Làng đào Yên Phú

31/10/2014 10:07

(Baonghean) - Trước đây, đời sống người dân của thôn Yên Phú (xã Minh Thành, Yên Thành), chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Nghề trồng đào được du nhập vào làng cách đây khoảng 30 năm và có chiều hướng phát triển mạnh trong vài năm gần đây. Trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường, một số hộ trong thôn đã mạnh dạn đầu tư cải tiến kỹ thuật, chăm sóc, mở rộng diện tích trồng đào và đem lại hiệu quả cao. Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, kinh nghiệm lâu đời và sự cần cù chịu khó học hỏi của người dân, nghề trồng hoa đào ở đây đã thu được những kết quả dáng khích lệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống cho nhân dân...

Chúng tôi có mặt tại UBND xã Minh Thành sau cơn mưa khá dài vào buổi sáng mai. Đây là địa phương có nghề trồng đào tết lớn nhất huyện Yên Thành - làng Yên Phú. Đón chúng tôi là Phó Chủ tịch UBND xã - ông Trần Khánh Tùng. Ông Tùng hồ hởi nói với chúng tôi, dù không phải là dịp cuối năm, đào chưa khoe sắc, nhưng phóng viên đến đó sẽ mê những vườn đào được trồng trên các triền đồi. Song ông cũng có chút ái ngại, bởi con đường về làng Yên Phú lầy lội, sau những ngày trời đổ mưa. Nhưng thôi, đã đến đây rồi thì ta chịu khó đi nhé. Đào Minh Thành bây giờ là nhất đấy. Đã bao năm, người dân gắn bó với nghề trồng đào, cho thu nhập cao. Năm 2013, UBND huyện đã công nhận Yên Phú là làng có nghề “trồng hoa cây cảnh” rồi đấy. Nói là nghề “trồng hoa cây cảnh” nhưng chủ yếu trồng đào là chính”.

Vườn đào của gia đình ông Trần Quốc Hoan.
Vườn đào của gia đình ông Trần Quốc Hoan.

Nói rồi, ông Tùng bố trí anh Thành - cán bộ văn phòng UBND xã dẫn tôi đi. Mỗi người một xe máy, lách qua những đoạn đường trơn, lầy lội, bám sâu vào chân đồi đến với làng Yên Phú. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Thành phân trần: Chính con đường khó khăn như thế này, phần nào ảnh hưởng đến việc tiêu thụ đào vào dịp Tết. Bởi thời tiết cuối năm thường có mưa phùn dài ngày, mặt đường nhão nhoẹt, khách ngại vào. Bà con đang phấn đấu đưa nghề “trồng hoa cây cảnh” ngày càng mạnh hơn để mong sớm được tỉnh công nhận làng nghề...

Nghề trồng đào ở Yên Phú không phải xa xôi gì lắm, chỉ vài chục năm trở lại đây thôi. Cụ Trần Ngọc Liên, người trong làng, năm nay đã 82 tuổi, nhớ lại: Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, cuộc sống người dân vùng miền núi này khó khăn lắm, cơm không đủ no. Hồi đó, lớp chúng tôi đưa cây mía về trồng trong vườn nhà, cuối năm gánh cây mía đến các chợ trong vùng bán, lấy tiền đong gạo. Khi cuộc sống tạm ổn, nhiều người mua giống cam, chanh về trồng, thay thế cây mía. Nhưng sau 3 năm, cam và chanh lụi dần, vì chất đất không phù hợp. Khi đó, trong làng có một số gia đình trồng những cây đào bản địa to, đẹp, nhiều người nghĩ ngay đến việc trồng đào. Thời điểm đó, trồng đào cốt chỉ để lấy quả, chứ mấy ai bán được cành. Sau này, dần dà trồng đào lấy hoa là để phục vụ cho việc thờ tết.

