Vui buồn chuyện nuôi nhím
(Baonghean) - Cách đây 5 năm, phong trào nuôi nhím rộ lên ở huyện Quế Phong, con nhím giúp mua được ô tô, làm nhà tầng khi giá nhím lên cao. Tuy nhiên, sau khi thị trường bão hòa, nhím rớt giá khiến người nuôi nhím lao đao.
húng tôi đến thăm gia đình ông Lang Khánh Suyên ở Thị trấn Kim Sơn khi gia đình ông chuẩn bị làm vía cho đứa cháu nội sắp đầy tháng. Dù đang bận bịu công việc, nhưng khi thấy những vị khách miền xuôi quan tâm nhiều đến con nhím, ông Suyên gác lại công việc và say sưa kể. Từ năm 2003, sau khi bán hết đàn trâu thả rông trong rừng, ông Suyên bắt đầu mày mò nuôi nhím. Ban đầu, ông mua nhím rừng về thuần dưỡng. Nhím lớn nhanh nhưng không thể đẻ. Sau đó, ông tự mày mò qua sách báo, được một người bạn tặng cuốn sách “Kỹ thuật nuôi nhím sinh sản” và mạnh dạn đi ra các tỉnh miền núi phía Bắc học cách nuôi, mua giống nhím về nuôi thử trên vùng đất Quế Phong. Hai năm sau, ông Suyên đã có khoảng 10 cặp nhím sinh sản và xây dựng chuồng trại phát triển đàn nhím theo quy mô lớn.
Ông Lang Khánh Suyên (Thị trấn Kim Sơn) tại trang trại nhím của gia đình. |
Đến năm 2008, sau khi đã có đàn nhím bố mẹ 70 con thì cũng là lúc phong trào nuôi nhím nở rộ. Mỗi cặp nhím giống có giá ban đầu khoảng 2 triệu đồng bán được với giá 10 triệu đồng, rồi lên 15 triệu đồng, 20 triệu đồng. Vào thời điểm năm 2010, khi giá nhím đắt nhất, mỗi cặp nhím bố mẹ được bán với giá 60 triệu đồng. Ngày đó, con đường nhỏ dẫn vào nhà ông Suyên lúc nào cũng tấp nập người vào ra để hỏi mua nhím giống. Có những hộ dân bán cả đàn bò, mang cả bọc tiền đến đặt cọc ông Suyên để mua nhím giống về nuôi. Năm 2010, ông Suyên thu về gần 1 tỷ đồng tiền nhím giống. 4 tháng đầu năm 2011, ông bán được 30 cặp nhím giống với giá trung bình 15 triệu đồng/cặp.
Con nhím đã giúp ông Suyên đổi đời. Năm 2010, từ tiền bán nhím, ông mua chiếc xe ô tô mới cóng, sửa sang lại nhà cửa. Ông được người dân gọi là “vua nhím” hay “tỷ phú nhím”. Từ trang trại nhím của ông Suyên, người dân huyện Quế Phong cũng đổ xô đi mua nhím về nuôi. Riêng Thị trấn Kim Sơn đã có khoảng 30 hộ nuôi nhím, trong đó khối 8 có 9 hộ, khối 9 có 8 hộ nuôi nhím, xã Quế Sơn có hơn 10 hộ, phong trào nuôi nhím cũng lan rộng sang các xã như Tri Lễ, Hạnh Dịch, Châu Kim…
Ở huyện Quế Phong cũng xuất hiện thêm những gia đình nuôi nhím thành công như ông Lương Sỹ Cường (khối 8, Thị trấn Kim Sơn), từ 1 cặp nhím sinh sản nuôi thử nghiệm ban đầu, nhờ biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật, ông Cường đã có 10 cặp nhím sinh sản, thu về hàng trăm triệu đồng tiền bán nhím giống mỗi năm. Một số gia đình khác cũng đi học hỏi, vay mượn tiền về đầu tư chuồng trại, mua giống nhím về nuôi. Thời điểm đó, huyện Quế Phong cũng được hưởng dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình nuôi nhím sinh sản tại huyện Quế Phong” khiến bà con càng mạnh dạn đầu tư.
