Ấm tình thầy trò
(Baonghean) - Dưới mái Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An - ngôi nhà chung yêu thương, nơi ươm mầm những tài năng trẻ của đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây xứ Nghệ, những thầy giáo, cô giáo không chỉ là người dạy dỗ, dìu dắt học trò mà họ còn là những người cha, người mẹ lo cho trò từng bữa ăn, giấc ngủ và sẻ chia với trò những niềm vui, sự vất vả, khó khăn trong cuộc sống. Từ vòng tay yêu thương của thầy, cô, đã có biết bao thế hệ học trò dưới được chắp cánh ước mơ; nhiều người trong số đó trở thành những cán bộ đóng góp cho sự phát triển của chính quê hương, bản làng miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh nhà.
“Hôm nay là ngày mà em sẽ nhớ mãi… Em bị ốm không thể lên lớp, một mình nằm trong bệnh xá. Cô chủ nhiệm vào thăm, cô nhẹ nhàng ngồi xuống đưa bàn tay mềm mại lau những giọt nước mắt trên má em và ôn tồn hỏi han. Rồi cô mang cháo, mua thuốc cho em, động viên em cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi, để sớm đi học… Khoảnh khắc đó, em có cảm giác mình như một đứa trẻ được chăm sóc bởi vòng tay yêu thương của mẹ. Cô ơi, cho em gọi cô là mẹ…!”. Đó là những dòng nhật ký đầy yêu thương mà cậu học trò người Thái Lương Hà Nam – lớp 12C gửi tới cô giáo chủ nhiệm Lương Thị Thu Hiền được chia sẻ trên mục “Gửi lời yêu thương” trong chương trình phát thanh hàng tuần của trường. Những cảm xúc rất thật ấy đã nhận được sự đồng cảm của những học trò Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Bởi các em về đây từ các bản, làng miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Tân Kỳ, sống xa gia đình, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, nên thầy, cô giáo là những người đảm đương trách nhiệm cao cả ấy.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Học sinh Trường Dân tộc nội trú tỉnh chúc mừng thầy giáo nhân ngày thành lập trường. |
Các thầy, cô luôn coi học sinh như những đứa con ruột thịt của mình. Gắn bó với mái trường nội trú, cùng sát cánh với học trò miền núi, các giáo viên nhà trường luôn xác định bên cạnh công việc chuyên môn, chăm sóc học trò còn là trách nhiệm và tình yêu thương của những người cha, người mẹ. Các thầy, cô luôn hiểu rõ hoàn cảnh từng học trò và luôn quan tâm sẻ chia với các em từ chuyện học hành, gia đình, tình cảm … Thương học trò nghèo, các thầy, cô còn tự nguyện dạy phụ đạo cho các em sau những giờ lên lớp, giữ hộ tiền, để các em rút dần hàng tháng…. Cô Hồ Ngọc Việt Nga, giáo viên môn Văn đã có hơn 10 năm gắn bó với các học trò miền núi chia sẻ, nhiều em vì gia đình khó khăn, lại xa xôi nên lúc ốm đau bố mẹ chưa đến kịp, các thầy, cô thay gia đình để chăm lo thuốc thang; có những đợt có em phải vào bệnh viện mà người nhà chỉ chăm được vài hôm nên “gửi thầy cô trông giúp”; giáo viên lại cùng các học sinh trong lớp thay phiên chăm sóc…
Sau những giờ học, thầy cô còn xuống tận nhà ăn quan tâm, hỏi han các học trò; để tạo nên không khí gia đình ấm cúng trong mỗi bữa ăn của các em. Những bữa ăn hàng ngày của hơn 500 học sinh của trường do 14 nhân viên tổ nhà ăn của trường tự tay chăm lo. Không chỉ những món ăn được đổi từng ngày, các cô còn quan tâm các em như con cái trong gia đình; có chế độ ăn riêng cho những bạn phải ăn kiêng hay ốm đau… Nhờ vậy mà các học sinh của trường dù sống xa nhà, xa vòng tay bố mẹ nhưng các em vẫn luôn cảm nhận được tình cảm ấm áp, sự yêu thương, đùm bọc của các thầy, cô giáo. Bởi vậy, dù đã chia tay trường nhưng em Vũ Thị Trang, cựu học sinh lớp 12C vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc về những người thầy giáo với công việc thầm lặng, trực đêm ở khu nội trú. “Ba năm học nội trú, đã khắc sâu trong con hình bóng thầy lặng lẽ, cần mẫn giữa đêm khuya nhắc nhở chúng con nghiêm túc tự học bài, đi ngủ đúng giờ giấc. Thầy không chỉ mang đến những bài giảng hấp dẫn, lý thú mà còn là người cha, người thân của mỗi chúng con. Trong lòng chúng con thầy hơn cả một người thầy!”.
