Nâng cao nhận thức pháp luật, tự bảo vệ mình

09/12/2014 08:29

(Baonghean) - Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tư vấn và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ thông qua những mô hình cụ thể đang là một trong những giải pháp thiết thực được các cấp hội phụ nữ triển khai. Qua đó, nhằm giúp chị em nâng cao nhận thức về pháp luật, tự bảo vệ quyền lợi của mình và đấu tranh chống lại mọi hành vi phân biệt đối xử và nạn bạo hành, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội...

(Baonghean) - Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tư vấn và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ thông qua những mô hình cụ thể đang là một trong những giải pháp thiết thực được các cấp hội phụ nữ triển khai. Qua đó, nhằm giúp chị em nâng cao nhận thức về pháp luật, tự bảo vệ quyền lợi của mình và đấu tranh chống lại mọi hành vi phân biệt đối xử và nạn bạo hành, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội...
Phòng Tư pháp và các ban, ngành huyện Quế Phong tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ xã Tri Lễ. Ảnh: Xuân Thống

Nạn bạo hành trong gia đình và buôn bán phụ nữ là một trong những vấn đề nóng được các cấp hội phụ nữ quan tâm. Những năm qua, nhiều mô hình CLB, đội, nhóm giúp chị em biết cách tự bảo vệ mình được thành lập và nhân rộng. Điển hình như các “Nhóm phụ nữ tự lực” tại Thị xã Cửa Lò. Từ 2 nhóm ban đầu tại các phường Nghi Hòa, Nghi Thu được thành lập tháng 5/2010, đến nay, Hội LHPN thị xã đã nhân lên 6 nhóm, với 84 thành viên. Các nhóm "Phụ nữ tự lực" sinh hoạt định kỳ 1 tháng 1 lần với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực. Trong đó, chú trọng tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật; bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình; văn hóa ứng xử; kỹ năng giao tiếp; kiến thức chăm sóc sức khỏe; kỹ năng lánh nạn; giải tỏa nỗi lo âu, sợ hãi… Chị Phùng Thị Quỳnh Hòe - Chủ tịch Hội LHPN phường Nghi Hòa cho biết: “Trước đây, nhiều chị em bị bạo hành thường cam chịu, vì nghĩ “xấu chàng hổ ai”, nhờ tham gia nhóm, họ đã mạnh dạn lên tiếng, chia sẻ nỗi niềm và dũng cảm đối mặt với hoàn cảnh để bảo vệ phẩm giá, bảo vệ hạnh phúc gia đình vì biết mình đã không còn đơn độc”. Đến nay, các nhóm “Phụ nữ tự lực” đã trực tiếp tham gia cùng các đoàn thể địa phương hòa giải giúp hơn 31 cặp vợ chồng mâu thuẫn có nguy cơ tan vỡ đoàn tụ; can thiệp tại chỗ, ngăn chặn kịp thời 54 trường hợp bạo hành gia đình dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau, mà nạn nhân đều là phụ nữ, trong đó có một số trường hợp cá biệt phải đề nghị cơ quan chức năng xử lý. Trường hợp của chị H.T.H ở phường Nghi Hương sau nhiều năm âm thầm chịu đựng bạo hành từ chồng, chị trở nên trầm cảm, tự ti; nhờ được sự động viên, tư vấn, chia sẻ của chị em trong nhóm, chị đã biết cách tự bảo vệ mình và cải thiện mối quan hệ vợ chồng tốt hơn để tránh bạo lực gia đình.

Ở Thạch Ngàn (Con Cuông) để thu hút các hộ tham gia câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, hội phụ nữ xã đứng ra tín chấp ngân hàng cho các hộ được vay vốn ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn, nâng cao thu nhập. Ban đầu câu lạc bộ chỉ có 18 hộ tham gia, nay đã có 24 cặp vợ chồng tham gia, trong đó có nhiều cặp vợ chồng sống hạnh phúc vẫn vào CLB để thuyết phục, cảm hóa các cặp vợ chồng có tình trạng bạo lực gia đình.

