"Điểm tựa" cho em

30/10/2014 14:25

(Baonghean) - Ở thôn Cây Chanh, xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) có một cô bé thiếu may mắn. đã 7 tuổi nhưng vẫn không thể tự mình ngồi dậy, tự mình di chuyển, đến việc ăn uống cũng hết sức khó khăn. Dù cuộc đời đã gán cho số phận bất hạnh, cô bé ấy vẫn khát khao được đến trường...

(Baonghean) - Ở thôn Cây Chanh, xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) có một cô bé thiếu may mắn. đã 7 tuổi nhưng vẫn không thể tự mình ngồi dậy, tự mình di chuyển, đến việc ăn uống cũng hết sức khó khăn. Dù cuộc đời đã gán cho số phận bất hạnh, cô bé ấy vẫn khát khao được đến trường...

Trong căn nhà nhỏ bé, chật chội, anh Ngô Dương Xuân (1977) và chị Phan Thị Sen (1983) chia sẻ nỗi đau buồn khi sinh con ra phải gánh chịu số phận tật nguyền... Anh chị kết hôn năm 2005, một năm sau bé trai Ngô Dương Phúc chào đời, khỏe mạnh và lành lặn. Niềm hạnh phúc dâng đầy. Phúc năm nay đã lên lớp 3, hồi mới 8 tháng đã đi chập chững, 9 tháng đã chạy lon ton. Rồi một năm sau nữa, chị Sen sinh hạ một bé gái, tưởng chừng như không có niềm vui nào lớn hơn, bởi vợ chồng “đã đủ nếp, đủ tẻ”. Cô bé được đặt tên là Ngô Bảo Lộc, cả nhà mừng vui vì “Phúc” và “Lộc” đã đủ đầy. Hai vợ chồng cùng động viên nhau cố gắng làm lụng để nuôi dạy con cái nên người, dù cuộc sống còn không ít khó khăn.

Nhưng rồi “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, không bao lâu sau anh chị phát hiện xương cốt của bé Lộc rất yếu, việc lật trở khó khăn, đôi chân không thể duỗi thẳng. Từ lúc mới sinh đến 3 tháng tuổi, Lộc phát triển bình thường, nhưng càng lớn lên, cơ thể em càng yếu ớt. Khỏi kể hết nỗi đau đớn của người làm cha, làm mẹ khi sinh con ra phải chịu cảnh tật nguyền. Chị Sen nhiều đêm thức trắng, không khóc nhưng nước mắt chảy tràn, xót xa khi nghĩ về tương lai của con trẻ. Còn anh Xuân nằm nén tiếng thở dài, cố cất giấu nỗi buồn, vì không muốn vợ buồn thêm. Thương con, vợ chồng anh Xuân đã bán tất cả những đồ đạc có giá trị, rồi vay mượn thêm để đưa bé Lộc xuống Thành phố Vinh, ra Hà Nội điều trị, nhưng đến nay vẫn không tiến triển. Kết luận bệnh tật của Lộc cũng mỗi nơi một khác. Nơi thì nghi em bị bại não, nơi ghi em bị yếu gân, nơi lại nói bị down nhẹ...

Bảo Lộc được mẹ hướng dẫn tập viết.
Bảo Lộc được mẹ hướng dẫn tập viết.
Chữ viết của bé Bảo Lộc.
Chữ viết của bé Bảo Lộc.

Năm nay, Ngô Bảo Lộc vừa tròn 7 tuổi, cái tuổi có thể tự cắp sách đến trường, vui chơi cùng bè bạn và giúp đỡ bố mẹ những việc nhẹ nhàng. Thế nhưng, cô bé này vẫn gắn chặt với chiếc giường, với nền xi măng loang lổ, mọi việc từ di chuyển, ăn uống, vệ sinh cá nhân... đều phải có sự giúp đỡ của bố mẹ. Muốn ngồi phải có người đỡ, rồi ghé lưng vào một điểm tựa là bức tường hoặc chiếc ghế. Nếu không có điểm tựa, em sẽ ngã gục xuống, và nếu không có ai trợ giúp khi gục xuống, em đành chịu nằm bất động. Khi ngồi, chỉ cần ngoái đầu hoặc nhoài người về phía nào, lập tức Lộc sẽ ngã về phía ấy. Muốn với tay trái lấy một đồ vật nào đó, cái đầu của em phải ngoẹo về bên phải để giữ thăng bằng. Đôi chân của Bảo Lộc vẫn có cảm giác, nhưng không hiểu sao không thể co và duỗi thẳng. Với đôi chân ấy, em không thể đứng lên giữa cuộc đời.

