Tác dụng phụ

30/10/2014 12:02

(Baonghean) - Bắt đầu từ ngày 15/10, các trường tiểu học trên cả nước bắt đầu áp dụng việc dùng lời nhận xét thay cho chấm điểm. Thâm ý của ngành Giáo dục là giúp các em học sinh thoát khỏi gánh nặng điểm số, thành tích và buộc giáo viên phải quan tâm sâu sát đến các em hơn.

(Baonghean) - Bắt đầu từ ngày 15/10, các trường tiểu học trên cả nước bắt đầu áp dụng việc dùng lời nhận xét thay cho chấm điểm. Thâm ý của ngành Giáo dục là giúp các em học sinh thoát khỏi gánh nặng điểm số, thành tích và buộc giáo viên phải quan tâm sâu sát đến các em hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đó thật sự là một ý tưởng hay của ngành. Nhưng mới chỉ qua nửa tháng thực hiện, cái hay bắt đầu làm nảy sinh những hệ lụy ngoài ý muốn và có nguy cơ biến tướng thành việc không hay. Ấy là sau vài ngày cặm cụi ngồi đọc bài rồi viết nhận xét đến mờ cả mắt, tê cả tay, ê ẩm cả người, các “mẹ hiền” nhận ra rằng so với chấm điểm, việc viết nhận xét quá tốn thời gian, công sức. Nửa tháng trước, chấm bài chỉ bằng một hoặc hai con số, ngoéo cái là xong. Nay phải viết nhận xét, ngắn nhất cũng phải vài ba chữ trở lên, gấp mấy lần trước đó. Chưa kể, chấm điểm có thể xem lướt rồi áng chừng điểm số. Còn nhận xét thì phải đọc thật kỹ rồi mới “phán” được. Nói đúng không sao, nói sai thì phiền phức lắm.

Thế là một sáng kiến (mà cũng có thể là tối kiến) nảy ra là thuê người khắc lên gỗ những lời nhận xét hay dùng kiểu “chung chung chi đạo” kiểu như “cô khen”, “Con cần cố gắng hơn ”... dùng vào đâu cũng được, giống như con dấu. Đọc bài xong, giơ tay ấn “cộp” một cái, hệt nhân viên văn thư đóng dấu công lệnh, thế là xong và xem ra còn nhanh, còn nhàn hơn cả khi chấm điểm. Hiềm một nỗi, học sinh thì mỗi em một nét, một kiểu, bài làm thì đúng, sai, hay, dở khác nhau. Ưu điểm, khuyết điểm cũng khác nhau nốt, làm sao mà gói gọn lại trong vài lời nhận xét “gỗ” khô khan đó được? Làm sao mà nói đúng và chính xác hạnh kiểm, học lực, ưu nhược của từng em được? Mà như thế thì chả giúp gì được cho các em. Chưa kể, nhìn vào những con chữ được khắc đẽo đều chằn chặn, thấy lạnh lùng và vô cảm lắm! Thế là, hay chưa được bao nhiêu đã bị biến tướng thành cái dở. Gây hậu quả tiêu cực ngoài mong muốn chủ quan của ngành Giáo dục khi áp dụng cách làm mới. Việc đó giống như khi sử dụng thuốc.

Uống thuốc kháng sinh trị được bệnh, nhưng cũng có thể khiến người uống trở nên mệt mỏi, hao tổn sức khỏe, tinh thần và có khi sinh ra chứng bệnh khác, như là dị ứng chẳng hạn. Cái đó, người ta gọi là tác dụng phụ. Ngăn chặn được bệnh này, nhưng lại sinh ra bệnh khác. Tránh gánh nặng thành tích, điểm số cho học trò bằng cách buộc giáo viên viết lời nhận xét lại sa vào bệnh hình thức, hời hợt, vô cảm với học sinh vì những lời nhận xét “gỗ”. Xem xét kỹ thì thấy, hình như ở trong bất cứ lĩnh vực nào, công việc nào cũng đều có những tác dụng phụ cả... Tuyển chọn người được đào tạo bài bản, có bằng cấp càng cao càng tốt để đưa vào bộ máy công quyền, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy thì lại sinh ra tệ chạy theo bằng cấp một cách không lành mạnh với các biểu hiện như mua điểm, mua bằng, dùng bằng giả... Quy định tuổi về hưu, tuổi cơ cấu thì lại đẻ ra việc chạy lý lịch. Cấm xe quá tải một cách quyết liệt để bảo vệ đường sá, lại nảy chuyện hối lộ trạm cân để được đi trót lọt...

Mới thấy cuộc sống là vậy. Cái lợi, cái hại, cái xấu, cái tốt, cái hay, cái dở luôn song hành với nhau. Và đôi khi cỏ dại mọc lấn át cả hoa thơm, trái ngọt. Tác dụng phụ liên đới gây hại và thậm chí là vô hiệu hóa tác dụng chính. Cho nên, người đời thường nhắc nhau phải suy tính hết sức cẩn trọng trong mọi việc và trước khi hành động để tránh gây ra tác dụng phụ ngoài mong muốn. Vì thế mà dân gian mới có câu: “Ném chuột, đừng để vỡ bình quý” là với dụng ý đó. Mà làm việc gì cũng phải suy tính kỹ lưỡng, có kế hoạch cẩn thận và hành động phải mau lẹ, chuẩn xác. Nếu không, đã ném không đúng “chuột”, nghĩa là mục đích chính không đạt được, lại còn gây thiệt hại nặng nề “vỡ bình” quý. Nhưng ngược lại, cũng không nên vì quá sợ “vỡ bình” mà lại không dám “ném chuột”, để mặc cho cái xấu tung hoành. Vì thế, cần có thêm những biện pháp đủ mạnh để khắc chế cho bằng được những tác dụng phụ mới nảy sinh. Trở lại với việc giáo viên dùng con dấu gỗ thay cho những lời nhận xét viết tay, ngành Giáo dục cần phải có giải pháp để xử lý, khắc phục triệt để hay là chấp nhận và coi đó như là tác dụng phụ của cách làm mới? Giống như trong cuộc sống thường ngày, nhiều khi người ta cũng phải chấp nhận những... tác dụng phụ?!

Bụt Sơn