Động lực từ một mối trăn trở và sự khích lệ…

21/01/2015 07:09

(Baonghean) - Áp dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp hữu cơ và bền vững được xác định là chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn - một trong bốn trụ cột của cơ cấu nền kinh tế Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, Đảng bộ và chính quyền tỉnh nhà chủ trương đề cao tính thực tiễn và liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - người tiêu dùng, từ đó tạo đà cho các bước đột phá phát triển bền vững. Vấn đề đó, được làm rõ hơn từ chuyến khảo sát thực tế tại các địa phương của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ngày 19/1 vừa qua…

TIN LIÊN QUAN

Công nhân Công ty cổ phần sinh học An Hà (Tân Kỳ) đóng bầu nấm bằng máy đóng bịch tự động.
Công nhân Công ty cổ phần sinh học An Hà (Tân Kỳ) đóng bầu nấm bằng máy đóng bịch tự động.

khích lệ Những mô hình hiệu quả

Một trong những dự án phát triển nông nghiệp áp dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả là dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ các loại nấm ăn và nấm dược liệu theo quy mô công nghiệp” do Công ty CP sinh học An Hà (đóng tại xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ) làm chủ đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương được phê duyệt theo Quyết định số 2573/QĐ-BKHCN ngày 24/11/2010. Với thời gian thực hiện từ tháng 4/2013 đến tháng 9/2015 tại huyện Tân Kỳ, đến nay dự án đã trồng thí điểm và thử nghiệm thành công trên 8 giống nấm, trong đó các giống nấm chủ lực là mộc nhĩ, nấm sò và nấm linh chi.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường và đoàn công tác của tỉnh đến thăm Công ty CP sinh học An Hà vào thời điểm công nhân của Công ty đang tiến hành đóng bầu cấy nấm trên dây chuyền máy đóng bịch tự động công suất 800 - 1.000 bịch/giờ, đã giảm thời gian và tăng hiệu suất lao động đáng kể, cho thấy hiệu quả của việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất. Đây là một trong số các công đoạn được cơ khí hóa, tự động hóa thành công trong cả chuỗi quy trình sản xuất ở doanh nghiệp này.

Năm 2014, sản lượng nấm của Công ty CP sinh học An Hà đạt 38 vạn bịch nấm các loại, với tổng sản lượng nấm tươi thu về đạt 352 tấn, doanh thu 5.320 triệu đồng. Đây không chỉ là kết quả khả quan cho tình hình phát triển của nền nông nghiệp địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, mà còn mở ra những hướng đi mới cho công cuộc chuyển đổi cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đó là tạo môi trường cho người nông dân tiếp cận với các loại máy móc, công nghệ hiện đại như nồi hơi, buồng hấp, nhà lạnh,… từ đó từng bước hình thành tư duy sản xuất nông nghiệp theo quy mô công nghiệp, sản xuất hàng hóa thương phẩm và chuyển đổi mô hình sản xuất, buôn bán tại gia từ quy mô nhỏ lẻ sang mô hình hộ sản xuất vệ tinh liên kết với các doanh nghiệp.

Như vậy, từ một mô hình sản xuất do doanh nghiệp đứng ra làm chủ đầu tư, sức mạnh của khoa học kỹ thuật đã lan tỏa trong quần chúng, tạo thế liên kết vững chắc và dần hình thành chuỗi sản xuất, chế biến giá trị cao theo đúng mục tiêu và định hướng mà tỉnh Nghệ An đặt ra cho công cuộc hiện đại hoá nông nghiệp, một trong những mặt trận chủ lực của nền kinh tế tỉnh nhà.

