Người Việt có cần xem bóng đá Việt?

19/01/2015 17:24

Cuộc chiến bản quyền truyền hình do bầu Kiên khi chưa vướng vòng lao lý khởi xướng để giật từ tay của AVG cho thấy việc phát sóng trực tiếp các trận đấu ở V-League có lẽ chỉ kém quan trọng so với phát sóng giải ngoại hạng Anh.

Tầm quan trọng này không hẳn đã được xây dựng từ mức độ hấp dẫn hay tính giải trí. Nó được khẳng định khi giá trị quy đổi mà các đài truyền hình phải chấp nhận để có được quyền truyền trực tiếp các trận đấu là không tưởng nếu so với vài năm trước.

Cụ thể, 15 phút bắt buộc phải phát sóng các chương trình quảng cáo trước, giữa và sau trận đấu cho các nhà bảo trợ tài chính của V-League nếu tính rẻ trên một kênh có lượng người xem chưa cao như VTV6 cũng là hàng trăm triệu đồng. Còn trước kia, VTV nhiều lắm cũng chỉ trả khoảng 30-40 triệu đồng cho quyền tường thuật một trận đấu.

Và hẳn chưa mấy người quên việc VTV trước kia phải chấp nhận mua lại bản quyền V-League từ AVG đã cho thấy VTV không thể không có V-League, dù cho nó là một chương trình sản xuất vừa tốn về nguồn lực mà lại kém hấp dẫn về quảng cáo. Việc chấp nhận gõ cửa AVG lúc đó là không dễ chịu chút nào bởi đối thủ của VTV vừa non trẻ lại vừa là một phần nguyên nhân cho nhiều tên tuổi lớn của VTV ra đi.

Tầng lớp xem bóng đá Việt Nam cả trên truyền hình lẫn trên sân được cho là nhiều tuổi hơn xem bóng đá quốc tế trên truyền hình, và họ có thể không tạo ra các sức ép từ mạng xã hội, nhưng phương cách phản đối của họ dù khá cổ điển (vài cú điện thoại, hay những lá thư tay) lại tạo ra các sức ép trực diện rất lớn.

Và không thể bỏ qua ý nghĩa chính trị bởi nhiều đội bóng ở V-League ngay cả khi đã doanh nghiệp hoá vẫn gánh vai trò phục vụ cộng đồng cho những địa phương mà thể thao đỉnh cao ở đó gần như là con số 0.

Nhưng cũng không cần phải có bằng mọi giá

Nhưng doanh số từ 15-20 tỉ đồng VPF thu được hiện nay từ các nhà bảo trợ và đổi lại, VPF đưa họ vào gói quảng cáo bắt buộc khi phát sóng V-League không phản ánh đúng giá trị.

Không phải là nó mới chỉ bằng khoảng 1/3 so với những gì mà bầu Kiên vẽ ra khi ông giành lại bản quyền từ tay AVG (đã ký tới 20 năm với VFF), mà nó mang hơi hướng của sự đóng góp mang tính trách nhiệm nếu như chúng ta biết rằng HA.GL và ĐT.Long An là những thương hiệu tích cực nhất đều thuộc bầu Đức (Phó chủ tịch VFF, ông chủ CLB HA.GL ) và bầu Thắng (Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF và là chủ CLB ĐT.Long An).

Các chương trình tường thuật V-League nhiều năm qua gần như không có quảng cáo dù cho VTV nhiều năm liền phát sóng trên VTV3.

Đó có thể là lý do tại sao VPF cho rằng tiền bản quyền truyền hình là thứ không (còn) tồn tại dù cho phương thức hàng đổi hàng (đổi trận đấu và thời lượng quảng cáo lấy quyền phát sóng) đang mang về cho họ số tiền khá lớn.

Khi hỗ trợ không phải là bố thí

Nhưng dù có không ít màu sắc hảo tâm thì tiền bản quyền truyền hình nằm trong gói hỗ trợ cũng cần được chia một cách chuyên nghiệp như VPF đã và đang hướng tới.

Việc phân chia lợi nhuận theo thứ hạng của các CLB có thể tạo ra động lực thực sự cho các CLB nếu đến một lúc nào đó nó bù đắp được từ 30% trở lên ngân sách chi tiêu mỗi mùa (như với bóng đá châu Âu).

Và khi đó việc xây dựng một hệ thống điểm đạo đức của các CLB làm căn cứ phân chia khoản hỗ trợ tài chính như hiện nay cũng có thể khiến các CLB phải hướng đến một thứ bóng đá tử tế hơn, bắt đầu từ khâu tổ chức trận đấu cho tới phong cách thi đấu.

Nhưng, đối với một giải đấu mà nhiều CLB còn chưa biết bản quyền truyền hình tồn tại dưới hình thức nào thì hành trình đó không thể ngắn.

VPF sẽ tổ chức sản xuất hình ảnh V-League

Tổng Giám đốc VPF, ông Phạm Ngọc Viễn cho biết tổ chức này đang hướng tới một chuẩn mực của bóng đá thế giới, là sẽ tổ chức sản xuất hình ảnh các trận đấu ở V-league và sau đó bán sóng sạch cho các đài truyền hình. Hiện tại, các giải bóng đá lớn trên thế giới đều hoạt động theo hình thức này, như World Cup, Euro, Ngoại hạng Anh…

Ông Viễn cho rằng chỉ khi đó thì việc mua bán bản quyền truyền hình ở V-League mới được thực hiện theo đúng quy trình của bóng đá chuyên nghiệp. Đây cũng có thể là một cơ hội để chuẩn mực hoá chất lượng hình ảnh của V-league trên các kênh truyền hình. Hiện tại, tất cả các đài đều đang sản xuất theo chuẩn SD (thông thường) trong khi khán giả đã quen xem các trận đấu quốc tế theo chuẩn HD (độ nét cao). Tới đây, VPF có thể có kênh truyền hình riêng, cũng theo ông Viễn.

Theo TTVH