Những "Cây cao bóng cả": "Kho báu" bản làng
(Baonghean) - Khi vùng cao đang vào mùa rẫy, khắp nơi náo nức với lễ mừng cơm mới, chúng tôi tìm về bản Chắn, xã Thạch Giám (Tương Dương) để nghe tiếng khèn hòa cùng điệu nhuôn, điệu xuối. Bản Chắn là một trong những điểm còn lưu giữ được nhiều nét đẹp cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái, từ không gian đến nếp sinh hoạt thường ngày. Có được điều này, trước tiên phải kể đến vai trò của các bậc cao niên trong bản, những người đang lưu giữ “kho báu” của cả cộng đồng...
Ngôi nhà của ông Vi Hải Phòng nằm cuối bản Chắn, phía trước là dòng sông Lam uốn lượn, sau là điệp trùng dãy núi, phong cảnh rất đỗi thơ mộng và hữu tình. Năm nay bước sang tuổi 63, ông Phòng vẫn tích cực tham gia phong trào văn hóa - văn nghệ của bản, của xã. Ông được đánh giá là một nhạc công kỳ cựu, sử dụng thuần thục các loại nhạc cụ truyền thống như khèn bè và các loại pí. Ngoài ra, ông có thể tham gia với vai trò biên đạo hoặc sáng tác lời mới dựa trên những làn điệu dân ca cổ truyền. Vì sao ở nơi bản làng xa xôi này lại, có một người đa tài và tâm huyết đến thế? Tìm hiểu, chúng tôi mới vỡ lẽ, ông Vi Hải Phòng từng là cán bộ thuộc Đội Thông tin - tuyên truyền của tỉnh.
Vì hoàn cảnh gia đình, ông không có cơ hội theo đuổi đến cùng. Về với bản làng, ông không gác bỏ các loại nhạc cụ, tiếng khèn, tiếng pí vẫn được ông tấu lên mỗi khi bản có việc vui hay bước vào mùa hội. Các chương trình giao lưu, biểu diễn của bản ông Phòng đều tham gia tích cực, ông chính là “linh hồn” của phong trào văn hóa - văn nghệ bản Chắn. Hiện tại, ông Phòng là chi hội trưởng người cao tuổi của bản. Với vai trò này, ông luôn động viên, khuyến khích các hội viên tham gia, đặc biệt là phong trào văn nghệ, truyền dạy cho thế hệ trẻ, góp phần vào việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ông gương mẫu đi đầu, luôn vận động và truyền dạy cho thế hệ thanh niên học cách thổi pí, thổi khèn. Và ông đã truyền ngọn lửa đam mê dân ca, dân nhạc cho con gái út Vi Thị Soa. Được tiếp lửa từ người bố, Soa có giọng hát mượt mà, nhất là khi thể hiện điệu nhuôn, điệu xuối.
Cụ Mạc Văn Nguyễn ở bản Chắn (xã Thạch Giám - Tương Dương), bên bộ cồng chiêng cổ của mình. |
Rời nhà ông Phòng, chúng tôi sang nhà vợ chồng ông Vi Văn Vắn và bà Vi Thị Phúc. Ông bà đều đã xấp xỉ độ tuổi 80, sống trong căn nhà nhỏ giữa bản. Ông Vắn đang tỷ mẩn với công việc đan lát, dường như đó là công việc thường ngày, ở đó ông tìm được niềm vui tuổi già. Cái tai đã khá “nặng” nên ông rất ngại chuyện trò với khách, dành việc đó cho vợ để tiếp tục miệt mài với từng chiếc nan. Bà Vi Thị Phúc còn nhớ và thuộc rất nhiều làn điệu dân ca Thái, có thể ngồi suốt ngày để hát lời cổ mà không thấy chán. Những lời ca ấy bà Phúc thuộc từ thuở lên 10, được bà và mẹ nắn cho từng câu, từng chữ, rồi tham gia thi hát mỗi khi có hội hè. Câu hát khắp - lăm - nhuôn - xuối đã theo bà gần trọn cuộc đời, giúp gửi gắm và chia sẻ bao niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.
Giờ đây, nhận thấy lớp trẻ không mấy mặn mà với những làn điệu dân ca cổ truyền, bà Phúc không tránh khỏi nỗi lo lắng. Bởi lẽ, dân ca là bầu sữa tinh thần nuôi con người khôn lớn, là sợi dây giúp ta gắn kết với nguồn cội, với tổ tiên. Mất đi những câu ca cổ truyền nghĩa là đánh mất một giá trị rất đỗi thiêng liêng của cha ông truyền lại. Nghĩ vậy, bà phải ra sức truyền dạy cho con cháu của mình, đặc biệt là mấy cô gái sinh sống cùng bản, trong đó có chị Vi Thị Nga. Chị Nga là cán bộ chi hội phụ nữ, phụ trách CLB Dân ca - dân vũ bản Chắn thành lập cách đây vài tuần. Được kế thừa giọng hát của mẹ, chị sớm tham gia các hoạt động văn nghệ và trở thành nòng cốt của Đội Văn nghệ bản Chắn.