Bên cạnh vấn nạn bạo lực gia đình, thì trình độ dân trí thấp, nhận thức hạn chế, dễ lôi kéo, rủ rê vô tình khiến phụ nữ dân tộc thiểu số ở các bản, làng vùng cao trở thành “miếng mồi ngon” cho những kẻ xấu lợi dụng. Họ thường trở thành nạn nhân hoặc bị biến thành mắt xích trong những đường dây buôn bán người đang ngày càng diễn biến phức tạp. Trước thực trạng đó, với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo xây dựng mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người” tại các điểm nóng như ở xã Đôn Phục (huyện Con Cuông), xã Yên Hòa (huyện Tương Dương), xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong) và xã Châu Bính (huyện Quỳ Châu) nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người cho phụ nữ. Bên cạnh đó, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ vay vốn xoá đói, giảm nghèo để giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng… Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 11 mô hình truyền thông trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em. Trong năm 2014, Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với Toà án nhân dân tỉnh tổ chức 2 cuộc xét xử lưu động tội phạm mua bán phụ nữ tại xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương và Thị trấn Con Cuông; chỉ đạo mô hình truyền thông cộng đồng về “Di cư an toàn và phòng, chống mua bán người” tại xã Bảo Thành, Phúc Thành (Yên Thành); mô hình đội văn nghệ thông tin tuyên truyền về phòng, chống mua bán người tại phường Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai. Một số mô hình CLB “Phụ nữ với pháp luật”, “Bình đẳng giới”, “Gia đình không có người thân vi phạm và mắc tệ nạn xã hội”, mô hình “CLB Lá chắn”, “Gia đình hạnh phúc”…

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho phụ nữ, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã từng bước củng cố, phát triển mạng lưới tư vấn pháp luật; vận động đội ngũ cán bộ, hội viên nòng cốt tham gia vào các mô hình “Tổ tự quản”, “Tổ hòa giải” cơ sở, qua đó, xây dựng nhiều nhân tố điển hình như chị Trịnh Thị Vân - Xóm trưởng kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phòng, chống ma túy xóm 8, xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên) với nhiều giải pháp xây dựng xóm 10 năm không có người nghiện ma túy. Hay chị Trần Thị Hồng (xóm 10, xã Nghi Hưng, Nghi Lộc) 10 năm làm tổ trưởng tổ hòa giải cơ sở, đã tham gia hóa giải nhiều vụ mâu thuẫn trong gia đình, khối xóm, được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Có thể nói, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật thông qua các mô hình cụ thể do các cấp hội phụ nữ triển khai khá rõ nét. Tuy nhiên ở một số nơi, hoạt động của mô hình còn gặp nhiều khó khăn. Theo bà Hà An - Trưởng Ban Chính sách pháp luật Hội LHPN tỉnh, nguyên nhân một phần là do một bộ phận cán bộ hội còn hạn chế về trình độ, năng lực, kỹ năng tuyên truyền, vận động, nhất là cán bộ phụ nữ vùng miền núi cao, vùng giáo. Nguồn lực phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên phụ nữ nói chung và các mô hình cụ thể nói riêng còn khó khăn, nhất là ở những vùng đặc thù. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm, tạo điều kiện cho cho các mô hình hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật của hội phụ nữ các cấp, nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng phong trào. Hiện nay, hội LHPN các cấp triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm bồi dưỡng, gây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt ở cơ sở; đổi mới hoạt động các mô hình câu lạc bộ, các mô hình điểm dưới nhiều hình thức như sân khấu hóa, hái hoa dân chủ, kể chuyện pháp luật, chuyện cảnh giác trên sóng phát thanh xóm, xã… để các văn bản, chính sách pháp luật trở nên dễ nhớ, dễ hiểu. Từ đó, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chị em phụ nữ; thực hiện quyền bình đằng giới.

Bài, ảnh: Khánh Ly