Hiệu quả xử lý môi trường của dự án AES
(Baonghean) - Việc thành lập 2 nhà máy sắn Thanh Chương và Yên Thành trên địa bàn tỉnh đã góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho hàng ngàn hộ nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất chế biến sắn, 2 nhà máy đã gây ô nhiễm môi trường nguồn nước và không khí. Trước thực tế đó, từ năm 2009, Tập đoàn AES (Mỹ) xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại đã cơ bản giải quyết vấn đề ô nhiễm nói trên.
(Baonghean) - Việc thành lập 2 nhà máy sắn Thanh Chương và Yên Thành trên địa bàn tỉnh đã góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho hàng ngàn hộ nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất chế biến sắn, 2 nhà máy đã gây ô nhiễm môi trường nguồn nước và không khí. Trước thực tế đó, từ năm 2009, Tập đoàn AES (Mỹ) xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại đã cơ bản giải quyết vấn đề ô nhiễm nói trên.
Những năm 2008 về trước, xung quanh khu vực nhà máy sắn ở huyện Thanh Chương và Yên Thành đều bốc mùi khó chịu. Thực tế đó ảnh hưởng không nhỏ đến không khí và môi trường cho nhân dân trong vùng. Riêng với Nhà máy tinh bột sắn Intimex Thanh Chương, trong quy trình sản xuất, ngoài phần tinh bột thu được để xuất khẩu, phần còn lại bao gồm vỏ sắn, bã sắn và nước thải luôn là mối lo ngại cho việc ô nhiễm môi trường. Nhà máy đã có các giải pháp như dùng vỏ sắn làm phân vi sinh để cung cấp lại cho bà con nông dân với giá rẻ, hoàn trả chất màu cho đất. Bã sắn dùng để làm chất độn cho thức ăn chăn nuôi. Riêng nước thải, nhà máy có hệ thống hồ lắng, lọc và cấy vi sinh vật lên men tự nhiên để xử lý. Tuy nhiên, phương pháp này chưa triệt để, môi trường vẫn bị ảnh hưởng bởi sự phân hủy của các chất tinh bột, protein còn sót lại. Cứ mỗi lần sản xuất chế biến sắn, nhà máy thường gây ô nhiễm, ảnh hưởng khu vực dân cư, đặc biệt là nước thải làm cho cá chết trên sông Lam.
Cán bộ điều hành đang thí nghiệm nước thải. |
Ông Trần Quốc Hoàn, Giám đốc nhà máy sắn Thanh Chương, chia sẻ: Trước tình hình đó, năm 2008, nhà máy đã hợp tác với Tập đoàn AES của Mỹ lắp đặt dây chuyền xử lý nước thải theo công nghệ biogas với mức đầu tư 2,2 triệu USD. Kinh phí đầu tư 100% đều do tập đoàn này bỏ ra đầu tư xây dựng. Đến cuối năm 2009, dây chuyền xử lý nước thải hiện đại chính thức đi vào hoạt động. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì hiệu quả của dây chuyền này mang lại là rất lớn. Quy trình xử lý nước thải từ nhà máy được đưa đến bể lắng cát, bể điều hòa, bể trộn, bể UASB, sau đó mới đưa ra hồ sinh học, nước thải ở nhà máy sắn đã đạt loại B (có thể nuôi cá). Ngoài xử lý nước thải, hệ thống này còn thu hồi những chất thải hữu cơ từ quá trình sản xuất để làm nguyên liệu trong việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh có giá trị kinh tế cao. Hàng năm nhà máy sản xuất chế biến trên 5.000 tấn phân vi sinh, phục vụ đủ cho khoảng 3.000 ha sắn nguyên liệu. Đặc biệt thông thường, sau khi thu hồi tinh bột, sản phẩm phải qua một hệ thống sấy khô dùng bằng than đá. Nay có khí biogas, nhà máy đã tiết kiệm được khoản chi này mỗi năm khoảng 4 tỷ đồng.
