Hà Nội - nguồn cảm hứng đa dạng và bất tận trong âm nhạc

10/10/2014 10:17

65 năm kể từ ngày Tiến về Hà Nội của Văn Cao ra đời (1949); 60 năm, những mơ ước, tưởng tượng của cố nhạc sĩ trong bài hát về một ngày đất nước hòa bình độc lập, những đoàn quân tiến về thủ đô, các gia đình đoàn tụ trở thành hiện thực. Kể từ đó, giai điệu hào hùng của Tiến về Hà Nội: "Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về" vẫn đều đặn vang lên mỗi dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô, và suốt chiều dài lịch sử chiến đấu - chiến thắng của Hà Nội.

Trước Tiến về Hà Nội, Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi có thể coi là một trong những dấu mốc, mở đầu cho dòng ca khúc về Hà Nội trong kháng chiến. Bài hát ra đời đầu năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp mới nổ ra được ít ngày. Tác phẩm mang đậm chất sử thi của Nguyễn Đình Thi hội tụ hồn khí Thăng Long nghìn năm, sôi sục khí thế chiến đấu của người Hà Nội buổi đầu kháng Pháp cũng như nét hào hoa không thể mất dấu giữa cuộc sống chiến tranh.

Qua hai cuộc kháng chiến, Hà Nội chuyển mình với bao thăng trầm. Đó là thành phố anh dũng, kiên cường giữa những ngày bom Mỹ tàn phá khốc liệt, được ghi nhận qua Bài ca Hà Nội của Vũ Thanh, là niềm lạc quan, niềm tin chiến thắng trong Hà Nội niềm tin và hy vọng của Phan Nhân. Đó còn là thành phố cổ kính, thanh lịch trong Có phải em mùa thu Hà Nội của Trần Quang Lộc.

Cảm hứng ngợi ca rõ nét hơn trong những tác phẩm viết vào thời bình. Đó làHà Nội mùa thu "vẫn ngát xanh, xanh trời mây" của Vũ Thanh (1981), là Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp năm 1984.

hn-2418-1412874804.jpg

Hà Nội là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều thế hệ nhạc sĩ. Ảnh: Lê Thị Thanh Nhàn.

Thế nhưng, viết về Hà Nội không chỉ có cảm hứng lịch sử và ngợi ca.Có những ca khúc được thành hình từ dòng cảm xúc rất riêng tư, xuất phát từ tình yêu sâu sắc với thủ đô.

Phú Quang là nhạc sĩ đã làm nên một Hà Nội rất riêng. Hà Nội của những con đường, góc phố rêu phong, mái ngói xô nghiêng, những nhành cây, chiếc lá, màn sương, đêm im lặng... Một Hà Nội lãng đãng đầu đông, run run heo may, liêu xiêu nỗi nhớ... "Tình yêu, có người thích rằng nó phải hoành tráng, phải gào ầm lên là anh yêu em - chẳng hạn. Cũng có người không cần nói, chỉ cần cái cầm tay thôi thì người phụ nữ cũng hiểu được rằng họ được yêu rất nhiều", nhạc sĩ nói. Với Hà Nội, Phú Quang đã cầm tay, chạm tóc, và đôi khi chỉ im lặng "lang thang hoài trên phố" ngắm nhìn. Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Mơ về nơi xa lắm... đã ra đời từ những xúc cảm tinh tế, đậm chất tự sự của một người yêu đến cuồng Hà Nội.

Với Phú Quang, Hà Nội còn là nỗi nhớ. Phần lớn ca khúc hay của ông về thành phố này được ra đời trong mấy chục năm xa quê. "Tôi chỉ viết về Hà Nội khi nào tôi nhớ thương không chịu được nữa. Có thể hay, có thể không nhưng chắc chắn trong đó có sự thật. Tôi bỏ Hà Nội đi Sài Gòn vì tôi muốn tìm điều gì mới lạ, và bởi lúc đó cũng có những điều buồn mình muốn giã từ. Nhưng chỉ được ba tháng là tôi khao khát được trở về. Mà cuộc đời có số phận, 25 năm sau tôi mới quay lại Hà Nội. Lúc trở về đây, tôi thấy mình đã đúng. Hà Nội giống như căn nhà mình, có thể không sang trọng bằng khách sạn nào đó, không hoành tráng như thủ đô nào đó. Nhưng tình yêu đầu tiên của tôi, những vui buồn đầu tiên của cuộc đời tôi cũng ở đây. Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác", Phú Quang thú nhận. Nhạc sĩ sống ở Hà Nội từ năm 5 tuổi tới năm 37 tuổi, sau đó vào TP HCM và trở về Hà Nội những năm gần đây.

phu-quang-3103-1412874804.jpg

Phú Quang yêu Hà Nội da diết và tình yêu đó đi vào phần lớn các sáng tác của ông. Ảnh: Hải Bá.

