Bạo động bùng phát tại Mỹ sau phán quyết về vụ Ferguson
Ngày 24/11, một bồi thẩm đoàn tại hạt St. Louis thuộc bang Missouri (Mỹ) đã tuyên vô tội đối với viên cảnh sát da trắng Darren Wilson, người đã bắn chết thanh niên da màu Michael Brown cách đây ba tháng tại thành phố Ferguson.
TIN LIÊN QUAN
Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc người biểu tình trên đường phố ở thị trấn Ferguson thuộc bang Missouri, miền Trung Tây nước Mỹ bình tĩnh và chấm dứt các hành động bạo lực. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trong một thông cáo báo chí, công tố viên hạt St. Louis Bob McCulloch cho biết bồi thẩm đoàn đã ra phán quyết khẳng định cảnh sát Wilson vô tội sau khi xem xét và cân nhắc các bằng chứng xung quanh cái chết của thanh niên Brown hồi tháng Tám vừa qua.
Với quyết định này, cảnh sát Wilson sẽ không phải đối mặt với bất cứ tội danh nào liên quan đến vụ án mạng gây tranh cãi trên.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện một cuộc điều tra về khả năng viên cảnh sát này vi phạm quyền dân sự.
Gia đình nạn nhân Brown ngay lập tức đã bày tỏ sự thất vọng "hoàn toàn" trước quyết định cuối cùng của bồi thẩm đoàn, song kêu gọi người dân không nên có hành động bạo lực.
Trong khi đó, hàng trăm người dân tụ tập bên ngoài Văn phòng cảnh sát Ferguson đã phản đối phán quyết trên và giận dữ ném chai lọ nhằm vào các cảnh sát bảo vệ bên ngoài tòa nhà.
Một số khác tổ chức biểu tình trước trụ sở tòa án nơi bồi thẩm đoàn nhóm họp, cáo buộc phán quyết trên đã thiên vị cho viên cảnh sát. Lực lượng cảnh sát đã buộc phải sử dụng hơi cay để trấn áp một số người biểu tình quá khích.
Tại một số thành phố lớn khác của Mỹ như New York và Chicago, người dân cũng tổ chức các cuộc biểu tình hòa bình để phản đối việc cảnh sát Wilson được tuyên vô tội.
Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 24/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi người dân "bình tĩnh" và "kiềm chế" trước quyết định của bồi thẩm đoàn.
Mặc dù bày tỏ sự thông cảm với tâm trạng bất bình của một số người dân, song ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh công chúng cần chấp nhận phán quyết trên và tập trung xây dựng mối quan hệ giữa cảnh sát và người dân thay vì tổ chức biểu tình bạo lực, đe dọa sự an toàn của cộng đồng.
Một chiếc xe cảnh sát bị đốt cháy trên đường phố Ferguson đêm 24/11 (Nguồn: AP) |
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình ABC hồi cuối tuần trước, Tổng thống Obama cũng đã kêu gọi người dân Ferguson biểu tình hòa bình và không sử dụng bạo lực bởi điều này là trái pháp luật, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết những vấn đề quan hệ sắc tộc ở cấp độ quốc gia.
Trước đó, Thống đốc bang Missouri Jay Nixon hôm 17/11 đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn bang, đồng thời ra lệnh triển khai lực lượng Vệ binh quốc gia của bang nhằm ứng phó với các hành động bạo lực.
Giải thích cho sắc lệnh hành chính này, Thống đốc Jay Nixon một mặt cho rằng người dân có quyền biểu tình một cách hòa bình, nhưng các công dân và các doanh nghiệp cũng phải được bảo đảm an toàn trước các hành động đốt phá như từng xảy ra hồi tháng Tám.
Vụ án mạng tại Ferguson xảy ra hôm 9/8 vừa qua đã làm bùng phát làn sóng biểu tình không chỉ ở thành phố với 21.000 dân chủ yếu là người da màu này mà còn tại nhiều thành phố khác của nước Mỹ, phản đối tình trạng cảnh sát da trắng thường có những hành vi phân biệt đối xử dẫn tới cái chết của các đối tượng là người thuộc các sắc tộc thiểu số.
Tổng thống Obama không chỉ nhiều lần lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế mà còn cử các nhóm thuộc Bộ An ninh Nội địa và Cục điều tra liên bang (FBI) tới điều tra về vụ này.
Cái chết của thanh niên da màu Brown dưới họng súng cảnh sát cũng đã châm ngòi cho cuộc tranh luận trên toàn nước Mỹ về nạn phân biệt chủng tộc, khiến Bộ Tư pháp phải vào cuộc điều tra sở cảnh sát Ferguson./.
Theo TTXVN