Màn dạo đầu than lỗ khủng để tăng giá điện của EVN?
Tổng giám đốc EVN vừa buồn lòng thông báo tập đoàn đang gánh lỗ khủng tới 16.800 tỷ đồng, ngay sau thời điểm vừa xin điều chỉnh giá bán điện.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Buồn lòng vì lỗ khủng
Tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 diễn ra sáng 13/1, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra con số này.
Bóc tách số liệu cụ thể ông Thanh cho hay, với khoản lỗ sản xuất kinh doanh do hạn hán giai đoạn 2009 -2010 khoảng 12.000 tỷ đồng đã được EVN xử lý xong thì đến nay vẫn còn khoảng 8.800 tỷ đồng lỗ từ chênh lệch tỷ giá vẫn chưa được cân đối.
EVN than lỗ khủng sau đề xuất điều chỉnh giá điện |
Cộng với khoảng 8.000 tỷ đồng lỗ mới phát sinh từ giá than tăng, thuế tài nguyên nước tăng từ 2 lên 4%, phí môi trường rừng, chi phí lưới điện nông thôn…. nên tổng cộng khoản lỗ tính tới hiện tại của “ông lớn” ngành điện là 16.800 tỷ đồng.
“Khoản lỗ này hiện EVN chưa thể cân đối được, là thách thức rất lớn của tập đoàn trong năm 2015” – báo chí dẫn lời ông Thanh.
Ông này cũng cho hay, trong lúc chờ Chính phủ, Bộ Công thương còn đang cân nhắc phương án điều chỉnh giá điện mà EVN đã trình lên cho phù hợp, thì EVN buộc phải tiếp tục tối ưu hóa chi phí để nâng cao năng suất.
Xin tăng giá và chuyện bình thường khi mua điện Trung Quốc
Trước đó, tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2013 vào ngày 30/12/2014 do Bộ Công thương và EVN tổ chức, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết, trong năm 2014 dù không tăng giá điện nhưng một loạt chi phí vẫn đang “treo” ở đó.
Cụ thể, theo tính toán sơ bộ của EVN, mặc dù do cơ cấu sản lượng thuỷ điện tăng đã khiến EVN giảm được khoảng 2.055 tỷ đồng chi phí.
Nhưng đổi lại phải tăng thêm 2.100 tỷ do điều chỉnh giá than, do giá khí trên bao tiêu là 1.114 tỷ, do biến động tỷ giá là 128 tỷ, thuế tài nguyên nước thêm 1.504 tỷ, chi phí lưới điện nông thôn trên 1.000 tỷ…Tổng cộng lại khoảng 15.000 tỷ đồng.
Với thực tế đó, EVN sẽ có hai lựa chọn, hoặc đề xuất tăng giá điện, hoặc kiến nghị Chính phủ một số cơ chế.
Tuy nhiên, theo ông Tri, EVN sẽ kiến nghị Chính phủ cho áp dụng một số cơ chế, thay vì đề xuất tăng giá điện ngay.
Cụ thể, đối với khoản 8.800 tỷ lỗ do chênh lệch tỷ giá, theo quy định của Chính phủ thì khoản này phải phân bổ xong vào năm 2015, nhưng EVN sẽ xin cho hoãn tiếp một thời gian vì đây chỉ là chế độ kế toán.
Cùng với đó, một số chi phí thanh toán cho Petro Vietnam do giá khí tăng cũng xin chậm lại.
Ngoài ra, EVN cũng có được một chút "vốn dắt lưng" đó là khoản hơn 2.055 tỷ chi phí giảm được do cơ cấu sản lượng.
“Đến thời điểm này chúng tôi nhìn được một số chi phí như trên. Do đó, dựa vào những số liệu thực tế trên, liên Bộ sẽ quyết định tăng hay không trong năm 2015”, ông Tri cho hay.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cho biết Việt Nam bắt đầu ký hợp đồng mua điện của Trung Quốc từ năm 2004 qua đường dây 110 KV và 220 KV.
Lý giải điều này, ông Tuấn cho rằng những năm trước, các nguồn điện của Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, chưa đưa vào vận hành; đồng thời có những thời kỳ rất khô hạn như năm 2008 và 2010.
Trong khi đó, giá điện nhập từ Trung Quốc cao hơn một số nhà máy thủy điện nhưng lại thấp hơn nhiều nhà máy nhiệt điện than và tua-bin khí. Bởi vậy, trong những năm hạn hán, nguồn nhập từ Trung Quốc là rất quý vì không có nguồn này thì chắc chắn EVN phải tiết giảm điện với quy mô tương đối lớn.
Ông Tuấn cũng cho biết năm 2014, nhập 2,29 tỉ KWh điện từ Trung Quốc và dự kiến năm 2015 chỉ còn nhập 1,8 tỉ KWh, hết năm 2015 sẽ hết hạn hợp đồng nhập khẩu điện Trung Quốc hiện nay.
Ông Tri cho rằng mua điện của các nước chung biên giới là “bình thường” nhằm tăng dự phòng trường hợp hệ thống điện gặp sự cố, nguồn điện không bảo đảm do nước về ít hoặc tăng trưởng phụ tải quá nhanh trong một số năm mà các nguồn điện mới xây chưa kịp đưa vào vận hành.
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam cũng tham gia chương trình liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước tiểu vùng sông Mekong.
“Kết nối lưới điện các nước làm cho dự phòng hệ thống điện có độ tin cậy cao hơn, chi phí đầu tư giảm, công suất khả dụng tăng, giảm sức ép đầu tư. Lưới điện miền Bắc tuy đáp ứng đủ điện nhưng một số khu vực điện áp thấp vẫn phải dùng điện Trung Quốc vì dẫn về Việt Nam gần hơn, điện áp ổn định hơn” - ông Tri nói trên báo Người lao động và cho biết chủ trương khi đã kết nối lưới rồi thì duy trì.
Theo Đất Việt