Truyền thông - thảm sát ở Paris và 2.000 sinh mạng ở Nigeria

16/01/2015 10:10

Trong khi cả thế giới dồn sự tập trung vào vụ thảm sát ở Paris, khiến 12 người thiệt mạng thì những vụ tấn công sát hại tới hơn 2.000 người tại Nigeria lại đang bị truyền thông thế giới lãng quên.

TIN LIÊN QUAN

Theo Sputnik, những thông tin liên quan tới vụ tấn công nhằm vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo và một siêu thị ở Pháp từ ngày 7 - 10/1 dường như đã làm lu mờ hoàn toàn vụ thảm sát kinh hoàng tại thành phố Baga ở phía bắc Nigeria, cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người do các tay súng Hồi giáo Boko Haram tiến hành.

Những sinh viên thiệt mạng sau một vụ tấn công trường đại học nông nghiệp tại Gujba, Nigeria do các tay súng Boko Haram tiến hành.
Những sinh viên thiệt mạng sau một vụ tấn công trường đại học nông nghiệp tại Gujba, Nigeria do các tay súng Boko Haram tiến hành.

Boko Haram là một nhóm vũ trang Hồi giáo được thành lập và hoạt động khủng bố tại Nigeria. Mang tư tưởng thù địch phương Tây, phiến quân Boko Haram thường thể hiện sức mạnh thông qua các vụ bắt cóc, giết người và đánh bom trường học hay nhà thờ. Thậm chí, Boko Haram còn muốn thành lập một Nhà nước Hồi giáo tại Nigeria. Sự phát triển một cách phức tạp và ngày càng táo tợn của lực lượng Hồi giáo Boko Haram đã gây tác động tiêu cực đến hệ thống an ninh của Nigeria.

Lãng quên hơn 2.000 sinh mạng

Việc "thiên vị" đăng tải thông tin về các vụ tấn công khủng bố giữa các nước đã làm bùng nổ cuộc tranh luận trong giới truyền thông về "sức nặng" giữa các dòng thông tin.

Yếu tố đầu tiên phải kể tới là hệ thống bao phủ của các phương tiện truyền thông. Trong khi, Paris là thành phố toàn cầu (global city), nơi có tới hàng ngàn phóng viên và máy camera theo dõi liên tục, mọi biến động thông tin có thể dễ dàng truyền tải và cập nhật bất cư lúc nào.

Trái lại, Baga chỉ là một thị trấn xa xôi hẻo lánh ở miền đông bắc Nigeria. Không "thân thiện" như Paris, Baga còn là khu vực bất ổn và nguy hiểm đối với các nhà báo. Bởi các tay súng Hồi giáo Boko Haram đang hoàn toàn tự do hành động và tổ chức tấn công bất cứ lúc nào tại Baga. Trong khi, quân đội Nigeria vẫn đang cố gắng chiến đấu giành lại quyền kiểm soát khu vực này.

Thậm chí, tờ Haaretz tại Israel từng kêu gọi thế giới chia sẻ sự đồng cảm lớn hơn với các nạn nhân trong những vụ tấn công khủng bố tại Nigeria. Tuy nhiên, thực tế, ngay cả chiến dịch "Bring Back Our Girls" (Hãy trả lại con gái cho chúng tôi) được Nigeria phát động, cũng đã thất bại hoàn toàn. Chiến dịch này được phát động sau sự kiện đêm ngày 14/4/2014, hơn 270 nữ sinh tại ngôi trường Chibok thuộc miền Đông Bắc Nigeria đã bị các tay súng Boko Haram bắt cóc.

Chiến dịch
Chiến dịch "Bring Back Our Girls" (Hãy trả lại con gái cho chúng tôi) được phát động tại Nigeria sau khi các tay súng Boko Haram bắt cóc hơn 270 nữ sinh.

Mặc dù nhận được viện trợ quân sự từ Mỹ, chính phủ Nigeria vẫn không thể giải quyết những vấn đề liên quan tới nhóm khủng bố Boko Haram. Một trong những nguyên nhân lý giải cho sự bất lực của chính quyền Nigeria chính là tình trạng tham nhũng và vi phạm nhân quyền trong nước.

Những lời chỉ trích về chính quyền Nigeria từng được tờ Guardian nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bài xã luận. Theo đó, nhiều người dân Nigeria cho rằng chính phủ nước này đã thiếu sự sát sao đăng tải thông tin liên quan tới các vụ thảm sát.

Tờ Sydney Morning Herald còn đưa tin, Tổng thống Nigeria đã gửi lời tiếc thương tới các nạn nhân trong vụ tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris nhưng lại không nhắc gì tới những công dân Nigeria thiệt mạng dưới tay của tổ chức khủng bố Boko Haram.

