Phụ thuộc vào lương tâm, trách nhiệm của các bậc cha mẹ

01/10/2014 09:07

(Baonghean) - Hy vọng về một kết quả tốt từ buổi đối thoại giữa chính quyền huyện Đô Lương và người dân làng Văn Hà (xã Quang Sơn, huyện Đô Lương) cuối cùng cũng bất thành, khi phụ huynh trong làng vẫn một mực đòi mở lại điểm trường lẻ và phủ nhận mọi sự nỗ lực của địa phương trong việc tạo điều kiện cho con em họ tới trường…

Một số người dân làng Văn Hà tại cuộc đối thoại chiều 30/9.
Một số người dân làng Văn Hà tại cuộc đối thoại chiều 30/9.

TIN LIÊN QUAN

Trường Tiểu học Quang Sơn là điểm tổ chức đối thoại giữa chính quyền với một số phụ huynh của làng Văn Hà chiều 30/9 nhằm mục đích tháo gỡ vướng mắc để 49 học sinh còn nghỉ học được sớm đến trường. Buổi đối thoại theo kế hoạch bắt đầu từ 2 giờ chiều, thế nhưng lãnh đạo huyện Đô Lương, xã Quang Sơn và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phải chờ đến gần 4 giờ chiều mới chính thức được triển khai, bởi những phụ huynh này không chịu vào hội trường mà đứng ngoài la ó phản đối, đòi phải tổ chức đối thoại ngay giữa sân trường. Họ còn tuyên bố “nếu vào đó mà tiếp tục nghe đến từ “vận động” thì tất cả sẽ ra về” cùng nhiều lời lẽ xúc phạm, thiếu tôn trọng những thành viên tham gia buổi đối thoại...

Đây đã là buổi đối thoại thứ 6 giữa chính quyền huyện Đô Lương và một số người dân làng Văn Hà trong khoảng hơn một năm trở lại đây. Thế nhưng để tìm một tiếng nói chung vẫn thực sự rất khó, đặc biệt trong hoàn cảnh một số người vẫn một mực đưa ra yêu sách duy nhất là phải mở điểm trường lẻ. Mọi ý kiến, lời giải thích về nguyên nhân vì sao phải sáp nhập trường, về quy trình sáp nhập hay thậm chí là những cố gắng của trường, của chính quyền địa phương để tạo điều kiện tốt nhất cho con em làng Văn Hà đến trường vẫn bị các phụ huynh nói trên một mực phản đối vẫn với lý do là không có thời gian, không có điều kiện kinh tế để đưa con đi học ở điểm trường chính. Cũng đã có nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng, như ông Nguyễn Hàm Dương: “Một năm qua rồi, con cháu không đi học chúng tôi đau lòng lắm chứ!”. Phụ huynh em Nguyễn Hàm Đại cho biết: Con em thất học sẽ là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Có phụ huynh thừa nhận: các cháu không đi học, chiều chiều chỉ biết đi bắt chuồn chuồn, bắt ốc bươu vàng… Vậy nhưng, khi nói đến việc sáp nhập trường để con em có điều kiện học tập trong môi trường tốt hơn, thì họ lại so đo việc đưa đón con đi học là một gánh nặng quá lớn mà vì kinh tế, vì không có tiền đổ xăng nên không thể thực hiện được.

Thực tế, thời gian qua, chính quyền các cấp và ngành Giáo dục huyện Đô Lương đã cố gắng hết sức để tạo điều kiện cho học sinh làng Văn Hà học tập ở điểm trường chính. Con đường từ làng đến điểm trường chính đã được nâng cấp, đầm phẳng và rải đá dăm. Trường Tiểu học Quang Sơn vẫn duy trì các lớp dạy phụ đạo riêng cho con em làng Văn Hà đi học dù một lớp chỉ 4 - 5 em. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền, nhà trường cũng đã mua sắm xoong nồi, bát đũa, bố trí bếp ăn và hợp đồng người phục vụ bán trú cho các cháu. Để việc tổ chức bán trú cho các cháu tốt hơn, các cô giáo trong trường đã tranh thủ tận dụng những khoảng đất trống trồng rau xanh để các trò có rau sạch ăn… Thế nhưng những nỗ lực, tình cảm đó vẫn không được một số phụ huynh và người dân làng Văn Hà ghi nhận. Điều này một lần nữa thể hiện rõ tại cuộc đối thoại diễn ra vào chiều 30/9. Từ đầu đến cuối, họ vẫn khăng khăng đòi cấp uỷ, chính quyền và ngành Giáo dục phải “mở điểm trường lẻ cho con em chúng tôi học”. Cứ thế, lý do họ đưa ra vẫn không có gì mới và đầy mâu thuẫn. Chẳng hạn như tại các cuộc đối thoại trước đây họ cho rằng trường không có bán trú, các cháu còn nhỏ mà đường xa, đường xấu, sức khoẻ yếu không tự đi học được, bố mẹ bận làm ăn không có thời gian đưa đón… Nay đường đã được nâng cấp, trường mở bán trú thì họ vẫn kịch liệt phản đối. Một số người tính toán chi li rằng “300 nghìn đồng xăng xe cộng với tiền bán trú thì lấy đâu?”, ấy thế nhưng lại lớn tiếng tuyên bố “chúng tôi sẵn sàng hợp đồng thuê giáo viên về dạy tại điểm trường lẻ”…