Bên cạnh việc lưu giữ và sưu tầm lời cổ, bà Vi Thị Phúc còn viết lời mới dựa trên những làn điệu cổ để trẻ con dễ nhớ, dễ thuộc. Theo bà, đó cũng là một cách để bảo tồn vốn dân ca, lớp trẻ sẽ có điều kiện học hỏi từ dễ đến khó, nếu ai say mê sẽ theo đuổi đến cùng. Vì thế, mỗi khi gia đình, bản làng, quê hương có sự kiện nổi bật, bà Phúc lại cặm cụi sáng tác những bài hát để tuyên truyền. Chẳng hạn, vào dịp thanh niên lên đường nhập ngũ, bà sáng tác bài “Tiễn anh lên đường”, vào năm học mới sáng tác bài “Ơn thầy, ơn cô”...
Ở vùng cao, tiếng cồng, tiếng chiêng được xem là “linh hồn” của bản làng, là âm thanh giao hòa giữa thế giới thực tại và thế giới tâm linh. Cho nên, vào những dịp hội hè, cưới hỏi, mừng nhà mới, cúng tế, ma chay, tiếng cồng, tiếng chiêng không thể thiếu. Gần đây, xẩy ra tình trạng một số người miền xuôi lên vùng cao “săn” mua những bộ cồng chiêng cổ. Một số người hoặc do nhận thức chưa đầy đủ, hoặc do túng thiếu đã bán đi vốn quý được truyền lại từ bao đời. Ở bản Chắn, có người đang giữ bộ cồng chiêng cổ, mấy người tìm đến nhà trả giá hàng chục triệu đồng nhưng nhất quyết không bán. Đó là cụ Mạc Văn Nguyễn (85 tuổi), một trong những người cao tuổi nhất bản.
Cụ Nguyễn không nhớ bộ cồng chiêng ấy có từ khi nào, chỉ biết nó rất quý, vì âm thanh chuẩn và vang xa. Bộ cồng chiêng gồm 4 chiếc có kích thước khác nhau, được cụ Nguyễn cẩn thận treo trên xà nhà, phải nhờ con cháu đưa xuống để khách xem. Nhìn cách cụ nâng niu, cẩn thận sắp đặt từng chiếc một, là báu vật của gia đình và làng bản. Vào những ngày lễ tết, cụ Nguyễn thường treo bộ cồng chiêng lên giàn và đặt giữa sân, đánh lên mấy hồi, lập tức bà con dân bản cùng tìm đến hòa chung trong những điệu dân vũ rộn ràng. Mỗi khi đội văn nghệ của bản, của xã và của huyện giao lưu biểu diễn thường đến mượn bộ cồng chiêng này làm nhạc cụ. Cụ Mạc Văn Nguyễn rất đỗi tự hào vì có công góp phần lưu giữ một nét đẹp bản sắc của bản làng, quê hương.
Xã Thạch Giám nằm sát với Thị trấn Hòa Bình nên việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thường xuyên được quan tâm và đạt những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, người cao tuổi giữ vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định. Cùng với bản Chắn, bản Mác cũng vừa thành lập CLB Dân ca - dân vũ nhằm mục đích lưu giữ những nét bản sắc âm nhạc dân tộc Thái, tránh nguy cơ mai một theo thời gian. Bà Lương Thị Lan, chủ nhiệm CLB cho hay, ban chủ nhiệm xác định sự thành bại trong quá trình hoạt động phụ thuộc vào mức độ nhiệt tình, tâm huyết của những người cao tuổi, bởi chính họ đang nắm giữ “kho báu” về âm nhạc dân tộc.
Dịp này, chúng tôi cũng ghé thăm bản Phòng, nơi có CLB Dân ca - dân vũ hoạt động hiệu quả từ khoảng chục năm nay. Sắp đến ngày Đại đoàn kết toàn dân, đội văn nghệ của chi hội người cao tuổi đang tích cực tập luyện để tham gia buổi giao lưu sắp tới. Tuổi đã cao nhưng mọi người vẫn hăng say với từng câu hát, điệu múa, dường như với họ niềm say mê những làn điệu dân ca, dân vũ không có giới hạn về tuổi tác. Trò chuyện với bà La Thị Phương, chi hội trưởng, chúng tôi được biết CLB bản Phòng ra đời trên cơ sở đội văn nghệ của chi hội người cao tuổi, giờ đã lớn mạnh, số lượng đông, thành viên thuộc nhiều lứa tuổi nhưng vẫn không thể thiếu vắng vai trò của các bậc cao niên...
Không chỉ ở Thạch Giám, khắp các bản làng miền núi - vùng cao, người cao tuổi đang giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, đặc biệt là vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc âm nhạc dân tộc. Có thể kể thêm ông Lầu Chống Dì, ông Vừ Lầu Phổng, bà Moong Thị Lợi (Kỳ Sơn), bà Vi Thị Tân, ông Vi Trung Đoàn, ông Lô Hữu Toàn (Con Cuông)... Họ là những người đang nắm giữ “kho báu” âm nhạc của dân tộc mình, lưu giữ những nét tinh túy về đời sống tâm hồn, tình cảm của cả một cộng đồng!
Bài, ảnh: Tường Anh