Cán bộ kỹ thuật trao đổi với giáo viên và sinh viên Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc về sản xuất máy chế biến thức ăn.
Cán bộ kỹ thuật trao đổi với giáo viên và sinh viên Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc về sản xuất máy chế biến thức ăn.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm - một ngành sản xuất truyền thống trong lĩnh vực nông nghiệp nay cũng đã có nhiều biến chuyển theo chiều hướng hiện đại hoá. Khảo sát tại mô hình trang trại chăn nuôi lợn thịt đạt tiêu chuẩn VietGAP của ông Đặng Anh Tuấn tại xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh phấn khởi nghe ông chủ trang trại thuyết trình về công nghệ sử dụng chế phẩm BALASA N01 làm đệm lót sinh thái trong nuôi lợn đã đem đến một môi trường sinh trưởng tốt, giảm thiểu bệnh về đường tiêu hoá cho lợn, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường - hạn chế lớn nhất của ngành chăn nuôi. Đến nay, trang trại với quy mô 300 lợn nái của ông Tuấn đem lại doanh thu 16 tỷ đồng/năm, lợi nhuận ròng ước đạt khoảng 1,5 tỷ đồng…

Bộc bạch với đoàn công tác của tỉnh, ông Tuấn cho biết: “Học hỏi và tiếp thu công nghệ sử dụng đệm lót sinh học từ các trang trại ở Cần Thơ, năm 1994 tôi trở về Nghệ An với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, bằng chính ngành nghề truyền thống gần gũi và quen thuộc. Trăn trở của tôi lúc đó là: Muốn thành công, đột phá từ những cái cũ, nhất thiết phải có sự đổi mới. Tương lai của ngành chăn nuôi chính là môi trường, đó là giá trị bền vững nhất, không chỉ về khía cạnh sinh thái mà còn là giá trị bảo đảm cho lợi ích kinh tế”; và ông khẳng định: “Khoa học kỹ thuật có thể đòi hỏi công sức, đầu tư cao hơn vào lúc bắt đầu xây dựng mô hình. Nhưng về lâu dài, sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn và bền vững. Giá thành thịt lợn xuất chuồng của trang trại tôi cao hơn giá thành bình thường, đó là vì chúng tôi đảm bảo chất lượng và độ an toàn của sản phẩm. Những điều đó không tự nhiên mà có, cần đến sự quyết tâm của người thực hiện, và trên hết, cần phải tư duy, trăn trở: cái gì tốt cho người tiêu dùng sẽ được người tiêu dùng ghi nhận, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất”.

Trực tiếp khảo sát, tham quan các mô hình kinh tế nông nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ở cơ sở, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi: “Nông nghiệp đã, đang và sẽ vẫn là một trong những mặt trận chủ lực trong công cuộc phát triển kinh tế. Nhưng làm thế nào để tạo bước đột phá trong nông nghiệp, đưa ngành kinh tế truyền thống này bắt kịp với đường đua của thời kỳ hội nhập, đó là câu hỏi đặt ra cho người nông dân. Câu trả lời đã rõ, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, biến ngành truyền thống thủ công này thành một loại “công nghiệp” mới. Mới mà cũ, có nghĩa là, vẫn những người nông dân đó, vẫn những sản phẩm cây, con đó nhưng với tư duy mới, cách làm mới. Làm được như vậy, chính là đã tạo ra giá trị mới, vị thế mới cho nghề nông trên thị trường và trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Trăn trở Đưa thực tiễn vào nghiên cứu, đào tạo

Tại mô hình chế biến thức ăn gia súc từ các phụ phẩm nông nghiệp ở xã Thanh Ngọc (Thanh Chương), qua kiểm tra, ghi nhận, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục trăn trở phải làm sao để nhân rộng mô hình trong bà con nhân dân. Được biết, từ sự gợi ý, chỉ đạo của đồng chí, thông qua vai trò cầu nối của Sở Khoa học & Công nghệ, đã có một thoả thuận, ký kết hợp đồng nguyên tắc với trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc; theo đó, trường sẽ lồng ghép sản xuất máy chế biến thức ăn vào việc dạy học và thực hành của sinh viên, cung cấp máy với giá thành thấp hơn giá bán hiện nay. Biết thêm, Dự án “Chế biến thức ăn cho gia súc từ phụ phẩm nông nghiệp, sử dụng men vi sinh tiêu hoá” do Công ty Green Nghệ An triển khai từ năm 2013 tại điểm mô hình là xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương.