Chất buồn bảng lảng trong các tình khúc về Hà Nội của Phú Quang, được ông lý giải là nỗi buồn của kẻ xa quê. "Hà Nội ngày trở về là giấc mơ của tôi những ngày xa quê. Tôi mượn câu thơ của nhà thơ Doãn Thanh Tùng: 'Vội vã trở về vội vã ra đi', vì nó đúng tâm trạng. Lần nào về thăm Hà Nội, tôi cũng ở ít nhất một tháng nhưng lần nào cũng thấy mình ra đi quá vội vàng. Vì mình nhớ, mình thèm nó hơn điều mình tưởng".

Hay như bài Em ơi Hà Nội phố, Phú Quang kể: "Khi tôi vào Sài Gòn được nửa năm, tôi nhớ Hà Nội quá. Anh Phan Vũ có đọc cho tôi bài thơ có mấy trăm câu viết về Hà Nội sau trận bom B52. Tôi nghe bài đó, tôi xúc động và bảo với Phan Vũ, chắc chắn sẽ có một bài hát hay. Anh ấy hỏi tôi bài hát thế nào. Tôi bảo, tôi chỉ linh cảm chứ làm gì đã có nốt nhạc nào". Và Phú Quang đã chọn một số câu thơ trong bài thơ dài của Phan Vũ, kết hợp cảm xúc của mình làm nên Em ơi Hà Nội phố.

Cũng trên mạch nguồn nỗi nhớ và tình yêu, nhạc sĩ Trần Tiến lại có một Hà Nội khác. Kẻ du ca quá nửa đời người, có nhiều nơi để nhớ, nhiều nơi để gọi là nhà. Thế nhưng, trong nhiều cuộc phỏng vấn cũng như trong sáng tác, Trần Tiến luôn coi Hà Nội là chốn trở về. “Nơi ấy có hai ngôi mộ của bố, mẹ. Người có công đưa tôi đi qua trái đất đẹp đẽ và khắc nghiệt này. Để thằng con trai Phùng lớn lên biết mùi thuốc súng Tây, mùi độc dược Tàu và mùi dân chủ Mỹ. Nơi ấy có con đường nhỏ đi qua triền đê dẫn xuống dòng sông đỏ rực. Nơi anh trai dạy làm ‘Tặc giăng’, chống sào đu qua những vồng cát, nơi có con phố thơ mộng phủ đầy lá bàng tím và cô gái tôi mê, đi từ ngõ nhỏ ra sáng rực hè đường...”, nhạc sĩ trải lòng.

Nỗi nhớ Hà Nội ở các sáng tác của Trần Tiến không lãng đãng, mơ hồ mà "đời" hơn, thực hơn. Trần Tiến nhớ về những điều xưa cũ, những mất mát của cuộc đời không gì lấy lại được, có chút gì như xót xa, tồi tội. "Hà Nội có gì rất đau/ Người ta yêu dấu đi không trở lại"; "Lối xưa xe ngựa đành lòng thương nhớ"; "Hà Nội đầu ô/ Một chiều đầy gió/ Một người không nỡ quay về/ Hà Nội lòng tôi/ Giấc mơ xa vời của người xa quê" (Ngẫu hứng phố). Một Hà Nội bụi bặm, không đẹp như mơ, lấm láp nhưng hồn hậu, có thương và có đau: "Phố nghèo xưa, mái ngói nghèo xưa/ Ngoài ga cũ tiếng còi xa buồn" (Phố nghèo).

Trong nỗi nhớ Hà Nội, thấp thoáng những thân phận. Và trong những thân phận ấy, luôn có bóng dáng những người phụ nữ. "Hà Nội là em/ Vụng dại thầm kín một thời thiếu nữ u hoài/ Hà Nội mẹ tôi/ Vấn khăn nâu sòng một đời áo cũ/Thương con mắt đỏ thờ chồng". Là "Chị Hai thương ai ra đứng, đứng đầu đình/ Chị Hai nghèo, chị Hai buồn, chị Hai cô đơn, chị Hai khóc". Là "Ở nơi ấy tôi còn nhớ mối tình xưa/ Người thiếu nữ đã gặp tôi ngượng ngùng". “Họ là tất cả những gì có được của người đàn ông đi qua trái đất này. Họ luôn là mẹ, là chị, là em. Là người tình, người bạn bên tôi. Dù có những người tôi chưa nói chuyện bao giờ. Tôi vẫn thích phụ nữ cai trị trái đất hơn đàn ông. Phụ nữ là hoà bình, là yên ổn. Nơi có những đàn ong vàng sặc sỡ bay ra trong những câu chuyện cổ tích, nơi ấm áp và thơm tho mà người đàn ông không thể mang lại cho thế giới”, Trần Tiến lý giải.