Đã 7 năm nay, vợ chồng anh Xuân, chị Sen gần như không có được một đêm yên giấc. Bởi lẽ, Bảo Lộc không thể tự mình lật, trở, những lúc mỏi muốn thay đổi tư thế nằm, em phải gọi bó hoặc mẹ dậy trợ giúp. Mỗi đêm, em phải nhờ bố mẹ lật trở 4-5 lần. Còn lúc ăn, bố mẹ phải chọn vị trí có điểm tựa để Bảo Lộc ngồi, phía trước kê đồ vật có chiều cao ngang tầm cổ để đặt bát cơm (hoặc cháo). Một tay em dùng thìa đưa cơm và thức ăn vào miệng, tay kia phải chống cằm, khuỷu tay kê lên đầu gối làm điểm tựa, nếu không toàn thân em sẽ gục về phía trước. Ban ngày, 1 trong 2 người phải ở nhà với con gái, để giúp đỡ bé Lộc những nhu cầu thiết yếu... Mới đây, biết được hoàn cảnh của Bảo Lộc, Huyện đoàn Anh Sơn đã tặng em chiếc xe nhựa có ghế tựa, có dây đai an toàn để tránh bị ngã. Bố mẹ em cũng đỡ được phần nào vất vả, không lo con gái bị ngã gục và có thể yên tâm hơn khi làm việc nhà.

“Sinh con ra bị tật nguyền, không ai tránh được buồn đau, vất vả. Nhưng thương nhất là năm Lộc lên 6 tuổi, đầu năm học mới các bạn cùng trang lứa được bố mẹ sắm sửa quần áo mới và sách vở để đến trường, nó liền hỏi: Mẹ ơi! Khi nào mẹ mua sách cho con đi học? Nghe con hỏi, tôi chợt òa khóc, một phần vì thương con, một phần vì tủi thân, sinh con ra không lành lặn”- chị Sen tâm sự. Lúc ấy, Bảo Lộc vẫn chưa đủ nhận thức để biết những thiệt thòi và khiếm khuyết của cơ thể mình. Thấy Lộc khao khát học tập, vợ chồng anh Xuân suy nghĩ, bàn bạc tìm cách đưa con đến lớp. Anh đã nghĩ đến phương án hàng ngày vợ chồng thay nhau cõng đưa đón con đến lớp, để Bảo Lộc khuây khỏa, học được chữ nào hay chữ ấy. Nhưng ngặt nỗi, người em mềm như sợi bún, có thể gục xuống bất cứ lúc nào nếu mất thăng bằng và mất điểm tựa. Sợ những lúc mỏi, hoặc có bạn bè trêu chọc, Lộc bị ngã, mang thương tích lại đau đớn thêm cho em và vất vả, khổ sở thêm cho bố mẹ. Vậy là ước mơ đưa con đến trường đành gác lại, vợ chồng anh Xuân hy vọng một phép màu hay một cơ hội sẽ đến trong tương lai.

Hàng ngày, mỗi khi nghe tiếng ríu rít của lũ trẻ trong làng mỗi khi đến lớp hay sau giờ tan học đi qua trước ngõ, Bảo Lộc ngước nhìn qua cửa sổ với ánh mắt thèm thuồng, có khi bố mẹ nhìn thấy dòng nước mắt lăn dài trên má. Những lúc như thế, bố mẹ chỉ biết lặng lẽ thở dài, nén nỗi xót xa xuống tận đáy lòng để khỏi bật ra tiếng khóc. Buổi tối, chị Sen thường ngồi kèm con trai Ngô Dương Phúc học bài, Lộc cũng muốn ngồi cạnh mẹ để xem anh học. Đêm này qua đêm khác, cô bé ngồi xem và nhớ được khá nhiều kiến thức mẹ dạy cho anh. Thấy trí nhớ của con gái khá tốt, hai vợ chồng quyết định mua sách vở và thay phiên nhau dạy chữ cho Bảo Lộc. Lên 6 tuổi, Bảo Lộc đã thuộc hết bảng chữ cái và có thể ghép vần, có thể làm phép tính cộng trù trong phạm vi 5. Chỉ có điều, đôi tay mềm yếu của Lộc cầm bút rất khó khăn, đặc biệt là lúc đưa nét bút để viết thành chữ. Chị Sen mua vở tập viết để con gái tập tô từng nét chữ, lâu dần Lộc đã tô được đúng nét trong cuốn vở. Nhưng khi tập viết trên giấy trắng, em lại gặp rất nhiều khó khăn. Bởi bàn tay mềm nhũn của em không chịu tuân theo ý muốn, định nối hai nét lại với nhau để thành chữ “o” thì nó lại lệch đi, định viết chữ “ô” và chữ “c” cách nhau để thành chữ “lộc”, chúng lại dính sát vào nhau. Cuối buổi học, chị Sen thường chấm điểm để động viên con, vở viết của Bảo Lộc đa số đều điểm 10.