Khi nhu cầu chơi hoa ngày tết của người dân bắt đầu tăng, cũng là lúc người trồng đào thấy được giá trị kinh tế của cây đào mang lại. Theo cụ Liên, chừng 10 năm trở lại đây, người trồng đào Yên Phú bắt đầu tập trung nhiều hơn cho nghề, và nghề trồng đào bắt đầu theo hướng thương mại rõ rệt hơn. Được biết, làng Yên Phú bây giờ số hộ trồng đào có tới gần 50 hộ, chiếm 67% tổng số hộ trong làng, diện tích trồng đào ước trên 20 ha, chủ yếu đất vườn nhà. Đã là nghề thì việc kiếm kế sinh nhai từ nghề là lẽ đương nhiên, và có như như thế mới được lâu bền. Ước tính trung bình mỗi năm, tổng thu nhập của các hộ dân trồng đào ở làng Yên Phú có đến hàng tỷ đồng. Hộ ít cũng có vài chục triệu đồng/năm, hộ nhiều có đến vài trăm triệu đồng/năm.

Đến thăm vườn đào của gia đình anh Trần Văn Hải. Cách đây hơn 20 năm, anh là người đầu tiên đưa giống đào Nhật Tân về ghép lên cây đào địa phương trong vườn nhà. Hiện giờ, nhìn vườn đào nhà anh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với quy mô trồng. Trên diện tích xấp xỉ 1 ha đất vườn, anh dành hẳn 7 sào để trồng đào. Anh Hải vui vẻ: Vườn có trên 1 nghìn gốc, chủ yếu là giống đào đá, được ghép trên cây đào bản địa. Trước đây, thường ghép giống đào Nhật Tân, nhưng khoảng 5 năm lại nay, theo thị hiếu của khách hàng, được thay thế bằng giống đào đá. Giống đào đá lấy từ Kỳ Sơn, Quế Phong về ghép lên cây đào địa phương. Đặc điểm của đào đá là thân cây to, khỏe, hoa màu hồng nhạt, có 5 cánh to, lâu tàn. Khách hàng bây giờ thường “tầm” loại đào này để thờ ngày tết, nên có bao nhiêu cũng bán hết. Tính ra, anh Hải đã hơn 20 năm trồng đào. Lúc đầu trồng chơi, nên không chăm bẵm gì lắm, sau thành là kế sinh nhai thực sự, hàng ngày phải để mắt vào nó. Trong vườn đào của anh Hải, hiện có những cây đào trị giá 4 - 5 triệu đồng, cây ít nhất cũng 300 nghìn đồng. Anh Hải khẳng định, trồng đào là thu nhập chính của gia đình, nhờ đó cuộc sống ngày càng sung túc, đầy đủ hơn xưa nhiều. Bây giờ, mỗi hộ trồng đào đều có 1 - 3 cây đào gốc (đào chủ), vừa để ăn quả, sau đó ươm hạt lấy cây giống. Nối tiếp năm này qua năm khác, giống đào đá ngày càng được nhân rộng, mang lại giá trị cho người trồng và người thưởng thức...

Mưa mỗi lúc càng dày hạt, ngồi trò chuyện với người trồng đào của làng Yên Phú mới thấy được nghề trồng đào cũng lắm công phu. Đất và khí hậu nơi làng Yên Phú được coi là phù hợp với nên đào sinh trưởng tốt. Thế nên thoạt nhìn cứ tưởng nghề trồng đào ở đây thật dễ dàng, cứ trồng lên cây sẽ sống và ra hoa đúng dịp. Thực ra không phải thế, để có được cây, cành đào ưng ý trưng trong ngày Tết, quả thật tốn khá nhiều công sức! Anh Hải, cho biết: Trồng một cây con cho đến khi có cành to, đẹp, phải mất 3 - 4 năm. Đối với những gốc đào đẹp, có thể để 5 - 6 năm mới đào bán. Việc chăm sóc cây cũng rất tỉ mỉ, cẩn thận xuyên suốt cả năm. Với những cây đào thế, việc chăm sóc càng phải đầu tư lớn và cầu kỳ uốn nắn từng cành ngay từ khi còn nhỏ. Khó nhất là làm thế nào để cây đào thế đến ngày tết trên cành có “tứ lộc”: nụ, hoa, lộc và quả.