Công nghệ men vi sinh cho phép chế biến các phụ phẩm nông nghiệp như củ và thân cây sắn, cây ngô thành thức ăn cho gia súc, giảm giá thành đến 25%, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Không chỉ đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng, công nghệ này còn cho phép bảo quản các nguyên liệu làm thức ăn trong một thời gian dài, giảm thiểu tối đa lãng phí trong sản xuất nông nghiệp. Điểm nhấn thành công của Dự án xét về hiệu quả về kinh tế, đó là đã hình thành mối liên kết với trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, sản xuất máy móc phục vụ bà con nông dân với giá thành thấp, khuyến khích người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đưa khoa học kỹ thuật đến với nhà nông chỉ là bước cuối cùng của cả quy trình sản xuất khép kín, không chỉ dừng lại ở đó, hiện đại hóa chuỗi sản xuất phải bắt nguồn ngay từ những bước đầu tiên trong nghiên cứu, đào tạo về khoa học kỹ thuật gắn với thực tiễn “đi” từ tâm huyết và định hướng đúng đáp ứng yêu cầu đời sống. Thạc sỹ, nhà giáo ưu tú Nguyễn Duy Nam - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc cho biết: “Kết hợp với các doanh nghiệp giống như “một mũi tên trúng nhiều đích”.

Cái đích thứ nhất, đó là đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và cho người tiêu dùng, bởi giá thành máy móc, linh kiện chắc chắn sẽ thấp hơn so với nhập từ địa phương khác, thậm chí là từ nước ngoài. Cái lợi thứ hai, đối với nhà trường, không phải là vấn đề lợi nhuận mà là kinh nghiệm thực tiễn đem lại cho đội ngũ giáo viên cũng như các em học sinh. Bởi, với đặc thù ngành đào tạo của trường, thực hành và nắm bắt được thực tế nhu cầu, cách thức sản xuất trong doanh nghiệp có vai trò cực kỳ quan trọng. Cuối cùng, tin tưởng rằng với đội ngũ giảng viên có năng lực chuyên môn cao và hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng những nhu cầu mà các doanh nghiệp đặt ra, trở thành một lợi thế của tỉnh chúng ta trong công tác thu hút đầu tư, tạo đột phá trong phát triển kinh tế”.

Như vậy, có thể thấy, khoa học kỹ thuật là chất xúc tác đẩy nhanh mọi công đoạn của quy trình phát triển kinh tế nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng. Từ nhà khoa học đến nhà nông, sự hiện diện của khoa học kỹ thuật cho phép giảm lược yêu cầu đầu vào và nhân bản hiệu suất đầu ra, tạo đà cho phát triển đột phá. Để làm được điều này, nhất định phải tạo được mắt xích liên kết: giữa lý thuyết khoa học và nhu cầu, điều kiện thực tiễn; giữa người nghiên cứu và người thực hiện. Cầu nối gắn liền các yếu tố đó, chính là sự định hướng, tạo điều kiện và quản lý của Nhà nước, như kết luận của đồng chí Nguyễn Xuân Đường qua chuyến khảo sát thực tế và làm việc về tình hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp với Sở Khoa học & Công nghệ: “Khoa học nếu không có tính thực tiễn thì không phải là khoa học chân chính. Bởi, mục đích của khoa học là phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Khoa học kỹ thuật là sức mạnh, là lực đẩy của nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng. Nhưng chính tính thực tiễn, khả thi mới làm nên sức sống, sức lan toả của khoa học kỹ thuật. Đẩy mạnh hơn nữa chức năng, vai trò cầu nối của các cơ quan chủ quản để nhà khoa học với nhà nông tiếp cận, bắt tay nhau cùng tiến lên, đó chính là giải pháp để khoa học kỹ thuật thực sự đi vào cuộc sống”.

Thục Anh - Thành Duy