Bài 1: Những cách làm hay, mô hình hiệu quả

04/11/2014 07:57

(Baonghean) - Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TƯ ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới", những năm qua, tỉnh Nghệ An đã chú trọng xây dựng và nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả trong phong trào, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

 Cán bộ xã Thông Thụ  (Quế Phong) tuyên truyền pháp luật tận các hộ dân.  Ảnh: Đặng Cường
Cán bộ xã Thông Thụ (Quế Phong) tuyên truyền pháp luật tận các hộ dân. Ảnh: Đặng Cường

TIN LIÊN QUAN

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trong tình hình mới, BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo lực lượng công an, quân sự, biên phòng phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức thành viên, các cấp, ngành trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình thế trận an ninh nhân dân ở cơ sở. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hóa “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” về ANTT, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” và phong trào xây dựng nông thôn mới. Theo đó, ở nhiều địa phương đã có những cách làm hay, xây dựng được những mô hình hiệu quả.

Xóm Hòa Lam (xã Hưng Hòa - TP. Vinh) là một làng chài ven sông Lam, có 68 hộ, 217 nhân khẩu. Cuộc sống của bà con gắn liền với nghề đánh bắt thủy, hải sản trên sông, ven bờ biển, cửa lạch với hình thức nhỏ lẻ. Trước đây, trong xóm thường có những hiện tượng gây mất đoàn kết, một số đối tượng từ ngoài đến tổ chức đánh bạc, sử dụng ma túy, mua bán trái phép xăng, dầu, chất nổ, vi phạm về đăng đáy đánh bắt thủy, hải sản gây ảnh hưởng luồng tuyến giao thông hàng hải; phương tiện đánh bắt của nhân dân phần lớn hoạt động không đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật… Từ năm 2012, với sự giúp đỡ của Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Nghệ An, xóm bắt đầu xây dựng mô hình “Làng chài bình yên”.

Qua 3 năm thực hiện, Hòa Lam đã có chuyển biến rõ rệt. Bà con được tập huấn về an toàn giao thông đường thủy nội địa, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật như trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, người lái thuyền phải có chứng chỉ chuyên môn, người tham gia đánh bắt thủy sản đều có giấy phép khai thác và khai thác đúng ngư trường được cho phép… Ông Đậu Xuân Thương - Xóm trưởng xóm Hòa Lam phấn khởi cho biết: Mô hình “Làng chài bình yên” đã tạo cho bà con ý thức, trách nhiệm cao hơn trong xây dựng cộng đồng, thôn xóm; đưa Hòa Lam trở thành địa bàn không có tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự, không có người sinh con thứ ba, không vi phạm Luật Giao thông đường thủy.

Tại huyện Quỳnh Lưu, với đặc thù vùng giáo, vùng biển, lại có cả đồng bào dân tộc thiểu số (500 hộ, 1.000 nhân khẩu ở các xã Tân Thắng và Quỳnh Thắng), những năm qua, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được cụ thể hóa qua việc gây dựng những mô hình với hình thức, phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương. Như đối với các xã vùng biển có lợi thế để phát triển du lịch như Quỳnh Bảng, cấp ủy, chính quyền đã xây dựng mô hình Tổ tự quản ANTT khu du lịch bãi biển với sự tham gia của 2 cụm dân cư từ 15 - 20 hộ; các thành viên tổ tự quản hầu hết đều là những hộ có ki ốt kinh doanh trên bãi biển, trên tinh thần “giúp địa phương cũng chính là giúp mình” trong thực hiện an ninh trật tự thu hút được khách du lịch.

Thị trấn Cầu Giát dân cư đông đúc, dễ phát sinh tệ nạn xã hội; khu dân cư khối 3 là địa bàn giáp ranh với xã Quỳnh Hồng và có 21 hộ theo đạo Thiên Chúa sinh sống được chọn làm đơn vị điểm thực hiện mô hình “3 quản, 4 giữ” (3 quản gồm: quản lý tốt địa bàn, tài sản và các hoạt động xây dựng, việc học hành của con em, vệ sinh môi trường; 4 giữ gồm: giữ không có tội phạm và tệ nạn xã hội; không khiếu kiện vượt cấp; giữ tình làng nghĩa xóm; không mê tín dị đoan). Sau khi thực hiện mô hình, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định và tình làng nghĩa xóm gắn bó bền chặt hơn. Từ đó mô hình này được nhân rộng ra 12 khối trên địa bàn thị trấn. Đối với các xã vùng nông thôn, Ban Chỉ đạo xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” huyện đã vận động các xã xây dựng mô hình dòng họ tự quản về an ninh trật tự, góp phần xây dựng thôn xóm bình yên. Hiện nay, toàn huyện Quỳnh Lưu có trên 2.000 dòng họ đã thành lập được ban cán sự họ, gần 1.800 dòng họ xây dựng được tộc ước và nội quy hoạt động của dòng họ.