Học trò của trường đến từ các bản làng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đa phần các em có hoàn cảnh khó khăn; có những em hoàn cảnh quá éo le nên được thầy, cô quan tâm, giúp đỡ. Em Vi Xuân Tú, lớp 11A3, là người dân tộc Thổ, rời bản làng miền núi Giai Xuân (Tân Kỳ) với quyết tâm học tập để thay đổi cuộc sống. Gia đình em nghèo khó, bố mất sớm, mẹ em phải đi làm ăn xa, hai anh em Tú tự nuôi nhau. Chia sẻ với những nỗ lực của em, thầy, cô giáo nhà trường đều cảm thông và động viên em cố gắng. Các khoản đóng góp quỹ lớp em đều được miễn giảm; nhà trường còn dành những suất học bổng “Thắp sáng ước mơ” cho học sinh nghèo như Tú. Tú chia sẻ, “sự quan tâm, sẻ chia của các thầy, cô đã cho em cảm nhận tình cảm gia đình, cho em thêm niềm tin và động lực để phấn đấu học tập ngày càng tốt hơn”. Còn có những thầy, cô giáo ở trường như cô Trần Thị Mai, giáo viên môn Toán mong muốn động viên tinh thần những học sinh vùng cao nỗ lực học tập nên hằng năm đều dành phần thưởng cho những học sinh có kết quả thi đại học cao; hay thầy giáo Phan Long, hơn 20 năm gắn bó với ngôi Trường THPT Dân tộc nội trú, cũng chừng ấy năm thầy hỗ trợ học trò trong những mùa thi đại học. Biết các em nhà xa, gia đình khó khăn nên thầy tạo điều kiện giúp các em ở trong nhà mình trong những ngày thi, lo cho các em ăn uống, nghỉ ngơi… Và còn biết bao nhiêu thầy, cô giáo của nhà trường luôn là những “điểm tựa tinh thần” để các học trò tìm về để sẻ chia buồn vui, âu lo hay cả những khó khăn trong cuộc sống…
Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh chia sẻ, đặc thù của nhà trường là nơi đào tạo các học sinh của nhiều dân tộc, ở khắp các huyện miền núi dân tộc của tỉnh, nên các giáo viên bên cạnh sự nghiệp trồng người luôn xác định gắn với trách nhiệm của những người cha, người mẹ chăm sóc quan tâm các em trong cuộc sống thường ngày. Không chỉ nỗ lực tạo môi trường học tập tốt mà nhà trường còn động viên tinh thần học trò bằng việc tìm kiếm các nguồn học bổng để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn; tạo các sân chơi cho các em thông qua các hoạt động thể thao, các câu lạc bộ văn hoá, nghệ thuật… Qua đó giúp các em được vui chơi và chia sẻ những tâm tư, tình cảm và cả những trăn trở; với mong muốn các em dù xa gia đình nhưng vẫn luôn có được cảm giác gần gũi, thân thuộc dưới mái nhà chung.
Từ trong vòng tay yêu thương của những người thầy, cô, đã có biết bao thế hệ học trò dưới mái Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An được chắp cánh ước mơ; nhiều người trong số đó trở thành những cán bộ, đóng góp cho sự phát triển của chính quê hương, bản làng miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh nhà.
Bài, ảnh: Đinh Nguyệt