Đề tài cách mạng trong phim truyện Việt Nam

31/01/2015 09:11

(Baonghean) - Trong kháng chiến chống Pháp, Ban Điện - Nhiếp ảnh của Nha Thông tin đã có nhiều cống hiến trong tuyên truyền vận động toàn thể nhân dân và quân đội kháng chiến giành thắng lợi. năm 1953, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh. Căn cứ vào đặc trưng hoạt động, điện ảnh được gọi là nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam, trong đó lĩnh vực phim truyện luôn giữ vai trò chủ lực...

Tính từ thời điểm ra đời bộ phim truyện đầu tiên “Chung một dòng sông” năm 1959 đến nay, Điện ảnh Việt Nam đã thực hiện trên 600 bộ phim truyện nhựa. Trong đó chiếm tỷ lệ hơn nửa số phim có chủ đề về chiến tranh cách mạng. Trải qua từng giai đoạn sáng tác, các tác phẩm phim truyện đã luôn bám sát chủ trương lãnh đạo của Đảng, thể hiện, phản ánh nội dung tư tưởng mang tính đảng sâu sắc, đậm đà bản sắc dân tộc trong các phong trào đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Từ năm 1960 - 1975, trong hoàn cảnh miền Nam nước ta bị giặc Mỹ chia cắt, điện ảnh ở miền Bắc đã có 66 phim truyện ra đời. Một số nghệ sỹ sau khi được cử đi nước ngoài đào tạo (Liên Xô cũ), trở về đã thực hiện được một số phim tiêu biểu mà sức mạnh của chúng gắn bó với hơi thở và nhịp đập của thời đại như: “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, “Nổi gió”, “Chị Tư Hậu”, “Nguyễn Văn Trỗi”, “Tiền tuyến gọi”, “Đường về quê mẹ”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Đến hẹn lại lên”…

Cảnh trong phim “Cánh đồng hoang”.Ảnh internet
Cảnh trong phim “Cánh đồng hoang”. Ảnh internet

Nội dung của một số phim thời kỳ này tập trung ca ngợi những tấm gương hoạt động cách mạng của các chiến sỹ cộng sản cụ thể. Phim “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” phản ánh phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 tại một vùng nông thôn Nghệ Tĩnh. Gia đình Nga, một gia đình cộng sản sống nghèo khổ, chịu sưu cao thuế nặng, đất đai bị tên chủ xưởng Pháp chiếm đoạt, dân làng phải chịu chung cảnh tan tác. Giữa lúc đó, anh Quý (người yêu của Nga) được Đảng cử về lãnh đạo nhân dân đấu tranh với kẻ thù. Ngày 1/5/1930, trong lúc cùng công nhân Bến Thủy biểu tình, đấu tranh, mẹ Nga bị kẻ thù bắn chết, Nga bị bắt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đã cứu thoát Nga và bắt tên tri huyện. Chính quyền Xô Viết đã hình thành, Nông hội đã dần dần mang quyền lợi về cho nhân dân. Thời kỳ này điện ảnh đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung của dân tộc cho đến đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Sau năm 1976, đất nước hoàn toàn giải phóng, Nghệ sỹ điện ảnh 2 miền Nam Bắc đã tạo nên một thời kỳ vàng son mới. Một không khí sáng tạo nhanh chóng khởi động và bùng phát. Chỉ tính từ 1976 - 1986 (thời kỳ trước đổi mới) đã có 178 phim được sản xuất (trung bình 15 phim/năm). Có thể kể một số phim gây tiếng vang như “Sao tháng Tám”, “Mùa gió chướng”, “Cánh đồng hoang”, “Mẹ vắng nhà”, “Ngày ấy bên sông Lam”, “Pho tượng” , “Cơn hồng thủy”, “Trời xanh qua kẽ lá”… Hình ảnh người chiến sỹ cộng sản được xây dựng không đơn điệu như trước mà sinh động trong phong trào đấu tranh chung của nhân dân cả nước. Có thể kể tới bộ phim “Sao tháng Tám” và “Ngày ấy bên sông Lam”. Bộ phim Sao tháng Tám kể về Nhu, nữ đảng viên cộng sản được cử về thôn Đoài - ngoại thành Hà Nội để xây dựng phong trào cách mạng. Phòng nhì Pháp dùng Kiều Trinh (bạn học cũ của Nhu) - con gái giáo sư Hoàng làm chỉ điểm. Nhu bị bắt, Kiên, em Kiều Trinh bị lính Pháp bắn chết trong một cuộc biểu tình. Giáo sư Hoàng tiếp tục sự nghiệp của con trai ủng hộ cách mạng.

