Dàn trải đầu tư công: Chờ giải pháp khắc phục?
(Baonghean) - Như đã biết, việc dàn trải vốn đầu tư Nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dẫn đến chậm tiến độ, lãng phí, kém hiệu quả đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống người dân. Hầu như trong các cuộc tiếp xúc cử tri nào của đại biểu HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội, các cử tri cũng đều có kiến nghị về vấn đề này, nhất là ở địa bàn vùng miền núi dân tộc,...
(Baonghean) - Như đã biết, việc dàn trải vốn đầu tư Nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dẫn đến chậm tiến độ, lãng phí, kém hiệu quả đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống người dân. Hầu như trong các cuộc tiếp xúc cử tri nào của đại biểu HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội, các cử tri cũng đều có kiến nghị về vấn đề này, nhất là ở địa bàn vùng miền núi dân tộc,...
Trên địa bàn huyện Con Cuông hiện triển khai xây dựng hàng loạt dự án đường giao thông và hạ tầng đô thị. Trong đó, phải kể đến Dự án đường Thị trấn Con Cuông - Bình Chuẩn, đi qua các xã Mậu Đức, Đôn Phục, Thạch Ngàn có chiều dài trên 28 km, đã được triển khai năm 2006, bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Đã 8 năm trôi qua, nhưng khối lượng công trình thi công mới chỉ đạt 60%. Dự án kéo dài, chịu ảnh hưởng của giá cả thị trường leo thang, cùng với những chi phí khác, nên tổng mức đầu tư phải nâng theo, từ 128 tỷ đồng lên hơn 215 tỷ đồng. Thời hạn thi công quá lâu mà chưa hoàn thành, làm cho người dân càng bức xúc. Ông Lương Văn Linh, ở bản Xiềng, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, nói: “Đây là con đường huyết mạch của người dân các xã vùng trong chúng tôi. Con đường này làm từ lâu rồi, mãi không hoàn thành. Dân bản chúng tôi chỉ mong Nhà nước đã làm thì làm cho xong, để dân đi lại, con em không phải bỏ học khi mưa lũ về”.
Do thiếu vốn, con đường nối QL 7A đến Kho bạc Nhà nước huyện Con Cuông thi công dở dang nhiều năm nay. |
Bình Chuẩn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Con Cuông, nằm cách trung tâm huyện gần 40 km, nếu đường đi lại thuận lợi từ Bình Chuẩn ra trung tâm huyện khoảng hơn 1h đồng hồ nhưng giờ phải mất gấp đôi thời gian do nhiều đoạn đường thi công còn dở dang, nhất là đoạn từ bản Hồng Thắng, Hồng Điện của xã Đôn Phục đến bản Bù Lừu của xã Bình Chuẩn, do đã đổ nền nên khi mưa xuống đường lầy lội, ngổn ngang. Ông Nguyễn Thế Mạnh - Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn cho biết: “Khi công trình được triển khai xây dựng, người dân rất phấn khởi, mà giờ thi công dở dang kéo dài hàng năm nay, đi lại còn khó khăn, nguy hiểm, nhất là mùa mưa, nông sản bà con làm ra rất khó tiêu thụ vì giao thông cách trở. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các kỳ họp HĐND các cấp, người dân địa phương kiến nghị với cấp trên cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ công trình nếu không làm đường nhựa thì có phương án đổ đá cấp phối cho người dân đi lại đỡ lầy lội”.
Dự án cầu khe Tang (Kỳ Sơn) thi công dở dang. |
Công ty cổ phần xây dựng Minh Ngân là đơn vị đảm nhận gói thầu lớn nhất (gói thầu số 2) của Dự án đường từ Thị trấn huyện Con Cuông đi xã Bình Chuẩn, từ km10 đến km15, theo đúng tiến độ thì phải hoàn thành vào năm 2010. Tuy nhiên, đến nay đoạn đường này đã phải gia hạn kéo dài thời gian thi công đến lần thứ 3. Hiện tỉnh chỉ đạo công ty hoàn thiện phần cầu để dân đi lại, còn phần đường khi nào có tiền thì tiến hành thi công tiếp. Ông Lâm Văn Phạc - Phó Giám đốc Công ty CPXD Minh Ngân kiến nghị: “Chúng tôi mong muốn chủ đầu tư sớm có tiền thanh toán khoản chúng tôi đã bỏ ra để thi công các hạng mục là 14 tỷ đồng, để thi công tiếp. Hiện chúng tôi đã hoàn thành hết phần nền và tập kết đá, có vốn chúng tôi đẩy nhanh tiến độ, chỉ trong vòng 3 tháng có thể hoàn thành mặt đường giúp người dân đi lại thuận tiện”.
