HLV Guillaume Graechen, 'mắt xích' yếu của HA.GL

13/01/2015 11:10

Không phải tới bây giờ mà rất lâu trước khi HA.GL với dàn cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… xuất trận ở Toyota V-League 1-2015, người ta đã thấy rằng dường như HLV Guillaume Graechen chính là một trong những mắt xích yếu nhất của đội bóng được đánh giá là rất có tiềm năng này.

Không phải tới bây giờ mà rất lâu trước khi HA.GL với dàn cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… xuất trận ở Toyota V-League 1-2015, người ta đã thấy rằng dường như HLV Guillaume Graechen chính là một trong những mắt xích yếu nhất của đội bóng được đánh giá là rất có tiềm năng này.

Sở dĩ nói thế là bởi HA.GL hiện tại cũng rất giống đội tuyển U19 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Graechen trong 2 năm vừa qua, nghĩa là những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường có thể chơi rất thăng hoa và hưng phấn khi có được đầy đủ không gian và thời gian để chơi bóng, còn với những đối thủ già dơ hoặc sử dụng lối chơi thực dụng thì lập tức thầy trò HLV Graechen không còn là chính mình.

Việc đội tuyển U19 Việt Nam do HLV Graechen dẫn dắt liên tục thất bại trước đội tuyển U19 Indonesia ở chung kết giải U19 Đông Nam Á 2013 (diễn ra tại Indonesia) cũng như thất bại trước đội tuyển U19 Myanmar ở chung kết Cúp Hassanal Bolkiah 2014 (diễn ra tại Brunei) là bằng chứng cho thấy thầy trò HLV Graechen chưa rèn được bản lĩnh thực thụ để vượt qua khó khăn.

Thật ra không thể trách cứ HLV Graechen về điều này, bởi sở trường của ông là đào tạo trẻ, và những ai am hiểu bóng đá đều biết luôn có một khoảng cách rất lớn giữa một HLV chuyên làm đào tạo trẻ với HLV chuyên nghiệp đã được trui rèn qua thử thách ở những môi trường khắc nghiệt.

HA.GL là đội bóng hiếm hoi ở V-League để một HLV đi cùng đội bóng từ lúc các cầu thủ còn ở độ tuổi thiếu niên cho tới khi trưởng thành, và nhìn rộng ra trên thế giới cũng hiếm có trường hợp nào tương tự.

Giống như xã hội, bóng đá cũng có sự phân công trách nhiệm một cách rõ rệt, chẳng hạn như một HLV chuyên làm đào tạo trẻ thì phải chuyên trách với công việc đào tạo trẻ, còn HLV đội 1 sẽ là người làm việc với các cầu thủ đã trưởng thành về mặt nghề nghiệp, tựa như một học sinh thì không thể có một thầy cô giáo chuyên trách từ cấp 1 cho tới lúc tốt nghiệp Đại học.

Xưa nay người ta chỉ nghe thấy chuyện trò giỏi nhờ có thầy hay chứ hiếm người chứng kiến trường hợp ông thầy được nâng tầm nhờ năng lực quá đỗi xuất sắc của các học trò, và có vẻ như đã đến lúc các cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… cần một ông thầy cỡ như HLV Toshiya Miura hoặc HLV Phan Thanh Hùng, HLV Lê Huỳnh Đức… để thực sự trưởng thành.

Theo TTVH