Sửa đổi Luật Báo chí, siết quản lý hoạt động thông tin điện tử
Những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo đảm quyền tự do thông tin, quyền tự do ngôn luận, sử dụng thành quả của công nghệ thông tin, mạng Internet vào đời sống xã hội.
Đặc biệt, để giúp cho các cơ quan báo chí hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ và mục đích, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Nghị định này quy định chi tiết việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được lập và điều hành các trang thông tin điện tử.
Thực tế thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã hoạt động tích cực, góp phần đưa tiếng nói của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước; đưa quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đến với cộng đồng, giúp người đân hiểu rõ các vấn đề xảy ra trong nước và quốc tế.
Riêng trong năm 2014, báo chí đạt nhiều thành tựu, trong đó nổi bật là tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Báo chí đã góp phần quan trọng khơi dậy tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân. Nhà báo thể hiện rõ vai trò công dân, tinh thần yêu nước, xông pha làm nhiệm vụ ở những nơi hiểm nguy nhất, kịp thời đưa thông tin nóng hổi, chính xác về chủ quyền lãnh thổ đến với người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trong hoạt động báo chí vẫn còn không ít những ''hạt sạn'' như tình trạng giật gân, câu khách, thông tin sai sự thật… tràn lan trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
Lý giải điều này, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Hà Minh Huệ cho rằng, đó là do ý thức tuân thủ pháp luật yếu kém của các nhà quản lý trang web, họ không chỉ đạo, theo dõi, giám sát những người điều hành trang web của họ. Tất cả các vi phạm đó thể hiện ý thức trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng pháp luật còn kém.
Một nguyên do nữa là các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí chưa thật nghiêm khắc, chưa phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.
Thời gian gần đây, việc quản lý hoạt động báo chí được xiết chặt, việc xử lý vi phạm của các cơ quan báo chí, nhất là các trang mạng, trang thông tin điện tử được tăng cường và thực hiện công khai.
Điển hình, trong năm 2014, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền Thông, Cục Báo chí, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ban hành 68 quyết định xử phạt trong lĩnh vực báo chí, 31 quyết định xử phạt trong lĩnh vực thông tin điện tử, 9 quyết định xử phạt trong lĩnh vực xuất bản.
Thống kê sơ bộ cho thấy số vụ vi phạm bị xử lý trong năm 2014 cao gấp đôi so với năm 2013. Bộ Thông tin và Truyền thông đã áp dụng hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép đối với 3 trang tin điện tử, tịch thu giấy phép của một mạng xã hội, tịch thu 7 tên miền...
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ra quyết định thu hồi 79 thẻ nhà báo, trong đó có 4 nhà báo bị thu hồi thẻ vì bị cơ quan chủ quản xử lý vi phạm bị kỷ luật.
Trong số những tờ báo bị phạt nặng phải kể đến gồm báo điện tử Tri thức trẻ bị phạt tiền 207 triệu đồng và đình chỉ tạm thời hoạt động 3 tháng kể từ ngày 12/8/2014 do đăng bài viết ''Gái miền Tây và 3 chữ 'N' nổi danh thiên hạ'' có nội dung vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về báo chí; ấn phẩm Dòng Đời của Báo Nông thôn Ngày nay bị thu hồi giấy phép xuất bản vì có nhiều nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích, vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí trong thời gian dài...
Một số cơ quan báo chí lớn cũng bị xử phạt nhiều lần, mức phạt tiền khá cao như Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh bị phạt 35 triệu đồng vì phát sóng bài hát ''Khúc hát ân tình'' chưa được cơ quan quản lý cấp phép lưu hàn; Truyền hình Công an nhân dân (ANTV) bị phạt 15 triệu đồng vì phát sóng chương trình có hình ảnh không phù hợp với nội dung trong chương trình Thời sự an ninh ngày 1/12/2014…
Để tiếp tục điều chỉnh hoạt động thông tin điện tử, thông tin trên mạng xã hội tại Việt Nam theo hướng tích cực, hiệu quả, ngày 19/8/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 09/2014/TT-BTTTT quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội.
Điểm mới và cũng là điểm được dư luận quan tâm nhất của văn bản này là trang tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội phải có cơ chế loại bỏ nội dung vi phạm.
Cùng với việc ban hành Thông tư 09, ngày 6/11/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản số 3224/BTTTT-PTTH&TTĐT yêu cầu các Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm tra, rà soát và thống kê hoạt động thông tin điện tử trên mạng.
Thực hiện văn bản đó, các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã phối hợp với Công an cấp tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết theo thẩm quyền đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động thông tin điện tử trên mạng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Ảnh: BNA |
Bước sang năm 2015, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có những bước đi cụ thể hơn. Đó là sửa đổi Luật Báo chí phù hợp với thực tiễn, xây dựng lại Bộ quy tắc ứng xử đạo đức nhà báo, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ; có quy hoạch và hành lang pháp lý báo chí sẽ phát triển theo trật tự.
Đặc biệt, Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 cũng rất chú trọng mảng báo điện tử. Nhà nước sẽ không còn cơ chế bao cấp nên một số cơ quan báo chí phải chuẩn bị để bắt kịp xu hướng mới của thời đại.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng khuyến cáo, để tránh những sai phạm có thể xảy ra, trước hết các báo, đài khi hoạt động, bên cạnh thực hiện đúng tôn chỉ mục đích cần chú ý thực hiện nghiêm Luật Báo chí, đặc biệt là điều 10 và Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Theo Vietnam+