Năm 2010, huyện Con Cuông quy hoạch chia tách Thị trấn Con Cuông thành Thị xã Trà Lân, đã xin chủ trương đầu tư hàng loạt các công trình dự án đường giao thông và hạ tầng đô thị như: như sân vận động, đường giao thông từ QL7A đến khu dân cư cao tầng (vào Kho bạc Nhà nước huyện), đường đô thị Con Cuông từ QL7A đến khu công nghiệp nhỏ, đường giao thông từ Quốc lộ 7A vào Bệnh viện Đa khoa Tây Nam,... Khi đề án chia tách địa giới hành chính, nâng cấp thành Thị xã Trà Lân không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều công trình đã triển khai nằm trong tình trạng dở dang. Xét khía cạnh khác, do ảnh hưởng suy thoái từ nền kinh tế đất nước mấy năm gần đây, nên nhiều dự án đầu tư công đã phải tạm ngừng lại một thời gian theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Nhưng để xảy ra tình trạng dang dở như huyện Con Cuông không thể xem nhẹ nguyên nhân chủ quan vì chủ đầu tư có trách nhiệm từ khi bố trí, thiết kế dự án đến khâu hoàn thành quản lý, khai thác công trình. Vai trò tham mưu, lựa chọn đầu tư các dự án của địa phương còn yếu, dẫn đến đầu tư ồ ạt, quá dàn trải, gây thiệt hại tiền của Nhà nước và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Anh Tuấn - Trưởng Ban Quản lý các dự án đầu tư XDCB huyện Con Cuông cho biết: “Khó khăn lớn nhất là nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án trên địa bàn quá lớn, nhưng nguồn ngân sách tỉnh, Trung ương đầu tư hàng năm đạt tỷ lệ quá thấp, hoặc không có, không bố trí vốn giải phóng mặt bằng dẫn đến tiến độ thực hiện các dự án chậm, một số dự án kéo dài hằng năm không triển khai được. Huyện chỉ đạo các ngành khảo sát điều chỉnh quy mô các dự án, cụ thể trước đây dự án quy hoạch đường từ Quốc lộ 7A vào Bệnh viện Đa khoa Tây Nam rộng 36m và vào Kho bạc Nhà nước huyện rộng 19m, nay đều hạ xuống còn 12m... Mặt khác, xin chủ trương giãn tiến độ thực hiện các công trình, dự án. Huyện cũng đề xuất với Trung ương, tỉnh cần có sự xem xét bố trí đủ nguồn vốn để hoàn thành các công trình, dự án còn dở dang theo mục tiêu đã phê duyệt, giải quyết sự mong đợi của địa phương và nhân dân”.
Một thực trạng chung hiện nay trên địa bàn tỉnh là có rất ít công trình, dự án đường, cầu dân sinh ở các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An được triển khai, hoàn thành đúng cam kết tiến độ đặt ra. Báo cáo nào của chủ đầu tư các dự án, công trình cầu, đường cũng đưa ra một nguyên nhân cốt yếu dẫn đến chậm trễ, là do thiếu vốn. Dự án đường, cầu vào trung tâm xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do UBND huyện Tân Kỳ làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2009 là một ví dụ. Công trình gồm nhiều hạng mục: cầu, tràn và rải nhựa 17 km đường đi qua xã Nghĩa Hành đến xã Phú Sơn; tổng kinh phí là 162 tỷ đồng. Nếu theo tiến độ đã cam kết, thì dự án đã phải hoàn thành vào năm 2012, giải quyết khó khăn về giao thông cho xã nghèo này.
