Nói vui nhưng... không phải cho vui?

16/11/2014 07:46

(Baonghean) - Vừa rồi, thông tin kết quả một cuộc "điều tra xã hội" nhỏ về 45 học sinh lớp 12 (lớp chọn) của một thầy giáo ở huyện miền núi tỉnh bạn khiến những ai quan tâm phải suy nghĩ. Kết quả khảo sát cho thấy, 45/45 em đi học bằng xe đạp; trong đó có chỉ 3 em phân biệt được líp và đĩa, 10 em nói được sự khác nhau giữa lốp và... săm. Còn chuyện sửa xe thì không một em nào biết; có 4 em biết bơi, có 15 em biết nấu cơm, 17 em thường xuyên có rửa bát, có 5 em có đọc sách truyện, nhưng phải đọc lén vì cha mẹ cấm.

TIN LIÊN QUAN

Tất nhiên, đây là một cuộc khảo nghiệm rất nhỏ chỉ là "cho vui" ở một địa bàn không điển hình, nhưng tôi dám chắc nếu cuộc khảo sát này được thực hiện trên địa bàn đô thị, thì kết quả còn “thú vị” hơn. Ví như nếu hỏi các em, hạt cơm trong bát bà con nông dân phải trải qua các "công đoạn" nào trên cánh đồng lúa chẳng hạn, dám chắc tỷ lệ cũng tương tự như số em gọi tên các bộ phận của xe đạp vậy. Cũng dám chắc, nếu bảo các em điểm danh về tên ca sỹ, người mẫu đang "hot" trong nước và thế giới thì tỷ lệ trả lời đúng sẽ cao ngất ngưởng cho mà xem...

Tuy không nhất trí về cách làm (phạm vi, số lượng người tham gia) của cuộc "điều tra xã hội" nhỏ nêu trên, nhưng một chuyên gia về PR phát biểu với báo chí rằng, "Các em bây giờ khác, từ sáng đến tối bị vây bủa trong K. pop (nhạc Hàn Quốc), US, UK. pop (nhạc Mỹ/ Anh); phim cũng chỉ phim Hàn, phim Mỹ... Đến lớp các bạn cũng chỉ nói về người nổi tiếng, các câu chuyện mang tính giải trí trên các trang mạng xã hội. Trường học thì thiên về cổ vũ giỏi những môn trong chương trình chính khoá vốn quá nặng về Văn, Toán, lý thuyết mà sao nhãng các môn phát triển trọn vẹn con người. Khoa học tự nhiên lấn lướt khoa học xã hội". Biết là so sánh thì khập khiễng, nhưng học sinh vào thời điểm cách đây vài ba mươi năm về trước thiếu đủ thứ, nhất là sách, báo lại làm gì có internet, nhưng kiến thức thực tế thì rất phong phú, đa dạng. Rời khỏi nhà tới môi trường mới là tự bươn chải, sống được.

Một thực tế khác mà hầu như ai cũng biết, trẻ em bây giờ bị nhồi nhét vào đầu đủ thứ kiến thức có trong sách giáo khoa và sách tham khảo. Hiện tượng học sinh tiểu học oằn vai một ba lô sách, vở cứ ám ảnh nhiều bậc phụ huynh, nhưng không làm thế không được. Học ở nhà chưa đủ, phụ huynh lại đua nhau cho con em học thêm... Chính nhà trường, phụ huynh đang vô tình biến các em trở nên giống như rô-bốt, đó là chưa nói đến tính ích kỷ, quen được phục vụ và hưởng thụ. Hiện tượng có nhiều em học rất giỏi, nhưng khi đến một môi trường xa lạ thì lơ ngơ "như trâu đội nón". Dù là một cuộc khảo sát "cho vui" như có người nói, nhưng đã cảnh báo một thực tế, nhiều học sinh bây giờ có nhiều điều kiện thuận lợi trong học tập và giải trí, nhưng các em rất thiếu kỹ năng sống, kỹ năng chủ động ứng phó với những tình huống xảy ra trong cuộc sống.

Lỗi đó chắc không phải do các em gây ra?

Việt Long