Kỳ thi THPT 2015: Hướng đến quyền lợi và giảm áp lực cho học sinh
(Baonghean) - Năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức với nhiều thay đổi trong quá trình tổ chức thi, xét tuyển, cách ra đề, thang điểm… Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn PGS, Tiến sỹ Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí kiểm định và chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
P.V: Xin chào PGS.Tiến sỹ Mai Văn Trinh, ông có thể cho bạn đọc Báo Nghệ An biết rõ hơn những nét mới trong kỳ thi THPT năm nay?
PGS. Tiến sỹ Mai Văn Trinh: Kỳ thi 2015 sẽ hướng đến quyền lợi của học sinh vì vậy sẽ chỉ tổ chức một kỳ thi. Kết quả sẽ vừa xét tốt nghiệp THPT vừa để xét vào các trường đại học, cao đẳng. Cho đến nay, tất cả các trường đại học trong cả nước cũng đã có phương án tuyển sinh và chỉ có duy nhất trường Đại học Quốc gia Hà Nội là được thí điểm tuyển sinh bài thi tích hợp đánh giá năng lực. Còn tất cả các trường đại học trong cả nước sẽ sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để tuyển sinh, trong đó có đến 60% sử dụng hoàn toàn kỳ thi quốc gia, 40% còn lại vừa lấy kết quả của kỳ thi quốc gia, vừa tổ chức theo hình thức riêng.
Kỳ thi này sẽ có 8 môn thi, trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Đối với Ngoại ngữ em nào có chứng chỉ quốc tế theo Công văn 6031 thì được sử dụng để miễn thi cho mục đích xét tốt nghiệp THPT. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, các thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác căn cứ vào môn thi của các trường đại học, cao đẳng. Với những thí sinh tự do từ năm 2014 trở về trước chỉ đăng ký thi các môn phục vụ mục đích xét tuyển của các trường đại học, cao đẳng.
Học sinh Trường THPT Nghi Lộc 3 tìm hiểu thông tin kỳ thi Quốc gia 2015 qua tờ rơi. Ảnh: Doãn Hòa |
Hình thức thi sẽ tổ chức thi liên tỉnh, do các trường đại học chủ trì. Chấm thi do các cụm thi đảm nhận. Tham gia chấm thi sẽ có các thầy, cô giáo ở trường đại học và các trường THPT. Sẽ thành lập cụm thi ở tỉnh dành cho những thí sinh chỉ sử dụng kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT nhưng vẫn do các trường đại học chủ trì. Hai kỳ thi này vẫn được tổ chức theo một quy chế, cùng một quy trình, cùng một đề thi. Thực hiện như vậy để đảm bảo khách quan.
Việc sử dụng kết quả thi: Xét tốt nghiệp sẽ lấy điểm thi ở kỳ thi chung cộng với 50% điểm xét tuyển học bạ. Riêng đăng ký vào trường đại học sẽ có nhiều điểm khác. Trước đây thí sinh đăng ký trường trước rồi mới biết điểm sau nên có rất nhiều trường hợp thí sinh thi điểm rất cao nhưng vẫn bị trượt. Năm nay, sau khi có kết quả thi xong, thí sinh mới cần phải cân nhắc đăng ký vào trường nào. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có một phần mềm thống kê điểm số để học sinh thuận lợi so sánh điểm thi của mình để lựa chọn thích hợp hơn. Theo dự kiến trong một đợt xét tuyển được đăng ký 4 nguyện vọng của một trường và nếu có nguyện vọng chuyển hồ sơ sang trường khác thì có quyền rút hồ sơ để chuyển sang trường khác.
P.V: Với rất nhiều thay đổi, không ít phụ huynh và học sinh cảm thấy lo lắng. Một số ý kiến lại cho rằng, chúng ta tổ chức kỳ thi chung là quá vội vàng, bởi muốn đổi mới thi thì trước tiên phải đổi mới cách dạy, cách học, đổi mới chương trình trong sách giáo khoa. Ông lý giải vấn đề này như thế nào?
