Lễ dựng nhà sàn

08/01/2015 21:50

(Baonghean.vn) - Bất cứ cộng đồng nào cũng vậy, làm nhà để có chốn “an cư” luôn là việc quan trọng và không hề dễ dàng gì. Cũng từ lâu đời, người ta đã đúc kết nên kinh nghệm truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và rồi thành một tập tục của cộng đồng...

Làm được một ngôi nhà sàn là cả một quá trình vừa cực nhọc lại lâu dài. Có khi người ta mất hàng chục năm trời để chuẩn bị đủ gỗ làm nhà, rồi thì làng bản lại phải bao phen giúp sức, nhất là khi dựng mới xong một nếp nhà. Khâu dựng nhà đòi hỏi sức người lớn nhất. Những bộ phận như cột, kèo, xà, hạ… bao giờ cũng được chọn lựa kỹ càng và là những thứ gỗ bền chắc và thường rất nặng, có khi lên đến hàng tấn vì thế mà ngôi nhà càng to, đẹp càng phải cần đến nhiều người đến giúp sức.

Dựng nhà sàn ở bản Xiềng Tắm (xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn).
Dựng nhà sàn ở bản Xiềng Tắm (xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn).

Trước ngày dựng nhà, 2 đến 4 chiếc tời đã được chôn sẵn ở các vị trí trước và sau ngôi nhà; dây thừng, dây cáp đã được chuẩn bị sẵn. Những vì nhà thường gồm 4 chiếc cột, 2 thanh hạ, 1 cái xà trên được ráp lại với nhau cũng đã cho gác đầu lên giá đỡ. Khi đã đến giờ đẹp, người cầm trịch gọi lớn một tiếng, đoàn người lập tức vào vị trí. Người thì kéo tời, người kéo dây. Vừa kéo người ta vừa hô: “Một, hai, ba, nào…”, cốt để mọi người giữ cho đều nhịp và để thúc giúp nững người còn ở đâu đó lân cận đến hỗ trợ. Những tiếng reo hò khi dựng nhà vì thế có sức cuốn hút bầy trẻ chúng tôi ngày xưa.

Nay, dân bản có xu hướng làm nhà sàn bê tông, cột, xà, hạ đều được đúc trực tiếp nên đỡ được khâu dựng nhà và tiếng hò reo dựng nhà cũng vắng dần. Ở bản của tôi, khi khởi công cũng như dựng nhà hay lợp mái đều được chọn lựa kỹ bởi những người có kinh nghiệm xem ngày giờ. Người ta có thể làm nhà sàn vào bất cứ tháng nào trong năm, miễn sao ngôi nhà phải xong trong một năm, không để qua Tết Nguyên đán. Ấy thế mà ở nhiều cộng đồng vùng cao khác thì hàng năm đều có hẳn một mùa để dựng nhà sàn.

Tôi biết được điều này vào dịp đầu năm mới dương lịch, cùng nhóm bạn làm báo rong ruổi trên chiếc thuyền máy 6 sức ngựa qua nhiều bản người Thái, Khơ mú giữa lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Ở bản của những người sinh sống tự do giữa lòng hồ, có vài nếp nhà mới, cột chôn đang dựng mái lợp lá cọ, lá cây song, cây mây. Nhóm chúng tôi bước chân xuống thuyền vào bản Xốp Tụ (Mỹ Lý – Kỳ Sơn). Đến đầu bản, đã nghe tiếng gõ đục lách cách, tiếng máy bào réo inh tai. Hỏi ra mới biết trong bản khá nhiều hộ đang dựng nhà. Người làm nhà sàn, người làm nhà kê đất.

Lắp các bộ phận của ngôi nhà.
Lắp các bộ phận của ngôi nhà.

Buổi tối ở bản Xiềng Tắm, đi qua một ngôi nhà trong bản, thấy có tiếng bàn tán rôm rả. Ghé chơi, gia chủ cho hay mọi người đang bàn chuyện ngày mai dựng cho anh Sánh. Tôi hỏi : “Dạo này được nhà nước hỗ trợ tiền hay sao mà nhiều người dựng nhà thế?”. Gia chủ là một người đã ngoài tuổi 50 cho hay: “Không chỉ có bản mình, nhiều bản đang vào “mùa” làm nhà đấy.” Vậy ra ngoài mùa nương rẫy ra còn có “mùa” làm nhà mới nữa cơ đấy. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, gia chủ thổ lộ: “Cứ hết mùa rẫy là đến mùa làm nhà mới, mùa làm đám cưới thôi.” À, ra vậy. Mùa rẫy của người vùng cao thường bắt đầu vào tháng 3, tháng 4, kết thúc vào tháng 9, tháng 10 âm lịch. Những tháng còn lại trong năm là lúc nông nhàn, người ta mới có thời gian rỗi để dựng vợ, gả chồng, làm nhà mới.

Đã nhiều thập niên rồi, bản của tôi không làm rẫy nữa mà trở thành một bản thuần nông như người miền xuôi, vì thế mà quanh năm bận bịu. Người ta phải tranh thủ thời gian phù hợp để làm đám cưới cho con cái. Cả việc làm nhà mới cũng phải tranh thủ. Ở những bản xa giữa lòng hồ Bản Vẽ, đời sống vẫn gắn liền với những mùa nương, thế nên sau khi đã gặt hái xong mới làm nhà mới.