Một số phim không trực tiếp nói về chiến tranh nhưng khai thác cuộc sống ở những vùng quê hậu phương, hoặc đời sống xã hội sau thời chiến, tạo nên dấu ấn khó phai như: “Chị Dậu”, “Về nơi gió cát”, “Vùng gió xoáy”, “Thị xã trong tầm tay”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”… Thời kỳ sau đổi mới (1986 - 1990), bước vào cơ chế thị trường, điện ảnh đứng trước những khó khăn, thách thức mới xóa bỏ bao cấp, cạnh tranh quyết liệt với tình trạng phim ngoại nhập, đã xuất hiện một loạt phim “mỳ ăn liền” mang tính giải trí đơn thuần, giảm sút về chất lượng tư tưởng nghệ thuật… Tuy nhiên, trong thời kỳ này một số phim được nhà nước đầu tư đã làm tốt định hướng tư tưởng, như “Cô gái trên sông”, “Tướng về hưu”, “Gánh xiếc rong”, “Canh bạc”, “Anh chỉ có mình em”, “Cỏ lau”… đã chiếm được cảm tình của người xem trong và ngoài nước.

Sau thời kỳ đổi mới của đại hội Đảng lần thứ VI, từ 1995 - 2000, điện ảnh được Nhà nước trợ giá đã phục hồi và có những bước tiến mới, xuất hiện những bộ phim được dư luận chú ý như: “Đất nước đứng lên”, “Lưỡi dao”, “Cây bạch đàn vô danh”, “Vành trăng khuyết”, “Bản tình ca trong đêm”, “Người con gái đất đỏ”… Phim về đề tài đương đại đã dần kéo được khán giả đến với màn ảnh như: “Giải hạn”, “Thương nhớ đồng quê”. Chiến tranh vẫn là đề tài chủ đạo trong các bộ phim: “Ngã ba Đồng Lộc”, “Đời cát”, “Mùa ổi”, “Bến không chồng”… hay nỗi ám ảnh về chiến tranh như: “Người đàn bà mộng du”, “Đừng đốt,...”.

Một mảng đề tài mà điện ảnh phim truyện Việt Nam đã tập trung quan tâm thể hiện thành công, đó là phim truyện về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Về chủ đề này, ngoài những bộ phim tài liệu quý giá về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác, tiêu biểu như: “Hồ Chí Minh chân dung một con người”, 5 bộ phim truyện thể hiện về bước đường ra đi tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách thành công, như: “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, “Nguyễn Aí Quốc ở Hồng Kông”, “Nhìn ra biển cả”, “Vượt qua bến Thượng Hải” và “Hà Nội mùa đông năm 46”.

Nhìn chung, trong hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển của thể loại phim truyện Việt Nam là hết sức phong phú, đa dạng trên mọi đề tài, lĩnh vực của cuộc sống. Điều đáng ghi nhận và khẳng định xuyên suốt trong các tác phẩm này là tư tưởng chủ đề sáng tác của người nghệ sỹ luôn hướng về Đảng, những định hướng, chủ trương, đường lối được thể hiện sinh động, tinh tế trong từng tác phẩm, xứng đáng với niềm tin, niềm tự hào của “nền điện ảnh cách mạng Việt Nam”.

Lê Lân

47, Đặng Thúc Hứa, TP. Vinh

TIN LIÊN QUAN