Bộ, ngành, địa phương nào cũng đòi tăng biên chế 9 – 11%
Mặc dù đã có chủ trương tinh giản biên chế, song trên thực tế Bộ, ngành nào cũng đề nghị được tăng biên chế từ 9 – 11% hàng năm.
Từ nay đến năm 2016 sẽ không tăng tổng biên chế. Ảnh minh họa |
Đó là nội dung nằm trong báo cáo Bộ Nội vụ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Bộ Nội vụ cho biết, kế hoạch biên chế công chức hàng năm của các bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Nội vụ luôn đề nghị tăng từ 9-11% so với số biên chế công chức giao của năm trước.
Khi thẩm định, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tổng biên chế công chức năm 2012 và năm 2013, Bộ Nội vụ đã đề nghị giữ ổn định tổng biên chế công chức đã giao trong năm trước. Từ tháng 8/2011 đến tháng 11/2013, biên chế công chức không tăng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các Bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 30/6/2014, một số địa phương vẫn có tình trạng sử dụng vượt chỉ tiêu biên chế công chức được giao. Việc Hội đồng nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt cao hơn số biên chế cán bộ, công chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao là chưa đúng với quy định tại Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ngày 10/10/2014, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài của năm 2015 là 281.714 biên chế. Số biên chế này bằng đúng số biên chế công chức đã được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2014.
Về quản lý biên chế, Bộ Nội vụ cho biết, từ nay đến năm 2016 về cơ bản giữ nguyên, không tăng tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời rà soát, sắp xếp lại biên chế công chức, biên chế sự nghiệp hiện có theo vị trí việc làm và có phương án xử lý cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi sắp xếp lại theo quy định.
Theo Infonet