Thế giới với cuộc chiến chống khủng bố: Cần lắm sự đoàn kết
(Baonghean.vn)- Hàng loạt vụ tấn công và âm mưu khủng bố diễn ra ở nhiều nước trên thế giới trong những ngày qua đặt cả thế giới trước nguy cơ bất ổn tiếp diễn.
Hàng trăm ngàn người, trong đó có hàng chục nguyên thủ quốc gia từ châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi và Trung Đông đã đến Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp tham gia cuộc tuần hành lịch sử thể hiện tình đoàn kết, yêu hòa bình và chống khủng bố, Giáo hoàng Francis với thông điệp hòa hợp tôn giáo trong chuyến thăm Châu Á lần này cho thấy với cuộc chiến đầy cam go không còn cách nào khác là các quốc gia, dân tộc, các tôn giáo trên thể giới phải đoàn kết lại.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nguyên thủ các nước có mặt trong cuộc tuần hành ở Paris. Ảnh: AFP |
Giáo hoàng Francis được chào đón ở Thủ đô Colombo của Sri Lanka. Ảnh Reuters |
Làn sóng khủng bố và sự biến tướng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)
Không còn bó hẹp trong những cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo trong phạm vi mỗi quốc gia, thế giới thực sự đang phải đối mặt với một làn sóng khủng bố vô cùng mạnh mẽ.
Sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tạo ra mối nguy không chỉ tại Iraq và Syria mà trên phạm vi toàn cầu. Giới truyền thông và quan sát quốc tế ghi nhận, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nguy hiểm hơn rất nhiều so với tổ chức khủng bố Al-Qaeda hay các tổ chức khủng bố khác.
Tham vọng lớn nhất của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là thành lập một nhà nước riêng để kiểm soát toàn bộ thế giới Hồi giáo. Nhà nước đó được đặt tên là “caliphate” và sẽ được lãnh đạo bằng Luật Sharia hà khắc. Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có nhiều nét của một đội quân chính quy với hệ thống chỉ huy tập trung và thống nhất, tính kỷ luật cao, sự thiện chiến và xây dựng một hệ thống kinh tế tự túc thời chiến nhờ nguồn tài chính cực kỳ dồi dào. Hiện nhiều khu vực do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm đóng có những mỏ khí, giếng dầu trữ lượng lớn giúp đảm bảo nguồn cung cấp tài chính dồi dào cho lực lượng này. Với phương thức hoạt động gần giống với tổ chức khủng bố Al-Qaeda nhưng tàn bạo và có chiến lược bài bản hơn, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã chiếm được nhiều vùng đất rộng lớn ở Trung Đông. Hiện lực lượng này đang kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq và Syria, cùng nhiều vùng đất ở Yemen, Marocco, Tunisia, Algeria và bán đảo Sinai của Ai Cập...
Quân đội của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ảnh: AP |
Các nhóm Al-Qaeda ở châu Phi và Đông Nam Á đã thể hiện sự ủng hộ đối với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) theo nhiều cách khác nhau. Nguy hiểm hơn, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã sử dụng thành thục các mạng xã hội cho mục đích tuyên truyền. Cho đến nay, không có nguồn tin chính thức về số lượng thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhưng hầu hết các con số dao động từ 50.000-200.000, cao gấp nhiều lần con số khoảng 30.000 tay súng đưa ra lúc ban đầu. Đáng chú ý trong số này có khoảng 20.000 tay súng nước ngoài từ khắp các châu lục, kể cả Mỹ và châu Âu. Những tay súng này được ví như “quả bom nổ chậm” một khi được tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cử về thực hiện đánh bom tại quê nhà.
Một thực tế đáng quan ngại là mặc dù có phương thức hoạt động vô cùng tàn bạo và tư tưởng đặc biệt cực đoan, song tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang ngày càng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tổ chức và cá nhân cực đoan trên thế giới. Số người đi theo tinh thần Nhà nước Hồi giáo (IS) và bày tỏ ủng hộ thánh chiến trên các mạng xã hội không ngừng tăng lên, không chỉ ở các quốc gia có số đông người theo đạo Hồi mà mở rộng khắp các châu lục từ Trung Đông, Châu Á, Châu Phi đến cả Châu Âu và Châu Mỹ. Sự ủng hộ rộng khắp đã tạo ra mối đe dọa thường trực cho các chính phủ ở khắp các châu lục.
Cuộc chiến chống khủng bố
Vào những ngày cuối năm 2014, đầu năm 2015, cộng đồng quốc tế thực sự choáng váng trước làn sóng khủng bố gia tăng mạnh mẽ với hàng loạt vụ tấn công, bắt giữ con tin và thảm sát dã man của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, Taliban, Boko Haram… diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Pakistan, làm chết và bị thương hàng trăm người, trong đó nhiều nhất là trẻ em vô tội. Rồi vụ tấn công cảm tử tại khu vực giáp tỉnh Anbar của Iraq, nơi IS đang kiểm soát phần lớn diện tích hôm 5/1 làm ba bảo vệ biên giới, trong đó có Tướng Oudah al-Belawi, chỉ huy tác chiến biên giới phía bắc Arab Saudi đã thiệt mạng. Quốc vương Arab Saudi đánh giá đây không phải là vụ tấn công thông thường mà cho thấy tham vọng muốn chiếm giữ hai "Thánh địa Hồi giáo" Mecca và Medina của nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), khiến nước này phải xây dựng bức tường rào dài gần 1000m cùng hệ thống hào ngăn cách.