Tuy nhiên, tiến độ dự án xây dựng bị vượt quá thời hạn đặt ra hơn 2 năm nay, một số mố cầu còn lại vẫn chưa được đổ bê tông khiến người dân thất vọng. “Người dân chúng tôi rất bức xúc vì công trình thi công dở dang, đi lại khó khăn hơn trước đây. Giờ đi từ xã đến thị trấn người dân phải theo đường tránh xa hơn gần chục cây số”. - ông Trần Văn Hóa, người dân xã Phú Sơn kiến nghị. Theo chính quyền huyện Tân Kỳ, nguyên nhân của sự chậm trễ trong xây dựng tuyến đường và cầu vào trung tâm xã Phú Sơn là nguồn vốn cấp cho dự án vài năm nay hết sức nhỏ giọt. Năm 2014, địa phương mới được nhận thêm 10 tỷ đồng. Thế nên, hạng mục nào của dự án cũng nằm trong tình trạng ngổn ngang, dang dở. Bây giờ địa phương cũng chỉ biết chờ vốn chứ chưa có biện pháp nào khác. Tại huyện Kỳ Sơn, một trong những vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội, là công trình cầu Khe Tang xây dựng dở dang. Được khởi công từ năm 2011, tổng mức đầu tư 29 tỷ đồng, thi công đã 3 năm mà cây cầu này vẫn chưa xây xong phần hạ bộ do thiếu vốn (tỉnh mới được bố trí 12 tỷ đồng/ 29 tỷ đồng)...
Từ năm 2008 đến nay, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An được giao làm chủ đầu tư xây dựng 8 tuyến đường, cầu ở khu vực miền Tây của tỉnh nhưng chưa biết khi nào các dự án này mới hoàn thành. Nguyên nhân chính vẫn là do nguồn vốn cấp về quá hạn hẹp, và theo kiểu một nơi cấp một ít nên không đảm bảo tiến độ dự án. Ông Nguyễn Đức An - Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình giao thông - Sở GTVT, cho biết: “Nằm trong kế hoạch giai đoạn 2014 - 2016, Bộ KH&ĐT và Chính phủ bổ sung thêm một số dự án, Sở cũng như Ban Quản lý dự án tiếp tục kêu gọi, thu hút nguồn vốn từ Trung ương về để bố trí dự án hoàn thành trong 2016. Tuy nhiên, một số dự án như tuyến Tây Nghệ An giai đoạn 2, vốn bố trí còn thiếu hơn 200 tỷ đồng; đường Châu Thôn - Tân Xuân giai đoạn 2 còn thiếu 80 tỷ đồng nên phải giãn tiến độ sang sau năm 2016”.
Hiện tượng nhiều công trình từ vốn ngân sách dở dang do đầu tư dàn trải trong xây dựng cơ bản phổ biến ở nhiều địa phương. Một số công trình phải “đắp chiếu”, trong đó có dự án được quy hoạch, thiết kế công phu, hoành tráng nhưng không có khả năng thực hiện. Còn rất nhiều dự án vẫn chưa được bố trí vốn, phải mất nhiều năm nữa mới được phê duyệt. Nghệ An là địa phương còn nhiều khó khăn, nhu cầu đầu tư lớn, nhất là cơ sở hạ tầng ở các huyện miền núi. Hàng loạt vấn đề đặt ra cho tỉnh cần phải tập trung giải quyết để đẩy lùi khó khăn, thực hiện công cuộc xoá đói, giảm nghèo, từng bước ổn định, cải thiện đời sống vùng miền núi, dân tộc thiểu số. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được xem như nền móng để mở mang phát triển kinh tế, hay bất cứ một lĩnh vực nào khác. Nhưng với việc đầu tư xây dựng theo lối dàn trải vừa qua, là địa phương nào cũng được “cấp dự án”, cũng được bố trí nguồn vốn làm đường, cầu... khiến cho đồng vốn không tập trung để hoàn thành cho một công trình cụ thể đúng tiến độ cam kết. Trong khi người dân thì vừa khấp khởi hy vọng, rồi cứ mỏi mòn mong chờ dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng có hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Niềm mong mỏi trên đã được cử tri tỉnh nhà kiến nghị với đại biểu Quốc hội, HĐND. Vấn đề đặt ra là chính quyền các cấp, cần có biện pháp kiên quyết khắc phục những yếu kém trong lĩnh vực đầu tư công nhất là đẩy lùi tình trạng đầu tư dàn trải, tránh nạn “chạy dự án”, mạnh ai nấy làm. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định và thẩm định các dự án đầu tư công, tạo niềm tin của người dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Giải pháp hiện nay, thì theo như phát biểu chỉ đạo về nội dung xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nêu rõ việc Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2015 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai xây dựng kế hoạch này. Thủ tướng nói: “Kế hoạch trung hạn sẽ giúp các bộ, ngành và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, chủ động chuẩn bị đầu tư; lựa chọn các ưu tiên đầu tư, tránh dàn trải, xin cho, thậm chí tiêu cực”.
Bài, ảnh: Lê Thanh