Có rất nhiều mô hình nổi bật nữa ở các địa phương khác, như mô hình “Xóa bỏ mặc cảm, làm nở nụ cười, giúp người lầm lỗi” ở Thị xã Thái Hòa; "Tiếng kẻng bình yên" ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên); "Hội viên cựu chiến binh tham gia câu lạc bộ tuần tra nhân dân" ở xã Bảo Thành (Yên Thành); "Xóm không có ma túy và tệ nạn xã hội" ở một số xóm, xã của các huyện Diễn Châu, Hưng Nguyên; "Trường học an toàn" ở Trường Đại học Vinh, “Hòm thư tố giác tội phạm” ở Đô Lương, Quỳnh Lưu”; “Bạn giúp bạn”, “Khối phố văn minh đô thị, không có tội phạm, tệ nạn xã hội” ở TP. Vinh; "Họ giáo bình yên" tại họ Vĩnh Giang, thuộc Giáo xứ Cồn Cả, xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn); "Giáo họ bình yên, đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới" tại họ giáo Lương Khế, xã Thanh Hòa (Thanh Chương)… Trong đó, tổ nhân dân tự quản giữ vai trò đầu mối của các nguồn tin tố giác tội phạm, là nơi ghi nhận mọi “động tĩnh” ngay trong quần chúng, nắm rõ tình hình địa bàn, các hộ dân trong phạm vi quản lý của tổ, là cánh tay nối dài của công an xã, phường tại các khu dân cư. Qua đó cung cấp hàng nghìn tin tức có giá trị để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý, ổn định tình hình an ninh trật tự ở cơ sở…

Phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở tổ tự quản bản Nưa,  xã Yên Khê (Con Cuông). Ảnh: Xuân Thống
Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở tổ tự quản bản Nưa, xã Yên Khê (Con Cuông). Ảnh: Xuân Thống

Đối với khu vực miền núi, với biên giới trên bộ dài 419m, chiếm 1/4 tổng chiều dài biên giới Việt - Lào, tiếp giáp với 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bôlykhămxay; có 42 cột mốc, trong đó có 35 mốc chính và 7 mốc phụ, 2 cửa khẩu chính (Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy) và 2 cửa khẩu phụ (Cửa khẩu Tha Đo, Cửa khẩu Tam Hợp)… tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, trong đó có hoạt động buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy, di dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật, buôn bán người. Do vậy, việc bảo vệ an ninh biên giới được xác định là phải dựa vào lòng dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân khu vực vùng biên (gồm 27 xã với 305 thôn bản, trong đó có 83 thôn bản giáp biên giới thuộc 6 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương).

Những mô hình người dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các huyện biên giới đang có sức ảnh hưởng lớn, đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, bởi tâm lý của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao phải “mắt thấy, tai nghe” mới tin và làm theo. Hiện trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã xây dựng được 19 mô hình như dòng họ tự quản về ANTT, ban tự quản về ANTT. Trong đó, phải kể đến mô hình dòng họ an ninh trật tự của họ Xồng (xã Mường Lống, Kỳ Sơn). Đây là dòng họ có hơn 60 hộ dân nằm rải rác ở nhiều thôn bản. Mặc dù điều kiện kinh tế của các hộ trong dòng họ còn khó khăn nhưng đã biết cùng nhau xây dựng cuộc sống lành mạnh. Ông Xồng Gà Vừ - Trưởng dòng họ Xồng cho biết: Ngoài việc vận động con cháu không tham gia vào các tệ nạn xã hội, không trồng cây thuốc phiện, mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy, thì dòng họ lập ra những quy ước, nếu hộ nào có con, cháu trong gia đình vi phạm pháp luật thì bị phạt nặng. Các hộ trong dòng họ còn thường xuyên giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn nên đời sống ngày càng đi lên, hạn chế được việc vi phạm pháp luật.

Tại huyện miền núi Quế Phong - nơi tình trạng mua bán, sử dụng, vận chuyển ma túy vẫn còn hết sức phức tạp, đã xây dựng được một số mô hình hay như “Bản không có ma túy” tại bản Hữu Văn, xã Châu Kim (Quế Phong) do Hội Cựu chiến binh bản phụ trách. Đây là bản “điểm nóng” về ma tuý của xã Châu Kim, từ khi mô hình hoạt động đã cai nghiện thành công cho 4 người và họ được chính quyền, tổ chức, đoàn thể giúp đỡ cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Như trường hợp của anh Lô Văn Chung, từ một người nghiện lâu năm nhờ có sự giúp đỡ của bản, anh cai nghiện thành công, mạnh dạn vay vốn để trồng rừng, chăn nuôi và đã vươn lên thành hộ khá. Không những thế, anh Chung đã được kết nạp đảng và hiện đang là Bí thư Chi bộ bản Hữu Văn.

Trên cơ sở Chỉ thị 34/CT-BTL của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Chỉ thị số 12/CT-UB về tổ chức phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản ở khu vực biên giới”, những năm qua, lực lượng biên phòng tỉnh đã phối hợp với các cấp ủy, chính quyền thành lập hàng trăm mô hình tổ tự quản đường biên, cột mốc tại các thôn bản biên giới, thu hút hàng nghìn người dân tham gia. Thượng tá Lê Như Cương - Phó Chủ nhiệm Chính trị (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh) cho biết: “Thông qua các tổ tự quản đường biên, nhân dân khu vực biên giới đã tích cực tham gia cùng BĐBP tuần tra, phát quang đường biên, cột mốc, cung cấp kịp thời cho BĐBP và chính quyền địa phương những thông tin, dấu hiệu có liên quan đến các đối tượng tội phạm, phát hiện xử lý kịp thời những vụ việc, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp trên biên giới…”.

Đến nay, qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh có 480 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đang được củng cố, xây dựng và đưa vào hoạt động (42 mô hình được đăng ký mới trong năm 2014), trong đó có 150 mô hình được đánh giá là hoạt động có hiệu quả… Tùy vào đặc thù từng vùng, miền, tôn giáo, địa hình mà mỗi địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo, phát huy được tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân, cùng với các cấp, các ngành nỗ lực giữ gìn ANTT, bảo vệ Tổ quốc đáp ứng những đòi hỏi mới trong tình hình hiện nay.

(Còn nữa)

Khánh Ly - Phạm Bằng