Giáo hoàng Francis và mối quan tâm tới châu Á
(Baonghean) - Giáo hoàng Francis có chuyến thăm châu Á từ ngày 13-19/1 với 2 điểm dừng chân là Sri Lanka và Philippines. Đây là chuyến thăm châu Á lần thứ hai trong vòng chưa đầy nửa năm của người đứng đầu Thiên Chúa giáo. Nó ghi dấu không chỉ mối lưu tâm cá nhân của ông với khu vực này mà cả tầm quan trọng chiến lược của châu Á đối với nhà thờ.
Giáo hoàng Francis được chào đón ở Thủ đô Colombo của Sri Lanka. Ảnh Reuters |
Ở châu Á hiện nay, theo thống kê mới nhất của Vatican, có 3,2% dân số theo Thiên Chúa giáo nhưng là châu lục cùng với châu Phi có số người (mới) gia nhập đạo Thiên Chúa đông nhất. AFP cho biết Giáo hoàng Francis có mối lưu tâm đặc biệt với châu Á còn vì tình cảm cá nhân. Thời trẻ ông từng muốn sang Nhật Bản làm nhà truyền giáo nhưng sau khi ông bị cắt một phần phổi, các bác sỹ khuyến cáo ông không nên sang châu Á do khí hậu ẩm ướt không có lợi cho sức khỏe. Tháng 8 năm ngoái, Giáo hoàng Francis có chuyến thăm Hàn Quốc. Sự quan tâm đặc biệt đến châu Á càng rõ nét khi người đứng đầu Tòa thánh Vantican chưa hề tới châu Phi hay châu Mỹ Latinh nhưng ông lại tiếp tục lựa chọn châu Á trong chuyến thăm lần này với 2 điểm đến là Sri Lanka và Philippines.
Sri Lanka, thông điệp về hòa hợp tôn giáo
Tại Sri Lanka, chủ điểm của Giáo hoàng là sự hoà hợp giữa các tôn giáo, trong đó, có cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Đây là một chủ điểm nên có trong một quốc gia hiện đang có chia rẽ giữa người Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Kitô giáo và là nơi ký ức cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 30 năm, mới chỉ chấm dứt vào năm 2009, hiện vẫn còn đậm nét trong tâm thức người dân. Hơn 21 triệu dân Sri Lanka đa số theo Phật giáo, giáo dân Công giáo chỉ khoảng 6%. Cuộc thăm dò năm 2008 của Viện Gallup cho thấy Sri Lanka xếp hạng ba trên thế giới về tôn giáo, nghĩa là các dị biệt về tôn giáo rất dễ bị lạm dụng. Mặc dù chỉ chiếm thiểu số nhưng Công giáo được cho là có sứ mệnh hòa giải giữa các tôn giáo khác, vì đây là tín ngưỡng duy nhất được cả người Sinhalese lẫn người Tamil của Sri Lanka tin theo. Trong một động thái được xem là mang tính biểu tượng của sự hòa hợp giữa các tôn giáo, Giáo hoàng Francis thay đổi lịch trình vào phút chót để đến thăm một ngôi chùa quan trọng ở Colombo. Đây là lần thứ hai một vị Giáo hoàng vào một ngôi chùa Phật giáo, lần thứ nhất năm 1984 Giáo hoàng John Paul II tới thăm một ngôi chùa ở Bangkok, Thái Lan.
Về phương diện chính trị, Giáo hoàng đề cập tới chủ đề gai góc là “hội nhập văn hóa” nghĩa là phải làm sao để thích ứng biểu tượng và việc thờ phượng của Kitô giáo vào nền văn hóa Sri Lanka. Vấn đề trên từng gây ra nhiều căng thẳng rất gay gắt giữa mẫn cảm tôn giáo và chủ nghĩa tương đối tôn giáo. Trong hai thập niên 1990 và 2000, nhiều thần học gia cấp tiến Công giáo, trong đó có Tissa Balasuriya của Sri Lanka, từng bị Vatican ra kỷ luật vì đã đi quá xa trong việc pha trộn các thực hành và quan niệm Đông phương vào đạo Công giáo.