Hà Nội luôn hiện lên trong nỗi nhớ, bởi như nhạc sĩ nói: “Người ta thường chắt chiu những gì đã qua mà thời gian không xoá nổi. Nỗi nhớ như rượu ủ lâu trong góc khuất tối lạnh của hồn người. Càng để lâu càng đậm đà và ngấm. Cái gì không đáng nhớ, tự nó đã ra đi, chẳng cần xua đuổi. Hiện tại sẽ là quá khứ của những người đến sau, sẽ là rượu của những tương lai khác, những thế hệ khác, nếu họ biết ủ những chắt chiu của đời mình”.

Cùng những nhạc phẩm của Trần Tiến, Phú Quang, Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội của Nguyễn Cường, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa của Trương Quý Hải, Hà Nội đêm trở gió của Trọng Đài, Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn, Hương ngọc lan của Anh Quân, Hoa sữa của Hồng Đăng... là những góc Hà Nội rất riêng, đã cùng làm nên diện mạo mảng âm nhạc trữ tình về Hà Nội.

Thay vì một Hà Nội của hoài niệm, nhớ nhung, nhiều cây viết trẻ viết về thủ đô với tâm thức hiện tại, với tinh thần đại diện cho thế hệ mà họ đang sống. Đó có thể là những câu hát trong sáng, gợi lên nét sinh hoạt phố phường vui tươi như: "Bước xuống phố sáng tinh mơ/ Dạo qua góc công viên, có bao điều/ Người người chào bình minh đang đến/ Nhìn cụ già tập dưỡng sinh/ Sao trong tâm ta thấy bình yên/ Một Hà Nội rất thân quen". (Nồng nàn Hà Nội - Nguyễn Đức Cường)

Nguyễn Đức Cường chia sẻ, ca khúc này được viết khoảng năm 2007. "Ngày đấy tôi mới ra trường, lập nhóm đi diễn ở các tỉnh. Chúng tôi thường về muộn, rất khuya, có lần về đến Hà Nội đã chạng vạng sáng rồi. Lúc đó, trong người rất mệt mỏi nhưng nhìn thấy một Hà Nội yên bình, đang chuyển động sang ngày mới thì quên hết mệt. Tiết trời khi đó đang mùa thu, se lạnh, những cụ già, trẻ em bắt đầu xuống phố tập thể dục. Tôi cứ nhìn thấy gì thì viết ra như thế thôi".

Bài hát Nồng nàn Hà Nội của anh giành được giải thể nghiệm của Bài Hát Việt. Từ đây tên tuổi của anh bắt đầu được biết đến nhiều hơn.

Bài hát "Nồng nàn Hà Nội" của Nguyễn Đức Cường giành giải thể nghiệm của Bài hát Việt.

Ca khúc phong cách rock unplugged pha lẫn R&B là cái nhìn chân thực nhưng không kém phần lãng mạn về Hà Nội đương đại. Một "Hà Nội dịu dàng và ấm áp", "phố phường bao sắc màu, bao ánh đèn", "chiều nhạt nhòa Hồ Gươm lung linh", "dòng người vội vã", "ngồi ăn một quán ven đường"... dễ dàng đến với giới trẻ bởi đó là chính những gì họ đang sống, đang trải qua hàng ngày.

"Cường viết bằng cảm nhận của một người trẻ nên lạc quan lắm. Mọi điều diễn ra quanh cuộc sống đều tươi mới, vì thế muốn viết một ca khúc về Hà Nội với cái nhìn tích cực, để hướng tới sự phát triển hơn nữa. Và dù Hà Nội có trong tư thế hội nhập vẫn luôn mang nét văn hóa cổ kính, vẫn giữ được những góc phố nên thơ, lãng mạn", Nguyễn Đức Cường chia sẻ.

Hà Nội trà đá vỉa hè của Đinh Mạnh Ninh cũng là một lát cắt nhỏ của cuộc sống người trẻ Hà Nội ngày nay. Có thể hay, có thể chưa hay, nhưng các nghệ sĩ trẻ cho thấy họ đang nối gót thế hệ đi trước viết tiếp mạch cảm hứng về Hà Nội với một tâm thế mới.

Cảm hứng về Hà Nội thay đổi, bởi chính Hà Nội cũng đã khác xưa. Nhạc sĩ Phú Quang nhận xét: "Hà Nội xưa bình yên hơn, giờ dữ dội, sôi động hơn. Nhưng thay đổi là tất yếu, thay đổi làm nhiều điều hấp dẫn hơn. Cũng như sông Hồng, ngày xưa nhiều nước, bây giờ sông cạn hơn nhiều, đó cũng là cái buồn. Nhưng mặt khác, lại có thêm nhiều cây cầu bắc ngang. Thì cuộc đời nó là như vậy. Khi bạn trẻ bạn có cái đẹp của trẻ, khi già có cái đẹp của già. Đời sống cấp tập, vội vã hơn thì phải có sơ suất nhiều hơn nhưng tôi vẫn tin thành phố này ngày một tốt đẹp".

Nguồn VNE