Giải quyết việc làm cho thanh niên, sinh viên

13/01/2015 09:41

(Baonghean) - Mỗi năm, số sinh viên Nghệ An được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng trong cả nước ra trường khoảng 20.000 - 21.000 người, trong đó nhu cầu sử dụng ở tỉnh chỉ trên dưới 1.000 người. Vậy làm gì để tạo thêm việc làm cho con em Nghệ An sau khi được đào tạo, học hành cơ bản? Đây thực sự đang là bài toán rất khó!

(Baonghean) - Mỗi năm, số sinh viên Nghệ An được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng trong cả nước ra trường khoảng 20.000 - 21.000 người, trong đó nhu cầu sử dụng ở tỉnh chỉ trên dưới 1.000 người. Vậy làm gì để tạo thêm việc làm cho con em Nghệ An sau khi được đào tạo, học hành cơ bản? Đây thực sự đang là bài toán rất khó!

Tại cuộc họp báo cuối năm 2014 giữa lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các cơ quan báo chí, lãnh đạo tỉnh đã nêu quyết tâm trong năm 2015 sẽ tập trung thu hút đầu tư để tỉnh có thêm nhiều nhà máy, công ty; mời gọi các doanh nhân Nghệ An từ khắp nơi về đầu tư… Đồng thời cũng sẽ làm việc với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn về vấn đề tuyển dụng lao động người Nghệ An vào làm việc.

Việc lãnh đạo tỉnh cam kết tìm kiếm thêm nhiều cơ hội việc làm cho con em tỉnh nhà tốt nghiệp ra trường là rất đáng trân trọng để giải quyết một phần nguồn nhân lực đang bị lãng phí. Tuy nhiên, chỉ một mình lãnh đạo tỉnh thì không thể giải quyết hết được mà phải có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và chính các gia đình cũng như các em học sinh, sinh viên.

Để giải quyết căn bản việc làm cho sinh viên ra trường, bên cạnh có chính sách kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư về đầu tư tại Nghệ An hoặc doanh nghiệp là con em Nghệ An đầu tư ở ngoại tỉnh quan tâm tuyển dụng lao động Nghệ An thì tỉnh cần có hình thức tổ chức thi tuyển; cam kết làm việc của người lao động về ý thức tổ chức kỷ luật, về năng suất lao động, mức độ cống hiến, đảm nhận phần việc để không phải tuyển lao động ở địa phương khác.

Tiếp đó là tỉnh cần đẩy mạnh cải cách hành chính, không để “chảy máu chất xám”, thu hút được nhiều người giỏi về đóng góp xây dựng quê hương; từng cơ quan, đơn vị cần có lộ trình sàng lọc bộ máy. Khi có người trẻ, người giỏi về cần tạo điều kiện để họ có thể phát huy, cống hiến được tài năng.

Cuối cùng là bên cạnh sự cố gắng của chính quyền, từng gia đình, từng tổ chức đoàn thể cần khuyến khích tinh thần tự lập, tự chủ của thanh niên, sinh viên mạnh dạn tạo lập những mô hình kinh tế mới, đầu tư phát triển trang trại, khai thác tiềm năng đất đai, rừng, mặt nước, nuôi trồng, sản xuất những cây con đặc sản, những sản phẩm mới, giá trị, có hàm lượng trí tuệ trong lao động, tiếp nối nghề nghiệp gia truyền, tránh lối tư duy thụ động, ỷ lại, dựa dẫm vào các cơ quan Nhà nước. Công tác hướng nghiệp sau khi học xong phổ thông cần được thực hiện bài bản, thực chất, có sự tham gia của phụ huynh, để tự học sinh chọn nghề đúng năng lực, sở trường của mình và phù hợp với nhu cầu xã hội.

Trân Châu