Châu Âu thay đổi chiến lược của mình trong vấn đề nhập cư

01/11/2014 08:10

(Baonghean.vn) - Thứ sáu ngày 31/10, Italia chính thức xác nhận việc kết thúc chiến dịch Mare Nostrum tại khu vực Địa Trung Hải. Được biết, từ ngày 1/11, một chiến dịch có tên là Triton Frontex sẽ có nhiệm vụ thay thế cho Mare Nostrum.

Chiến dịch Mare Nostrum được bắt đầu từ tháng 10/2013 sau khi xảy ra những thảm họa ở Lampedusa và Malta trong thời gian đó đã giết chết gần 400 người nhập cư. Bắt đầu từ ngày 1/11, Triton hợp tác với Frontex - cơ quan giám sát biên giới bên ngoài châu Âu sẽ tiếp nhận việc giải cứu những người nhập cư trên biển. Triton sẽ tập trung vào các tuyến đường di cư xuất phát từ Libya và Ai Cập.

Những người nhập cư được một tổ chức phi chính phủ giải cứu ngoài khơi Libya hôm 4 tháng 10. Ảnh: Darrin Zammit Lupi
Những người nhập cư được một tổ chức phi chính phủ giải cứu ngoài khơi Libya hôm 4 tháng 10. Ảnh: Darrin Zammit Lupi

Italia tuyên bố các tàu tuần tra của quốc gia này trong khi làm nhiệm vụ tại vùng biển quốc tế ngoài khơi Libya tại vùng Địa Trung Hải đã cứu được 150.000 người. Italia đã chi khoảng 114.000.000 euro cho các hoạt động giải cứu những người tị nạn và cảm thấy không hài lòng trước sự thiếu giúp đỡ của các thành viên khác trong Liên minh châu Âu. Theo ước tính của Cao ủy về người tị nạn của Liên Hợp Quốc, trong 2 năm trở lại đây, nguy cơ tử vong đã tăng lên gấp đôi trên những tuyến đường giao thông trên biển này. Cuối cùng, Italia đã quyết định buộc một số nước khác tham gia vào trong một chiến dịch có tên là Frontex.

Với ngân sách rất hạn chế (90 triệu euro), cơ quan sẽ dựa vào nguồn nhân lực và các nguồn lực khác của các thành viên trong liên minh. Tính tới thời điểm này, 21 thành viên trong Liên minh châu Âu đã đề nghị hợp tác với từng mức độ rất khác nhau. Triton sẽ cung cấp 4 máy bay, 1 máy bay trực thăng, 7 tàu và 65 nhân viên chịu trách nhiệm hỗ trợ cho Italia. Ngân sách dành cho các hoạt động trên sẽ là 2,9 triệu euro mỗi tháng. Trước đó, Italia đã chi 9 triệu euro hàng tháng với khoảng 900 binh lính làm nhiệm vụ mỗi ngày tại khu vực Địa Trung Hải.

Một loạt các tổ chức bao gồm Tổ chức Ân xá quốc tế lo sợ sẽ xảy ra nhiều thiệt hại về người hơn nữa sau khi kết thúc chiến dịch Mare Nostrum. Nicolas Beger – Giám đốc Văn phòng Tổ chức Ân xá châu Âu đặt tại Brussels cho rằng, “Nhìn chung, Triton không phải là một hoạt động tìm kiếm cứu nạn mà nó chỉ có nhiệm vụ giám sát. Trong khi đó, với tình hình căng thẳng như đang diễn ra hiện nay tại một số quốc gia ở Địa Trung Hải thì chắc chắn dòng người di cư sẽ ngày một tăng lên”.

Ủy ban châu Âu không hề phủ nhận sự khác biệt giữa chiến dịch Mare Nostrum và Triton nhưng vẫn đảm bảo nhiệm vụ cứu trợ sẽ được tiếp tục. Ông Angelino Alfano – Bộ trưởng Bộ Nội vụ Italia đảm bảo “các hoạt động cứu nạn vẫn được duy trì phù hợp với luật biển”. Italia sẽ chịu trách nhiệm quản lý trang thiết bị cũng như các nguồn lực có sẵn của Triton và luôn đảm bảo việc tiếp nhận người di cư. Trước những lo ngại của các tổ chức phi chính phủ, Ủy ban châu Âu hứa hẹn sẽ đánh giá chính xác về chiến dịch Triton vào năm 2015.

Chu Thanh

Theo LeMonde 31/10