Giới phân tích cho rằng, Giáo hoàng Francis đang muốn có cuộc cách mạng thực sự trong Công giáo nhằm ngăn chặn được sự suy giảm ảnh hưởng và vị thế của Giáo hội Công giáo trên thế giới sau rất nhiều vụ tai tiếng và bê bối. Trong bối cảnh như vậy việc gây dựng vai trò của Công giáo ở các khu vực là một trong những việc cần thiết phải làm của Tòa thánh Vantican. Trong khi đó, Sri Lanka được xem là “mảnh đất” mà Công giáo có thể thể hiện vai trò hòa giải và hòa hợp giữa các tôn giáo. Đây chính là một trong những mục tiêu của chuyến công du lần này của Giáo hoàng Francis.
Philippines và nỗ lực truyền giáo ở châu Á
Sau Sri Lanka, Giáo hoàng sẽ sang Philippines - quốc gia có đa số dân theo Thiên Chúa giáo. Năm 1995, khi đến thuộc địa cũ của Tây Ban Nha này, Giáo hoàng John Paul II từng được chào đón với số lượng giáo dân đông nhất tại Manila. Giáo hoàng Francis được biết đến là một người luôn ủng hộ những người nghèo khó và những người bị bỏ quên. Tại Philippines, ông sẽ đến gặp những người sống sót sau cơn siêu bão Haiyan, đã làm 7 ngàn 300 người thiệt mạng và mất tích, và khiến hàng triệu người mất nhà cửa năm 2013. Dự kiến Giáo hoàng sẽ có buổi lễ thánh ngoài trời vào Chủ nhật (18/1) trước khoảng 6 triệu giáo dân của quốc gia này.
Với quốc gia có đông người Công giáo nhất châu Á, được coi là thủ đô của giáo hội ở châu lục này, Philippines luôn được Giáo hội Thiên Chúa giáo coi là một khu vực có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Bên cạnh đó, Philippines cũng là quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống, cuộc xung đột giữa người Cơ đốc giáo và Hồi giáo cách đây mấy trăm năm cũng là vấn đề được nhiều tín đồ Công giáo trông đợi. Nhiều người hy vọng Giáo hoàng sẽ đề cập đến thoả thuận hoà bình vừa ký kết giữa chính phủ và nhóm phiến quân Hồi giáo lớn nhất trong nước.
Không chỉ thể hiện sự quan tâm đến người nghèo, đến những tín đồ Công giáo gặp nhiều khó khăn và mong muốn hàn gắn, hòa giải giữa các tôn giáo tại đất nước Philippines, chuyến công du của Giáo hoàng đến quốc gia này còn chứng tỏ rằng Giáo hội muốn mở rộng tầm ảnh hưởng và có thể mở rộng khu vực truyền giáo ở châu Á . Sau gần 2 năm được sắc phong, Giáo hoàng Francis đã nhiều lần tuyên bố những ý tưởng cải cách, trong đó có phi tập trung hóa quyền lực ở tòa thánh và châu Âu, toàn cầu hóa giáo hội, gây dựng và phát huy vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc giải quyết những vấn đề cấp thiết và quan trọng nhất đối với số đông con người trên trái đất... Và những chuyến công du liên tiếp tới châu Á của Giáo hoàng cũng nhằm hiện thực những ý tưởng ấy.
Thanh Huyền
Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) tại 43 quốc gia cho thấy tỷ lệ ủng hộ Giáo hoàng Francis lên đến 60%. Đáng chú ý là nhiều nước trong số đối tượng thăm dò thuộc khu vực người Công giáo chỉ chiếm thiểu số như Trung Đông, Đông Á. Riêng tại châu Âu, số người mến mộ Giáo hoàng Francis chiếm tỷ lệ 84%. Tại Italy, nhân vật được yêu mến và hâm mộ nhất trong năm 2014 là Giáo hoàng Francis I. Những động thái cải cách mạnh mẽ về chính trị, tư tưởng, kinh tế kết hợp cùng phong thái cá nhân vô cùng giản dị của ông mang lại bầu không khí cởi mở và gần gũi cho Vatican trong mùa Giáng sinh 2014 sau nhiều năm bị đánh giá là khô cứng và nhiều bê bối. Trước đó, trong một thánh lễ vào năm 2013 được cử hành ở một trại giam dành cho trẻ vị thành niên ở ngoại ô Thủ đô Rome, Ý, Giáo hoàng Francis đã thực hiện nghi thức rửa chân cho 12 trại viên, trong đó có cả một số người theo Hồi giáo, Chính thống giáo, theo tờ La Croix. Giáo hoàng Francis cũng nhiều lần chứng tỏ không ngại kết nối với giới trẻ hiện đại bằng chính thói quen không thể thiếu của họ: selfie, hay còn được gọi là “chụp ảnh tự sướng” bằng điện thoại di động. |