Thế giới tuần qua qua ảnh

11/01/2015 16:59

(Baonghean.vn) - Một tuần nữa trôi qua với nhiều sự kiện gây chấn động trên toàn thế giới. Cùng Báo Nghệ An Điện tử điểm lại những sự kiện nổi bật nhất trong vòng 7 ngày qua.

1. Ba ngày kinh hoàng khủng bố ở Pháp

Ngay trong những ngày đầu năm mới, nước Pháp đã phải đối mặt với chuỗi ngày với nỗi khiếp sợ mang tên khủng bố. Lúc 11h30 (giờ địa phương) ngày 7/1, hai kẻ mặc đồ đen đeo mặt nạ tấn công vào tòa soạn của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris, giết chết 7 nhà báo, ông tổng biên tập, nhân viên bảo vệ và một viên sỹ quan. Hung thủ được xác định là hai anh em Cherif và Said Kouachi. Một ngày sau đó, một tay súng khác bắt giữ nhiều con tin tại một tiệm tạp hóa phía đông Paris.

Cảnh sát cho biết tên này là Amedy Coulibaly cùng tòng phạm Hayet Boumddiene. Coulibaly tuyên bố sẽ giết các con tin nếu cảnh sát tấn công anh em Kouachi. Ngày thứ ba, cảnh sát bắt đầu tấn công đồng loạt và hai nhóm khủng bố. Anh em Kouachi và Coulibaly bị tiêu diệt, Boumddiene trốn thoát. Tuy nhiên, có 4 con tin đã thiệt mạng. Mới nhất, một nhóm Al Qea-da ở Yemen đã tuyên bố đứng sau những vụ tấn công này. Sự việc trên đã rung lên những hồi chuông cảnh báo nước Pháp nói riêng và cả thế giới nói chung về hiện tượng khủng bố tiếp tục hoành hành.

Cherif (trái) và Said Kouachi, 2 kẻ gây nên nỗi kinh hoàng khủng bố tại Pháp trong 3 ngày qua.
Cherif (trái) và Said Kouachi, 2 kẻ gây nên nỗi kinh hoàng khủng bố tại Pháp trong 3 ngày qua.

Nguồn: BBC

2. Thế giới hướng về Pháp sau sự kiện đau buồn

Sau khi trải qua nỗi kinh hoàng mang tên khủng bố với số người thiệt mạng lên đến 12, Pháp đã nhận được sự cảm thông đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày 8/1, Tổng thống Francois Hollande đã tuyên bố ngày này là ngày quốc tang và sẽ treo cờ rủ trong 3 ngày để tưởng nhớ những nạn nhân trong vụ thảm sát nói trên. Rất nhiều người đã tổ chức những lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công vừa qua. Đích thân tổng thống Mỹ Obama cũng đã đến sứ quán Pháp để chia buồn cùng gia đình các nạn nhân và lên án nạn khủng bố ở Pháp trong 3 ngày qua.

Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố quốc tang sau vụ tấn công khủng bố
Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố quốc tang sau vụ tấn công khủng bố

Nguồn: Reuters.

3. Báo Đức bị phóng hỏa sau khi đăng ảnh biếm họa của Charlie Hebdo

Tờ nhật báo địa phương Hamburger Morgenpost ở thành phố Hamburg, Đức vừa bị tấn công và phóng hỏa vào sáng nay sau khi tờ báo này đăng lại ba bức biếm họa về đấng tiên tri Mohammed của tạp chí Charlie Hebdo trên trang nhất trong số xuất bản sau vụ thảm sát ở Paris. Hiện giới chức trách Đức đã vào cuộc để điều tra về vụ án này. Còn quá sớm để khẳng định vụ việc này có liên quan gì đến những vụ tấn công ở Pháp hay không nhưng nếu có thì vấn đề khủng bố lại một lần nữa trở thành nỗi ám ảnh với các nước lớn trên thế giới.

Tòa soạn tạp chí Hamburger Morgenpost.
Tòa soạn tạp chí Hamburger Morgenpost.