Được biết, để đảm bảo xử lý triệt để vấn đề môi trường, ngoài việc có nhà máy xử lý nước thải, Nhà máy sắn Thanh Chương hiện còn đầu tư 7 ao lắng lọc, gồm 4 hồ điều hòa, 2 bể sục khí, 1 hồ quan trắc, phủ kín cây xanh khu vực nhà máy. Nhà máy thành lập Tổ xử lý môi trường gồm 8 thành viên với các nhiệm vụ là vận hành hệ thống nhà máy xử lý nước thải, kiểm tra xử lý thông số về nước thải, bổ sung phun IEM… Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ nên nhà máy đã xử lý triệt để vấn đề môi trường, đi vào hoạt động ổn định. Trong niên vụ 2014 - 2015 dự định nhà máy thu mua được 120 tấn củ, chế biến 30.000 tấn tinh bột, doanh thu trên 250 tỷ đồng. Anh Trần Văn Lý ở Thị trấn Dùng (Thanh Chương) cho hay: “Trước đây mỗi khi vào mùa sản xuất là cả vùng thị trấn đều nghe mùi hôi thối bốc lên, nhưng mấy năm nay không còn hiện tượng đó nữa, nước thải cũng được xử lý không gây ô nhiễm, cuộc sống người dân ổn định trở lại…”.
Còn tại Nhà máy sắn Yên Thành, những năm 2008 đã gây ô nhiễm nguồn nước cho dọc các xã Công Thành, Bảo Thành (Yên Thành) và cả một số xã của huyện Diễn Châu, có thời điểm nhà máy sắn đã bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, từ năm 2009 sau khi đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải do Tập đoàn AES của Mỹ tài trợ thì vấn đề ô nhiễm môi trường đã được xử lý tốt. Theo một lãnh đạo xã Công Thành thì tình trạng gây ô nhiễm môi trường của nhà máy sắn những năm 2008 trở về trước khiến người dân rất bất bình, bà con liên tiếp phản đối, đơn thư khiếu nại về tình trạng hoạt động gây ô nhiễm. Tuy nhiên, từ năm 2010 nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động nên đã giảm thiểu cơ bản ô nhiễm.
Ở Nhà máy xử lý nước thải Yên Thành, tất cả hệ thống đều được “tự động hóa” điều khiển bằng máy tính. Ông Nguyễn Văn Đông, cán bộ điều hành hệ thống xử lý nước thải cho biết: Vào mùa sản xuất sắn, chúng tôi có 2 cán bộ phải túc trực 24/24 h, ngoài việc điều hành xử lý còn phải thí nghiệm nước thải 2 lần/ngày, nếu đạt tiêu chuẩn mới được thải ra hồ lắng để tiếp tục xử lý. Ông Nguyễn Vĩnh Sáng - Phó Giám đốc Nhà máy sắn Yên Thành cho biết thêm: Nhà máy xử lý nước thải Yên Thành cũng được Tập đoàn AES của Mỹ đầu tư 2,2 triệu USD và cử trực tiếp 2 cán bộ người Việt Nam điều hành xử lý. Nhà máy có khuôn viên rộng trên 20.000m2. Bên cạnh đó, để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, Nhà máy sắn Yên Thành còn đầu tư thêm bể lắng cát trị giá 1,5 tỷ đồng, bể rộng trên 7000 m2 được lót bạt đáy theo đúng quy định, nhằm tuyệt đối không để nước rò rỉ ra ngoài, bể này dùng để rửa củ sắn trước khi đưa vào nhà máy. Nhà máy còn đầu tư thêm 3 hồ chứa sinh học rộng 3 ha để chứa nước thải đã qua xử lý từ nhà máy. Theo ông Sáng thì từ khi sử dụng Nhà máy xử lý nước thải còn làm lợi thêm kinh tế cho nhà máy. Cụ thể là trước đây phải mất 1,2 tỷ đồng tiền than, củi để sấy bột, nay đã tận dụng khí đốt biogas sấy bột sắn.
Vấn đề đặt ra hiện nay là trên địa bàn tỉnh ta còn khá nhiều điểm sản xuất chế biến sắn tư nhân gây ô nhiễm nặng tập trung ở các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn. Điều đáng nói là dù sản xuất theo kiểu “gia đình” nhưng công suất một số cơ sở khá lớn, từ 8 - 10 tấn sắn củ/ngày. Quá trình hoạt động sản xuất, nước thải chưa qua xử lý đã trực tiếp đổ xuống mương, xuống rãnh, gây ô nhiễm nặng nguồn nước sạch của bà con nhân dân, vì vậy rất cần có một giải pháp để xóa bỏ các điểm sản xuất trái phép, trả lại môi trường trong lành cho khu dân cư.
Bài, ảnh: Văn Trường