Cái gốc của đoàn kết

18/11/2014 09:24

(Baonghean) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Từ đó, suy ra đoàn kết là nguyên nhân cơ bản, là cội nguồn của những thành công, những thắng lợi. Thực tế qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đã chứng minh điều đó.

TIN LIÊN QUAN

Như vậy, cái gốc của những thành công, thắng lợi là đoàn kết toàn dân tộc. Vậy cái gốc của đoàn kết là gì? Hiểu theo nghĩa khái quát nhất thì đoàn kết là kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung. Mà muốn kề vai, sát cánh cùng nhau thì trước hết là phải tin tưởng nhau. Muốn tin tưởng được nhau thì phải hiểu nhau, cho nhau biết tường tận mọi điều, mọi việc, không giấu giếm nhau điều gì. Nghĩa là phải thẳng thắn, thành thật với nhau; công khai, minh bạch mọi chuyện. Trong gia đình thì ông bà, bố mẹ, con cái, vợ chồng sống thành thật, không dối trá nhau.

Ra ngoài xã hội thì già không dối trẻ, cán bộ không dối dân và ngược lại. Trong Đảng thì cư xử với nhau trên tinh thần nhìn thẳng, nói thật với tình đồng chí yêu thương nhau thật lòng. Cho nên, để tạo được sự công khai, minh bạch trong xã hội thì điều tiên quyết là phải mở rộng và phát huy dân chủ trong nhân dân và trong Đảng, để người dân và đảng viên được phát huy hết quyền hạn, trách nhiệm của mình trong tất cả mọi việc.

Không phải ngẫu nhiên mà trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Mấu chốt để làm được điều đó chính là thực hành dân chủ. Vì dân chủ sẽ tạo ra sự đồng thuận. Mà đồng thuận chính là một biểu hiện của đoàn kết, hành động vì một mục đích chung. Cụ thể là thực hiện đúng và đầy đủ quy chế dân chủ ở cơ sở theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, nơi nào phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nơi đó có nhiều thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Và ngược lại cũng có không ít nơi, trong không ít việc, lĩnh vực người dân chưa thật sự được biết, được bàn, được kiểm tra. Nếu có được thì cũng ở một mức độ hạn chế. Do vậy, đã xảy ra không ít sự ngờ vực dẫn đến những vụ xô xát, khiếu kiện đông người làm rạn nứt khối đoàn kết giữa Đảng với dân, giữa chính quyền với dân và trong nội bộ nhân dân với nhau.

Nên nhớ, ngay sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chúng ta đã lấy tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Mà như các nhà nghiên cứu về chính trị đã phân tích, trong đó, yếu tố dân chủ được đặt lên trước tiên là nhằm gửi đi một thông điệp đoàn kết rộng rãi để xây dựng một nền cộng hòa còn non trẻ, để giữ gìn nền độc lập còn rất mong manh. Nhờ đó, chúng ta đã đoàn kết được tất cả, ngay với những lực lượng đối lập; giữ vững được thành quả của cách mạng, tạo nền tảng cho những thắng lợi vang dội về sau này. Như vậy, có thể thấy dân chủ là một nhân tố quan trọng để tạo nên đoàn kết và đoàn kết muốn bền chặt, dài lâu thì phải dựa trên cơ sở phát huy dân chủ.

Chính vì thế mà Đảng, Nhà nước ta luôn coi trong việc “thực hành dân chủ rộng rãi”. Xã hội càng tiến lên thì nội hàm dân chủ càng phong phú và đa dạng hơn; cách thức thực hiện rộng rãi dân chủ cũng phải đổi mới kịp với xu thế phát triển. Chỉ có như vậy mới bảo đảm được sự đoàn kết rộng rãi và thật lòng của mọi người trong xã hội để cùng phấn đấu cho mục tiêu chung là “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Đối chiếu với tình hình thực tế, còn nhiều điều bất cập trong việc “thực hành dân chủ rộng rãi”. Một mặt vì quyền dân chủ của người dân trong các lĩnh vực hoạt động chưa được thể chế hóa một cách đúng đắn và đầy đủ; mặt khác, nhiều nơi, nhiều lúc cách thức tổ chức “thực hành dân chủ rộng rãi” còn nặng về hình thức mà chưa đi vào thực chất.

Vì thế, cần phải nói lại, nhắc lại rằng: dân chủ là điều kiện cần và đủ để hình thành nên sự đoàn kết. Và để giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất cao và bền chặt trong Đảng, trong nhân dân thì cách làm tốt nhất là phát huy dân chủ một cách thật sự và rộng rãi, ở mọi nơi, mọi lúc. Vì dân chủ là cái gốc của sự đoàn kết.

Duy Hương