Nguồn: AFP

4. Trang web của Thủ tướng Đức bị tấn công

Ngày 7/1 vừa qua, các website chính thức của thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Quốc hội Đức đã bị tê liệt trong vài giờ đồng hồ. Văn phòng Thủ tướng cho biết: "Đây là một đợt tấn công nghiêm trọng, được thực hiện bởi các hệ thống từ bên ngoài". Một nhóm tin tặc tự xưng là CyberBerkut tuyên bố đã tiến hành cuộc tấn công mạng này để phản đối chuyến thăm của Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk tới Berlin. "Ông ấy tới để vay tiền phục vụ cho chiến dịch chống những người thân Nga ở miền đông Ukraine". Đây được xem là động thái của nhóm tin tặc thân Nga nhằm chống lại Đức do Đức cũng tham gia cùng nhiều nước châu Âu và Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga để phản đối quan điểm của Moscow trong vấn đề Ukraine.

Thủ tướng Đức Angela Merkel
Thủ tướng Đức Angela Merkel

Nguồn: AFP

5. Trung Quốc cách chức Bí thư thành ủy Nam Kinh

Ngày 8/1 vừa qua, Trung Quốc lại tiếp tục cách chức một cán bộ nữa vì tội danh tham nhũng. Lần này là Bí thư thành ủy Nam Kinh Dương Vệ Trạch. Quyết định được đưa ra sau khi Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc hồi đầu tháng này tuyên bố điều tra ông vì nghi ngờ vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đây là quan chức cấp tỉnh đầu tiên bị "ngã ngựa" trong năm mới 2015. Trước ông Dương, thị trưởng Nam Kinh Quý Kiến Nghiệp cũng bị bắt vì tham nhũng hồi tháng 10/2013.

Ông Dương Vệ Trạch (trái) và cựu Thị trưởng Nam Kinh Quý Kiến Nghiệp
Ông Dương Vệ Trạch (trái) và cựu Thị trưởng Nam Kinh Quý Kiến Nghiệp

Nguồn: CCTV

6. Nhật Bản - Trung Quốc nối lại đàm phán.

Không lâu sau khi tái nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản, ông Shizo Abe đã có những động thái đầu tiên trong lĩnh vực đối ngoại của quốc gia. Đó là việc Nhật Bản đang chuẩn bị cho một cuộc đàm phán với Bắc Kinh. Cuộc đàm phán chủ yếu về vấn đề chủ quyên biển đảo khi cả cả Trung Quốc và Nhật Bản đều hy vọng có thể ngăn xảy ra đụng độ ở các vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Tokyo đang kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo. Cuộc gặp dự kiến có sự tham gia của các quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Nguồn: AP

7. Indonesia vớt được đuôi máy bay AirAsian QZ 8501

Những nỗ lực tìm kiếm máy bay xấu số AirAsian QZ 8501 bị rơi trong những ngày cuối năm 2014 của Indonesia phần nào được đền đáp khi mới đây Indonesia đã tìm ra được đuôi của máy bay này. Tuy nhiên, bộ phận quan trọng nhất là hộp đen, chứa nguyên nhân tai nạn của máy bay vẫn chưa được tìm thấy. Dự kiến nếu được tìm thấy, hộp đen sẽ được đưa về thủ đô Jakarta, các điều tra viên sẽ mất hai tuần để tải các dữ liệu. Thông tin có thể được tiếp cận trong hai ngày nếu thiết bị chưa bị hỏng nặng. Khi chưa xác định được nguyên nhân máy bay rơi, cơ quan dự báo thời tiết Indonesia cho rằng bão có thể là một nguyên nhân gây tai nạn.

Đuôi máy bay AirAsian QZ 8501 được đưa lên tàu cứu nạn
Đuôi máy bay AirAsian QZ 8501 được đưa lên tàu cứu nạn


Nguồn: Reuters

8. Trung Quốc công bố ảnh hoạt động quân sự trên bãi Chữ Thập

Trung Quốc lần đầu tiên công bố ảnh về hoạt động quân sự trên bãi đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, nước này chiếm của Việt Nam từ năm 1988. Việt Nam đã nhiều lần phản đối Trung Quốc tiến hành các hoạt động phi pháp trên bãi Chữ Thập, những hành động này xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.

 Hoạt động tập trận của quân Trung Quốc trên bãi Chữ Thập
Hoạt động của línhTrung Quốc trên bãi Chữ Thập

Nguồn: Reuters

Minh Nhật (Tổng hợp)