Theo một số phụ huynh thì tạo điều kiện cho con em Văn Hà đến trường có nghĩa là cấp uỷ, chính quyền phải chấp nhận yêu cầu mở điểm trường lẻ và phân công 3 giáo viên về dạy. Họ còn tự cho mình quyền đưa ra những yêu sách, đòi hỏi hết sức vô lý, trái với Hiến pháp và quy định của pháp luật trong việc phân cấp quản lý nhà nước như đòi UBND tỉnh phải có quyết định riêng về làng Văn Hà… Do vậy, cuộc đối thoại đã không có kết quả và nguy cơ thất học của 49 trẻ em làng Văn Hà vẫn hiện hữu.

Giáo viên Trường TH Quang Sơn phụ đạo cho những học sinh khối lớp 1.
Giáo viên Trường TH Quang Sơn phụ đạo cho những học sinh khối lớp 1.

Điều này có thể thấy, một số phụ huynh làng Văn Hà đã không vì lợi ích con em mình, cũng chẳng vì cái chung mà chỉ vì sự cay cú ăn thua, bảo thủ, cố chấp của chính bản thân mình. Đồng thời những lý do mà họ đưa ra từ trước đến nay để ngăn cản con em đến trường chỉ là cái cớ để họ gây sức ép với chính quyền. Trường đã có, đường đã sửa, bếp ăn bán trú đã triển khai… mà các bậc cha mẹ vẫn không chịu đưa con tới trường thì không ai khác chính họ phải chịu trách nhiệm về tương lai con em mình. Nếu thực sự lo lắng cho tương lai của con, các bậc phụ huynh làng Văn Hà có mặt tại cuộc đối thoại phải xác định mình không thể đi ngược lại với xu thế chung, phải đồng thuận với chủ trương để sớm đưa con đến trường. Vì thực tế chẳng nói đâu xa, ngay trong cụm làng Văn Hà, đã có những phụ huynh vượt lên hoàn cảnh của bản thân để đưa con tới trường như trường hợp chị Nguyễn Thị Quý, nuôi con một mình, là hộ nghèo nhưng hàng ngày vẫn đạp xe đưa con trai là Nguyễn Lâm Huy tới điểm trường chính để học cho bằng bạn, bằng bè…

Ai cũng biết rằng quyền lợi và nghĩa vụ luôn song hành với nhau, nhưng qua buổi đối thoại chiều 30/9 tại Trường Tiểu học Quang Sơn, có thể thấy rằng, một số người dân và phụ huynh làng Văn Hà chỉ biết đòi quyền lợi nhằm thoả mãn sự cố chấp và những tính toán ngược đời của bản thân mà quên đi nghĩa vụ, trách nhiệm của các bậc làm cha, làm mẹ trong việc đảm bảo quyền học tập của con cái. Cao hơn là nghĩa vụ của công dân phải chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của chính quyền địa phương. Có thể khẳng định một lần nữa là, đến thời điểm này, mọi điều kiện để học sinh làng Văn Hà đến trường đã sẵn sàng, nhưng việc các em có được đi học trở lại hay không phụ thuộc hoàn toàn vào lương tâm, trách nhiệm của các bậc làm cha, làm mẹ. Chính họ sẽ phải chịu trách nhiệm về tương lai của con em mình và sẽ không có ai, hay chính quyền địa phương nào bị ảnh hưởng bởi việc con em họ không đi học như nhận thức ấu trĩ của họ.

Nhóm phóng viên