chài, vạn đò; từ “vạn” ở đây không mang ý nghĩa như là một con số. Người ta gắn tên ông Vạn vào tên bản, mới trở thành là “Vạn Hốc”, có nghĩa là “ông Vạn ở bản Hốc”.

Năm 2002, “Bản Hốc” đã được UBND huyện Quỳ Hợp công nhận là bản đạt danh hiệu “Làng Văn hóa”!

Đáng tiếc là hiện nay, không hiểu xuất phát từ lý do nào mà bản lại được đổi tên từ “bản Hốc” thành ra “bản Rốc”(bởi từ “rốc” trong tiếng Thái chẳng mang ý nghĩa gì cả).

Thái Tâm