Không nản chí, em vẫn miệt mài với cây bút chì và tập vở viết, có lúc như dồn hết sức bình sinh để viết nên một con chữ. Đến nay, Bảo Lộc vẫn mải miết với việc tập viết. Khả năng hạn chế, lại còn phải lo việc mưu sinh, nên dù muốn tiếp tục dạy con lên mức cao hơn, bố mẹ Lộc vẫn chưa có cách nào khác. Công việc ngày một bận rộn, thời gian dạy con học ít đi, nên những kỹ năng và kiến thức của em đang có nguy cơ bị rơi rớt dần. Chúng tôi kiểm chứng lời của anh Xuân và chị Sen bằng cách đưa sách vở ra để Bảo Lộc ghép vần, viết chữ và làm Toán. Chưa thật sự suôn sẻ như học trò lớp 1, nhưng em đã thuộc bảng chữ cái, ghép được vần, viết được một số chữ và làm được một ít phép Toán. Những việc này là quá đơn giản đối với lứa tuổi của Lộc, nhưng với một đứa trẻ tật nguyền, không có khả năng tự gượng dậy thì có thể xem là cả một nỗ lực lớn. Nhìn cảnh Lộc ngồi tập viết, cái đầu ngoẹo sang một bên, tỳ chặt tay trên thành ghế, bàn tay khó nhọc đưa từng nét chữ, chúng tôi đọc được nỗi khao khát và quyết tâm học tập của một đứa trẻ tật nguyền. Người mẹ ngồi bên cạnh dõi theo từng nét chữ của con, ánh mắt ẩn chứa biết bao tình thương yêu và niềm hy vọng!

Gia đình anh Ngô Dương Xuân có 5 thành viên, ngoài vợ chồng và 2 con còn có người mẹ già đã trên 80 tuổi. Nguồn thu nhập chủ yếu nhìn vào 3 sào chè nguyên liệu, nên có lúc không đủ lo cái ăn và trang trải cuộc sống hàng ngày. Dù hết mực thương con, muốn tiếp tục đưa Bảo Lộc đến điều trị tại các cơ sở chỉnh hình, nhưng đến nay vẫn chưa có điều kiện, trong khi đó khoản nợ từ những năm trước vẫn chưa trả hết. Hay đơn giản như muốn mua cho con chiếc áo chỉnh hình, chiếc xe có công cụ hỗ trợ cho người khuyết tật để đưa Lộc đến trường đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Anh Xuân chia sẻ: “Sinh con ra bị tật nguyền, chưa chữa trị được cho con, chưa thể đưa con đến lớp học, vợ chồng chúng tôi tủi thân, day dứt và áy náy lắm. Mỗi lần nghĩ đến cảnh sau này mình già yếu, con gái phải ăn nằm một chỗ, không có ai đỡ đần là tôi không cầm được nước mắt. Có nơi nào chữa được, dù phải bán hết đất ở tôi cũng sẵn sàng!”.

Cặp mắt của Ngô Bảo Lộc ánh lên những tia hy vọng khi nhìn người khách lạ. Khi rời ngõ để ra về, chúng tôi còn nghe tiếng Lộc vọng ra từ căn nhà nhỏ bé: “Mẹ ơi! Bao giờ con được đi học?”. Chị Sen trả lời: “Chờ ít lâu nữa con ạ!”. Anh Xuân liền giải thích, hễ có khách lạ đến thăm và hỏi chuyện, bé Lộc cứ nghĩ rằng họ đến để giúp mình được đi học, nên lần nào khách ra về em đều hỏi mẹ như thế. Câu hỏi của em càng khiến những người xung quanh thêm buốt lòng. Mong sao, sẽ có những tấm lòng nhân ái, hảo tâm giúp em một “điểm tựa” để gượng dậy giữa cuộc đời!

Bài, ảnh: Công Kiên