Những cây đào thế như thế này thường dành cho những khách hàng “khó tính” và có tiền. Muốn cây đào có một lúc “tứ lộc”, người trồng đào cần phải có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Anh Hải cho biết bí quyết: Người trồng đào phải biết cách đầu tư đúng lúc, hạm cây cho đúng thời kỳ, phải uốn cành, tạo thế, dáng cho phù hợp. Muốn cây đào có ít quả vào dịp Tết, phải điều chỉnh cho một lứa hoa nở vào đầu tháng 11. Năm nào thời tiết ủng hộ thì người trồng đào yên tâm, còn năm nào thời tiết khó lường là tâm trạng người trồng đào thấp thỏm. Bởi vậy, điều quan trọng nhất là đon được thời tiết của năm đó để xử lý vườn đào cho phù hợp. Nếu thời tiết rét đậm kéo dài, phải tuốt lá sớm, để đào nở hoa vào dịp Tết. Nếu thời tiết ấm áp, buộc đào phải nở hoa sớm, không thể hãm được. Năm nào thời tiết không ủng hộ, khiến đào không nở hoa vào dịp tết, thì năm đó người trồng đào thất thu.

Trồng đào thế cần phải công phu là vậy, nhưng với đào trồng tự nhiên cần rất ít công chăm sóc. Ông Trần Quốc Hoan, chủ vườn đào 700 gốc, cho biết: Đào trồng tự nhiên chủ yếu là bán cành. Sau khi thu hoạch xong, thu dọn vệ sinh xung quanh gốc đào cho sạch, dùng phân chuồng hoai, trộn một ít phân đạm, rắc trên mặt đất (rễ đào ăn nông dưới mặt đất). Khi gốc đào đâm chồi, cắt bỏ những chồi nhỏ yếu, chọn những chồi to khỏe để lại chăm sóc, cho phát triển một cách tự nhiên, không cần phải mất công tạo thế. Thời điểm gốc đào đâm chồi, thường xuất hiện sâu đục thân, cần phải chủ động phun thuốc phòng trừ. Khi cây phát triển bình thường, hay xuất hiện các loại sâu bệnh: nhện đỏ, bệnh chảy nhựa, sâu đục thân. Cho nên người trồng đào phải để ý, khi phát hiện có hiện tượng sâu bệnh là phòng trừ ngay. Trong quá trình cây đào phát triển, cần để ý cắt tỉa những cành không cần thiết, tạo điều kiện cho những cành còn lại phát triển nhanh, đều. Dịp gần tết, vệ sinh vườn đào sạch sẽ, kết hợp với việc xử lý đào ra hoa cho đúng dịp, tạo ấn tượng cho khách hàng đến mua đào. Nghề trồng đào vì thế tuy trầm lặng nhưng chứa đựng niềm vui riêng. Niềm vui đó không chỉ mang lại kinh tế cho gia đình, mà còn góp phần tô thắm thêm vẻ đẹp của mùa xuân đến từng gia đình. Theo ông Hoan, với đất pha sỏi ven đồi, không có cây gì cho thu nhập cao bằng trồng đào, tận dụng vườn đào, gia đình còn nuôi thả được gà thịt rất hiệu quả.

Rời những vườn đào đang kỳ xanh lá trên các triền đồi, trong chúng tôi vẫn còn hồi tưởng nhiều câu chuyện mà người trồng đào ở đây đã kể lại. Có cả niềm vui, nỗi lo lắng, thấp thỏm... Vẫn biết ở Yên Thành cũng có một số nơi trồng đào kinh doanh, nhưng đào của làng Yên Phú nổi tiếng hơn cả. Sự nổi tiếng đó, thể hiện qua vẻ đẹp riêng của hoa đào và cái thế của từng cây đào do con người nơi đây tạo ra. Bởi thế “thương hiệu” đào Yên Phú được khách hàng từ Con Cuông, Đô Lương, Diễn Châu, Vinh... tìm đường đến mua về trưng ngày đón Xuân, vui Tết. Niềm mong mỏi của người dân Yên Phú là sớm được tỉnh công nhận làng nghề “trồng hoa cây cảnh”, để sản phẩm đào ở đây ngày càng khấm khá hơn!

Bài, ảnh: Xuân Hoàng