Động cơ chính trị

Song, cũng không thật công bằng khi đổ lỗi cho chính phủ Nigeria về việc không thể lôi kéo sự quan tâm của thế giới về những vấn đề mà nước này đang vấp phải. Bởi điểm khác biệt giữa việc đưa về vụ thảm sát ở Paris và Nigeria liên quan tới một yếu tố vô cùng quan trọng đó là động cơ chính trị.

Người dân Paris tập trung tuần hành sau vụ thảm sát tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo hôm 7/1.
Người dân Paris tập trung tuần hành sau vụ thảm sát tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo hôm 7/1.

Như hãng tin CNN nhận định việc dồn sự tập trung về vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo và cuộc tuần hành thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc đã giúp Tổng thống Hollande giành lại ưu thế trên chính trường. Bởi trước thời điểm xảy ra vụ tấn công, ông Hollande chỉ nhận được 13% sự ủng hộ của người dân. Ngoài ra, nó còn có tác dụng "hạ bệ" tầm ảnh hưởng của chính trị gia người Pháp Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu "Mặt trận dân tộc" (FN), vốn mang tư tưởng bài ngoại. Bởi đảng FN mới chỉ tập trung vào một quốc gia thống nhất mà quên đi những bất đồng ngay trong nội bộ xã hội Pháp. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến các tay súng cực đoan tổ chức tấn công.

Khác với Pháp, Nigeria lại đang đối mặt với việc làm thế nào đề trấn áp lực lượng khủng bố Hồi giáo Boko Haram. Theo Wall Street Journal, tư tưởng chống Hồi giáo đang hình thành một cách mạnh mẽ dưới thời lãnh đạo của Tổng thống đương nhiệm Goodluck Jonathan bởi ông này là người theo đạo Thiên Chúa.

Tuy nhiên, việc truyền thông thế giới phớt lờ thảm kịch tại Nigeria và mối đe dọa từ lực lượng Boko Haram vẫn là điều đáng lên án. Sau khi chứn kiến sự ủng hộ của thế giới và tinh thần đoàn kết dân tộc tại Pháp sau vụ tấn công khủng bố hôm 7/1, chia sẻ với BBC World Service, Đức Tổng Giám Mục Ignatius Kaigama của Giáo phận Jos tại Nigeria cho rằng "chúng ta cần nhân rộng tư tưởng đoàn kết như trên. Không nên để nó chỉ xuất hiện khi xảy ra một vụ tấn công tại châu Âu còn tại Nigeria, Niger hay Cameroon thì không".

Tác động của mạng xã hội

Vấn đề cuối cùng cần bàn tới trong chuyện "thiên vị" đưa tin của giới truyền thông chính là sự bao phủ của mạng lưới truyền thông xã hội. Theo CNN, chiến dịch mang tên "Je suis Charlie" (Tôi là Charlie) của Pháp đã giúp kết nối toàn bộ người dân trên thế giới và giúp họ dễ dàng theo dõi mọi sự kiện trên điện thoại di động hay máy tính bảng cá nhân.

Trái lại, những thị trấn xa xôi hẻo lánh tại Nigeria lại không thể tiếp cận với mạng lưới internet qua điện thoại di động. Do đó, chiến dịch mang tên "BringBackOurGirls" (Hãy trả lại con gái cho chúng tôi) chỉ biết tới là một chiến dịch gây thất vọng. Bởi những cô gái bị bắt cóc vẫn chưa được giải cứu và hiện đang nằm trong tay của Boko Haram.

Chiến dịch
Chiến dịch "Je Suis Charlie" nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và chính trị gia trên khắp thể giới. Ảnh: AP

Nói tóm lại, những rào cản ngăn phóng viên tiếp cận nguồn thông tin và sự thiếu vắng của mạng lưới truyền thông xã hội đã khiến vụ thảm sát cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người tại Nigeria bị lu mờ hoàn toàn trước vụ tấn công nhằm vào tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris.

Hoạt động đăng tải thông tin rầm rộ liên quan tới vụ tấn công ở Paris đã giúp nước Pháp nói chung nhận được sự ủng hộ và cảm thông sâu sắc từ thế giới, thì chính quyền của Tổng thống Hollande nói riêng cũng đã giành thêm phần lợi thế ủng hộ từ dư luận trong nước so với phe đối lập. Trong khi đó, sự thiếu vắng thông tin liên quan tới tình trạng hỗn loạn và bạo lực tại Nigeria, lại khiến nhiều người cho rằng đây là cuộc chiến phục vụ lợi ích riêng của Tổng thống Nigeria.

Theo Infonet