Thám hoa Phan Thúc Trực
(Baonghean) - Phan Thúc Trực (1808 - 1852), còn có tên là Phan Dưỡng Hạo, Phan Sư Mạnh, hiệu là Hành Quý, Cẩm Đình, Dưỡng Hạo Hiên, quê ở làng Vân Tụ, huyện Đông Thành, nay thuộc xã Khánh Thành, huyện Yên Thành.
Thám hoa Phan Thúc Trực. |
Ông sinh ra trong một gia đình Nho học - dòng họ nhiều đời đậu Hương cống, Sinh đồ và làm quan triều Lê. Thân sinh ông là Phan Vũ từng thi đậu 3 khoa Tú tài đầu triều Nguyễn – Gia Long, được gọi là Tú Mền. Phan Thúc Trực được cha trực tiếp dạy bảo, rèn cặp, lại sẵn bản tính siêng năng ham học, nên từ nhỏ đã nổi tiếng là “Thần đồng” đất Nghệ An. Ông đọc nhiều sách và làu thông kinh sử, nức tiếng hay chữ, từng thi đậu Đầu xứ (năm 16 tuổi) và nhiều khoa Tú tài, nên được Hội Văn của huyện Đông Thành tôn tặng đôi câu đối:
“Nhất cử thành danh thiên hạ hữu;
Thập khoa liên trúng thế gian vô”.
Nghĩa là:
“Một lần thi đậu Cử nhân thiên hạ đã có người như vậy;
Mười khoa thi đều trúng thế gian chưa từng có ai”.
Ông được triều đình chọn vào học Trường Quốc Tử Giám để dự thi Hội. Khoa Đinh Mùi – Thiệu Trị 7 (1847), ông thi đậu Đệ nhất giáp cập đệ đệ tam danh (Đình nguyên, Thám hoa). Ngày vinh quy bái tổ, vua ban cho tấm biển “Khôi đa sỹ” (nghĩa là: Người đỗ đầu xuất sắc trên nhiều nho sỹ).
Cuộc đời của ông là tấm gương sáng không chỉ về học hành, đỗ đạt thành danh, mà còn ở lòng yêu nước thương dân, tận tuỵ với công việc. Ông luôn quan tâm đến giáo dục, từng đi dạy học ở nhiều nơi và chăm lo việc bồi dưỡng tinh thần cho thế hệ trẻ. Sau khi thi đỗ, ông về quê chỉ đạo việc khơi ngòi, đắp đập Cẩm Giang để lấy nước tưới tiêu cho đồng ruộng, phát triển nghề nông, giúp dân ổn định cuộc sống. Vì thế, sau khi ông mất, được dân địa phương lập đền thờ phụng là phúc thần. Ông được nhiều người ca ngợi về học hành và phẩm hạnh. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện có ghi về ông:
“Phan Thúc Trực người Yên Thành, Nghệ An, tổ bốn năm đời đều đỗ Hương cống triều Lê. Cha là Vũ gặp lúc Lê Mạt, ẩn dật học tập. Rồi đầu niên hiệu Gia Long, ông nhiều lần lên trường quây trướng dạy học, kinh sử thường ngày từng đọc thuộc lòng, người ta đều tôn là bậc học rộng. Thúc Trực ở nhà học cha, thông minh, xem rộng, nổi tiếng hay chữ. Hồi lâu đi thi Hương luôn bị quan trường đánh hỏng. Trực bèn lấy chân Tú tài sung cống sinh vào học Trường Quốc tử giám. Thiệu Trị năm thứ 7 (1847) đỗ Nhất giáp Tiến sỹ cập đệ đệ tam danh, được bổ Hàn lâm viện Trước tác. Tự Đức năm đầu (1848) được vào Nội các, rồi thăng Tập hiền viện Thị độc sung Kinh diên khởi cư chú. Vâng mệnh làm thơ văn, luôn được vua khen ngợi. Năm thứ 4 (1851), vâng chiếu đi Bắc kỳ tìm kiếm sách vở xưa còn lại. Năm sau về tới Thanh Hoá thì ốm chết, được truy thụ Thị giảng học sỹ.
Trước đó, chỗ ấp Thúc Trực ở có dải sông Cẩm Giang, hàng năm nước lụt, làm cho nhiều đồng ruộng bị lầy đọng, cỏ rả, không cày cấy được. Thúc Trực, sau khi đỗ về, giúp dân đào cừ, đắp đập. Từ đó chứa nước, tháo nước thuận tiện dân được nhờ. Sau khi ông mất, người trong ấp nhớ ơn, lập đền thờ… Trước tên là Dưỡng Hạo, sau lấy tên tự là Hành Quý. Con là Vĩnh, đỗ Cử nhân; Định, Tú tài.
Ông mất sớm khi mới 43 tuổi, nhưng đã kịp để lại cho hậu thế những di thư quý báu: Cẩm Đình văn tập; Cẩm Đình thi tuyển tập; Cẩm Đình thi văn toàn tập; Trần Lê ngoại truyện; Quốc sử di biên...”.
Ông là người yêu quý sách vở, từ nhỏ luôn đọc sách và làu thông các sách Tứ thư, Ngũ kinh, Chư sử lại có tài ứng chế thi văn, từng được vua khen ngợi và ban thưởng nhiều lần. Ông được nhà vua yêu quý, luôn ở bên cạnh để giúp việc là Kinh diên khởi cơ chú, trong Cơ mật viện. Trước đó, ông từng trải các chức liên quan đến sách vở, giáo dục, biên soạn văn bản: Hàn lâm viện trước tác, thăng Thừa chỉ, Nhập nội các, Tập hiền viện. Có lẽ do ông quá đam mê và làu thông sử sách, mà vua Tự Đức đã cử ông cùng Nguyễn Đỗ Tích đi sưu tầm di thư ở các tỉnh Bắc Hà cho triều đình. Phan Thúc Trực thật xứng đáng với câu khen ngợi mà quan Tham tri Trương Quốc Dụng đã dành cho: "Một nhành mai trên cả trăm đoá hoa" (Bách hoa đầu thượng nhất chi mai).
Đào Tam Tỉnh