Mới đây nhất là vụ xả súng tại tòa soạn báo Charlie Hebdo khiến 12 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương; một vụ xả súng khác xảy ra ở gần thủ đô Paris làm một nữ cảnh sát thiệt mạng; hai vụ bắt cóc cùng lúc tại Paris và ngoại ô- được đánh giá là những vụ khủng bố tàn bạo nhất trên đất nước này trong nửa thế kỷ qua. Sau Pháp, âm mưu khủng bố và đe dọa khủng bố được phát hiện và dập tắt ở nhiều nước như Mỹ, Đức, Bỉ....dấy lên quan ngại sâu sắc về nguy cơ khủng bố có thể xảy ra ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào, đe dọa cuộc sống và tính mạng của người dân trên khắp thế giới.
Tăng cường an ninh ở Bỉ. Ảnh: BBC |
Để chống lại làn sóng khủng bố, nhiều nước đã đưa ra các giải pháp cứng rắn và tăng cường an ninh. Ngay sau các cuộc khủng bố, Pháp tăng cường thêm hàng ngàn quân đến Paris. Để ngăn chặn làn sóng đầu quân của công dân nước mình vào các cuộc thánh chiến, ngày 14/1, Chính phủ Đức thông báo những người bị nghi ngờ muốn ra nước ngoài để tham gia các cuộc thánh chiến Hồi giáo sẽ bị tước chứng minh thư ở Đức....Nhiều quốc gia Châu Âu khác như Bỉ, Hy Lạp...triển khai hàng loạt động thái để ngăn chặn hành động khủng bố của những kẻ trở về từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Thông điệp đoàn kết
Chưa bao giờ cùng một lúc lại có nhiều nhân vật quyền lực của giới chính trị quốc tế cùng hội tụ để diễu hành vai kề vai sau sự kiện diễn ra tại một quốc gia riêng lẻ như cuộc tuần hàng chống khủng bố tại Paris, thủ đô cộng hòa Pháp hôm 10/1 như thế. Hơn 44 lãnh đạo các quốc gia từ châu Phi, Trung Đông, châu Âu và 12 người đứng đầu các tổ chức quốc tế và tất cả chủ tịch của các tổ chức, cơ quan châu Âu. Thậm chí họ là đại diện của các quốc gia có xung đột lợi ích như Thủ tướng Israel Benyamin Netayahou và Tổng thống Palestin Mahmoud Abbas; Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko. Từ kinh đô ánh sáng Paris đến thành phố cảng Marseille, hàng triệu người không phân biệt tuổi tác, màu da, sắc tộc, tôn giáo đã cùng nhau tham gia cuộc tuần hành lịch sử, tưởng nhớ những nạn nhân trong 3 ngày khủng bố kinh hoàng và hòa chung quyết tâm chống lại chủ nghĩa cực đoan. Điều này mang ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện sự chia sẻ đối với tấn bi kịch của nước Pháp cũng như ý chí quyết tâm và tinh thần đoàn kết của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến cam go này. Cả thế giới đang cùng chung một chiến hào!
Trong chuyến công du Châu Á, giáo hoàng Fracis bất ngờ tới thăm một ngôi chùa ở Sri Lanka và kêu gọi đoàn kết với những tôn giáo khác để hàn gắn vết thương chiến tranh tại đất nước đa tôn giáo này. Người đứng đầu Tòa thánh Vatican cũng từng đến thăm thánh đường Hồi giáo trong các chuyến đi tới Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ và Jerusalem - Israel. Thông điệp đoàn kết tôn giáo được giáo hoàng Francis đưa ra đúng vào thời điểm cả thế giới đang lên tiếng chống khủng bố và cũng là thời điểm có sự tranh cãi gay gắt về việc trang bìa tạp chí Charlie Helbo tiếp tục đăng bức hình biếm họa nhà tiên tri Mohammed với dòng chữ “Tất cả đều được tha thứ” cho thấy người đứng đầu tôn giáo lớn nhất thế giới đang muốn hướng đến sự đoàn kết, hòa hợp giữa các tôn giáo trên thế giới để có một cuộc sống an lành, hạnh phúc.
Gần đây nhất là thông tin Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ mời các đồng minh tham dự một hội nghị thượng đỉnh an ninh tại Washington vào trung tuần tháng 2-2015, để bàn các biện pháp ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở Sydney, Ottawa và Paris là những nhân tố thúc đẩy việc cần thiết phải có cuộc gặp của lãnh đạo các nước. Mục tiêu của cuộc họp thượng đỉnh là nhằm nêu cao nỗ lực của Mỹ và cộng đồng quốc tế nhằm ngăn những kẻ cực đoan và những kẻ ủng hộ "tuyển quân" hoặc dụ dỗ các cá nhân thực hiện các vụ tấn công trong thời gian tới.
Như vậy, thông điệp đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố đã được khẳng định và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân, các nhà lãnh đạo quốc gia, quốc tế và tôn giáo. Không chỉ dừng lại ở thông điệp hay các cuộc tuần hành, sắp tới sẽ có những giải pháp được bàn bạc để đi đến những hành động cụ thể chống khủng bố. Không chỉ là hàng rào tường sắt, quân sự mà hàng rào được dựng trong tinh thần, lòng người sẽ là thành trì vững chắc nhất không cho khủng bố có cơ hội xâm nhập vào.
Hương Giang
(Đài tỉnh)