Buổi sáng thật đẹp trời. Nắng lên sớm nên bầu không khí mùa đông không có vẻ quá lạnh. Nói như mấy anh bình luận viên bóng đá trên truyền hình thì thời tiết đang rất ủng hộ cho công việc của bà con bản Xiềng Tắm. Bà con đã tề tựu về giúp sức cho anh Lô Văn Sánh dựng nhà mới. Theo chỉ dẫn của người có kinh nghiệm nhất, chỉ một thoáng sau, ai nấy đều đã vào vị trí của mình. Ngoài lo cơm nước thì những phụ nữ còn phải đảm nhiệm cả việc kéo dây thừng. Đàn ông con trai cũng tham gia kéo dây, thế nhưng công việc chính của họ vẫn là kê táng và lắp đặt những thanh xà để kết nối các vì nhà lại với nhau. Những thanh xà được buộc vào dây thừng rồi kéo lên. Công việc này đòi hỏi sự khéo léo và cẩn trọng, bởi chỉ vì một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến tai nạn. Những người lắp xà thường phải có ít nhiều kinh nghiệm mới dám đảm nhận công việc này.

Chủ nhà, anh Lô Văn Sánh vóc người thấp, nhỏ nhưng rắn rỏi. Năm nay anh Sánh sang tuổi 34. Anh cho biết, ngoài 20 tuổi đã lấy vợ, không có tiền mua gỗ nên bản thân anh phải lặn lội lên rừng đốn gỗ, rồi nhờ anh em làng bản kéo về. Vừa làm ăn, kiếm tiền nuôi con anh vừa tích cóp gỗ. Suốt 7 năm ròng rã mới đủ một nếp nhà. Ngày trước , nhà sàn của dân bản đều do thợ miền xuôi lên làm. Nay những nhiều bản đã có thợ làm nhà sàn. Ở bản Xốp Tụ (Mỹ Lý), cũng có một tốp thợ. Cứ sau mùa làm rẫy họ lại bận bịu bởi hầu khắp các bản đều có người đến “hợp đồng” thợ làm nhà.

Ông Vi Văn Liêm, “mo” của bản Xiềng Tắm, cho biết đối với người Thái ở Mỹ Lý, ngày dựng nhà là quan trọng nhất. Nó ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình sau khi làm nhà mới và thậm chí là tuổi thọ của căn nhà. Ngày khởi công hay lợp mái, có thể chọn bất cứ ngày nào trong tháng, chỉ trừ vào ngày tháng mất của ông, bà, hay cha, mẹ và ngày tháng sinh của gia chủ. Ngoài ra, việc chọn gỗ làm nhà cũng có những kiêng kỵ nhất định. Người Thái kiêng dùng cây cụt ngọn, cây có quá nhiều dây leo làm cột nhà. Ngoài ra, chân cột nhất thiết phải là đầu phía gốc cây. Tất cả các bộ phận của ngôi nhà đều phải tuân thủ nguyên tắc gốc ở dưới ngọn lên trên.

Cũng theo ông Liêm, đối với người Thái ở Mỹ Lý, những tháng “đẹp” được chọn làm nhà thường từ tháng 10 âm lịch đến tháng 2 năm sau. Những ngày được cho là “lành” để dựng nhà thường vào mồng 2 hoặc 14, tùy theo từng tháng. Ví dụ, tháng 11 âm lịch năm nay, “lành” nhất là ngày 14.

Trước khi dựng nhà, thầy cúng bầy mâm lễ cạnh vị trí ngôi nhà để để xin phép và cầu khấn sự phù hộ của các đấng siêu nhiên đối với gia chủ và những thành viên trong gia đình. Mâm cúng đơn giản chỉ có 1 con gà luộc, 1 chai rượu. Khi đã dựng xong nhà, ván sàn được lắp đặt, thầy mo sẽ chọn cho gia chủ một giờ đẹp để làm thủ tục “lên nhà mới”. Ông Vi Văn Liêm cho biết thêm, đây cũng là thủ tục cuối của lễ dựng nhà mới. Theo lịch của người Thái thì trời đẹp này có tên gọi là “xỉ xum”, ký hiệu bằng 4 dấu chấm (::). Vào ngày 14/11 năm Giáp Ngọ, đúng ngày anh Sánh (bản Xiềng Tắm) dựng nhà thì giờ đẹp nhất vào khoảng 13 – 15 giờ.

Khi lên nhà mới, gia chủ sẽ là người bước chân lên cầu thang trước tiên. Theo sau là vợ và con. Khi lên nhà, gia chủ sẽ cầm theo một cơi cau, trầu đặt xuống dưới sàn nhà, nơi sẽ đặt vị trí bàn thờ tổ tiên và khấn mời tổ tiên về ăn trầu mừng nhà mới. Lễ mừng nhà mới thực sự diễn ra khi ngôi nhà đã được lợp mái và hoàn thiện.

Hữu Vi