Đến tháng 5/2011, giá nhím thịt và nhím giống bắt đầu chững lại và đến cuối năm thì giá nhím rớt một cách thê thảm. Từ hàng chục triệu đồng/cặp nhím giống, chỉ còn vài triệu đồng, nhím thịt chỉ có giá khoảng 150 - 200 ngàn đồng/kg, nhưng bán không ai mua. Nhiều hộ dân ở Quế Phong bắt đầu chán nản. Một số hộ đã phải làm thịt nhím để ăn vì không có người mua. Ông Lang Khánh Suyên cho biết, từ chỗ có hàng chục hộ nuôi nhím, đến nay chỉ còn lác đác vài hộ. Nhiều người lỗ vốn, buồn vì đầu tư quá nhiều tiền để mua nhím giống thời kỳ cao điểm dẫn đến thua lỗ. Phong trào nuôi nhím cũng chính vì thế mà lắng xuống, người dân không còn mặn mà gì.
Vừa kể chuyện, ông Suyên vừa dẫn chúng tôi ra trang trại nhím của mình. Theo ông, dù giá nhím hiện nay không đắt như trước đây nữa, nhưng đây vẫn là giống con mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là loài động vật hoang dã nhưng đã được thuần chủng. Nhím rất dễ nuôi, ăn thức ăn tạp nhưng sạch sẽ. Với giá nhím giống hiện nay khoảng 2 - 3 triệu đồng/cặp, sau 15 - 18 tháng nhím sẽ sinh sản. Nếu không bán giống, để nuôi bán nhím thịt, mỗi năm nhím sẽ đạt trọng lượng 1,2 - 1,5 yến/con. Với giá bán hiện nay khoảng 200 - 250 ngàn đồng/kg nhím thịt, mỗi con nhím bán ra sẽ có lãi ít nhất khoảng 1,5 triệu đồng. Trong khi chi phí thức ăn rất ít, tận dụng nguồn rau, củ quả, lá cây trong vườn để nuôi nhím thì đây là mức lãi có thể chấp nhận được. “Nuôi nhím ít rủi ro hơn các loại con khác vì hầu như không có dịch bệnh, nếu không chạy theo thị hiếu, biết chọn thời điểm để mua nhím giống và có đầu mối xuất bán ổn định, thì nuôi nhím lãi hơn nuôi gà, vịt, lợn rất nhiều. Đây cũng là loài vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Quế Phong, phù hợp với tập tục chăn nuôi của đồng bào”, ông Suyên tâm sự.
Nỗi niềm của ông Suyên cũng chính là suy nghĩ chung của rất nhiều nông dân ở huyện Quế Phong. Anh Nguyễn Quyết Thắng, xóm phó xóm Hải Lâm 2, xã Quế Sơn cho biết, ở thời kỳ cao điểm, trong xã Quế Sơn có khoảng 10 hộ nuôi nhím, một số gia đình còn chung tiền cùng nhau mua nhím giống, nhưng hiện nay chỉ còn 3 hộ là các anh Hồ Quang Phương, Hồ Đình Khương và Hồ Văn Chuyên còn trụ lại với con nhím nữa. Các hộ này nuôi cho vui, thỉnh thoảng làm thịt ăn là chủ yếu, bởi giá nhìm dù rẻ những cũng rất ít người hỏi mua…
Lãnh đạo huyện Quế Phong cho rằng, việc phát triển nghề nuôi nhím ở Quế Phong những năm trước đây đã để lại nhiều bài học cho nông dân. Chỉ vì chạy theo thị hiếu, không tính toán được nhu cầu thị trường nên nhiều hộ dân thua lỗ. Mặc dù vậy, huyện vẫn đánh giá nuôi nhím là phù hợp với điều kiện khí hậu, tập tục của người dân, ít dịch bệnh, “nuôi chơi, ăn thật” nhưng khi mà thị trường chưa phát triển mạnh, nhu cầu nhím thịt chưa cao thì người dân cần phải thận trọng trong việc nhân đàn. Đây cũng là bài học chung trong việc phát triển các loại giống cây, con mới trên địa bàn huyện, phải theo quy luật cung – cầu của thịt trường, tránh tình trạng chạy theo phong trào, khi giá cao thì ồ ạt đầu tư, khi mất giá thì bỏ, gây lãng phí...
Bài, ảnh: Nguyên Khoa