PGS. Tiến sỹ Mai Văn Trinh: Tôi nghĩ đây là một câu hỏi rất thẳng thắn và đúng. Tuy nhiên, tôi phải khẳng định trước khi thống nhất phương án thi chung, Bộ đã tiến hành thăm dò ý kiến của 2.788 trường THPT và Trung tâm GDTX với gần 138.000 giáo viên và 929.000 học sinh và nhận thấy việc thi phải sát với việc học hành của các em ở nhà trường. Trong thực tế nhiều năm qua chúng ta đã có nhiều sự đổi mới về dạy và học, việc ra đề mở cũng đã có nhiều năm nay. Đề ra dạng tích hợp cũng đã được thử nghiệm và càng ngày càng rõ hơn, nhất là trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014. Vì vậy, việc đổi mới dần trong kỳ thi này nó phù hợp với việc đổi mới trong dạy và học ở các nhà trường cũng như trong việc kiểm tra, đánh giá. Chúng ta cũng sẽ đổi mới dần, hình thức thi này sẽ là lộ trình đầu tiên để chuẩn bị cho việc ra đề thi dựa trên đánh giá hoàn toàn năng lực của học sinh.
Thí sinh cũng không quá phải lo lắng bởi sẽ dựa trên tinh thần cách ra đề thi của năm 2014. Đó là không đòi hỏi kiến thức dữ liệu nhiều mà đòi hỏi năng lực của học sinh, kiến thức tổng hợp và hiểu biết cuộc sống. Trong đề thi sẽ phân ra hai phần, có những câu hỏi ở mức độ cơ bản, phù hợp với cả học sinh THPT, học viên GDTX. Nếu làm tốt các câu hỏi này đã đủ điều kiện tốt nghiệp. Những câu hỏi khó hơn, nhằm mục đích tuyển chọn vào các trường đại học, cao đẳng. Kỳ thi trước đây, nếu em nào thi nhiều khối có thể thi đến 13 môn nhưng năm nay chỉ thi từ 5 - 6 môn và không phải di chuyển nhiều.
P.V: Vậy việc chấm thi theo thang điểm 20 có ảnh hưởng nhiều đến kết quả của bài thi. Nhiều học sinh cho rằng, chấm điểm theo thang điểm mới thì khối lượng bài tập cũng sẽ tăng gấp đôi?
PGS. Tiến sỹ Mai Văn Trinh: Đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời làm căn cứ để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh. Để đạt được mục đích này, đáp ứng sự đa dạng của các trường đại học, cao đẳng như hiện nay thì yêu cầu phân hóa kết quả các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia phải được đặt ra ở mức độ cao hơn so kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng riêng biệt như những năm trước đây.
Để có độ phân hóa cao, thì chất lượng đề thi đóng vai trò quan trọng; đồng thời công tác coi thi, chấm thi cũng là những yếu tố ảnh hưởng kết quả thi của thí sinh. Trong kỳ thi THPT quốc gia, việc dự kiến mở rộng thang điểm từ 10 sang 20 nhằm giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn, hỗ trợ tốt hơn cho công tác xét tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, việc sử dụng thang điểm 20 sẽ hỗ trợ tốt hơn cho công tác xét tuyển đại học, cao đẳng (Vì với cùng một bước chia 0,5 điểm thì thang 20 điểm được chia thành nhiều mức chi tiết hơn so với thang 10 điểm. Khi mở rộng sang thang điểm 20, việc làm bài thi của thí sinh không có gì thay đổi so trước đây, nhưng thí sinh sẽ có lợi hơn. Cụ thể, trong thang điểm 20 sẽ chấm chi tiết đến 0,25 điểm và tổng điểm bài thi không làm tròn, như thế thang điểm sẽ được chia dày hơn (nhiều mức điểm hơn) so với thang điểm 10 (thang điểm 20 được chia thành 80 mức, còn thang điểm 10 là 40 mức). Nếu khó khăn bước đầu thì chỉ đối với giáo viên chấm điểm thi thôi.
P.V: Xin cảm ơn PGS, Tiến sỹ Mai Văn Trinh.
Mỹ Hà (Thực hiện)