Nguyễn Du với quê hương Hồng - Lam

15/01/2015 15:26

(Baonghean) - Nguyễn Du được sinh ra ở thành Thăng Long, tuổi thơ nhiều năm ở Thăng Long, nhưng ông chỉ coi Thăng Long như nơi một thời mình từng sinh sống, khi xa ít nhớ về, nếu có điều kiện gặp lại thì chỉ gợi lên một vài kỷ niệm, còn tất cả tình quê ông dành cho Hồng Lĩnh, Lam Giang... 

(Baonghean) - Nguyễn Du được sinh ra ở thành Thăng Long, tuổi thơ nhiều năm ở Thăng Long, nhưng ông chỉ coi Thăng Long như nơi một thời mình từng sinh sống, khi xa ít nhớ về, nếu có điều kiện gặp lại thì chỉ gợi lên một vài kỷ niệm, còn tất cả tình quê ông dành cho Hồng Lĩnh, Lam Giang...

Quê hương Tiên Điền của ông nằm ở phía Nam sông Lam, còn gọi là sông Long Vĩ. Chỉ cần qua con sông đó, đặt chân lên bờ Bắc là ông đã có cảm giác của người tha hương; thế thì khi phải sống ở góc bể chân trời, ông không nhớ quê sao được. Nguyễn Du bắt đầu làm thơ về nỗi nhớ quê hương trong mười năm gió bụi sống ở quê vợ Quỳnh Hải, Thái Bình, kể từ năm 1786. Năm 1786 là năm có gia biến lớn, tạo bước ngoặt trong cuộc đời Nguyễn Du: Trong một năm, cả hai người anh là Nguyễn Khản và Nguyễn Điều cùng qua đời, ông không còn nơi nương tựa. Vạn bất đắc dĩ Nguyễn Du phải về sống ở quê vợ.

Bến Giang Đình (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).ảnh: Sỹ Nhiếp
Bến Giang Đình (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). ảnh: Sỹ Nhiếp

Trong mười năm gió bụi đó, ông đã tự nhận ra mình chưa làm nên danh vọng gì mà thân đã suy yếu, tóc bạc phất phơ trước ngọn gió chiều, cái dáng nho nhã bình sinh đã biến mất, bây giờ thân thể xác xơ như chim phượng bị nhốt trong lồng (Sinh bình văn thái tàn lung phượng), phải chấp nhận nỗi nhớ quê nhà từ xa "dao ức gia hương thiên lý ngoại" mà không thể về quê được vì "Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán", tức là ở Hồng Lĩnh không có nhà nữa, anh em đã ly tán mỗi người một nơi, mình về đó biết ở vào đâu, ở với ai…thôi đành sống nhờ quê vợ vậy. Trong hoàn cảnh xa quê đó, hầu hết những bài thơ ông viết ra đều buồn, không chỉ buồn ở những bài có đầu đề đáng buồn như Khất thực (Xin ăn), Bất mị ( Không ngủ), Tự thán (Than thân), Bát muộn (Xua nỗi buồn)…mà ngay những bài viết về mùa xuân, về ngày Tết Nguyên tiêu cũng buồn, chung quy một nỗi buồn xa quê. Trong 10 năm đó, ý nguyện muốn được về quê luôn thường trực trong lòng ông, hễ có cái cớ là hiển hiện.

Năm 1796, sau khi người vợ họ Đoàn mất, Nguyễn Du rời Quỳnh Hải trở về quê hương cùng đứa con trai tên là Nguyễn Tứ. Nguyễn Tứ là người con thứ tư của Nguyễn Du với người vợ thứ nhất này, nhưng ba người con trước đều bị mất sớm, điều này chứng tỏ khi hai bố con ông rời Thái Bình, Nguyễn Tứ chỉ một vài tuổi. Về Tiên Điền, Nguyễn Du ở đâu? Trong một bài thơ gửi bạn, Nguyễn Du viết:

Viễn lai tri thủ tương tầm lộ

Gia tại Hồng Sơn đệ nhất thôn

(Anh ở xa đến thì nhớ đường mà tìm, nhà tôi ở thôn đầu tiên của dãy Hồng Lĩnh). Thôn đầu tiên mà Nguyễn Du nói với bạn chính là xóm Tiên Giáp (sau đổi thành Tiên Mỹ), sát trường tiểu học ngày nay. Gần đây khách đến thăm chỉ còn nhận ra khoảnh đất, hướng quay của ngôi nhà và hai cây đại đã chết khô. Nguyễn Du đã sống ở đấy liên tục trong sáu năm trời từ năm 1796 đến năm 1802. Ông đã có nhiều bài thơ nói về ngôi nhà này.

Có một điều lạ là hầu hết các bài thơ nói về bệnh tật của mình, Nguyễn Du không nói mình ở trong núi Hồng mà là ở bên bờ sông Lam, dường như dành non Hồng cho nơi nghỉ ngơi vui thú:

Hoàng khuyển truy hoan Hồng Lĩnh hạ

Bạch vân ngoạ bệnh Quế Giang biên

Hoặc là:

Đa bệnh, đa sầu, khí bất thư

Thập tuần khốn ngoạ Quế Giang cư

Nguyễn Du chỉ có một bài thơ trực diện về sông Lam với đầu đề Lam Giang, nhưng không phải ông ca ngợi cảnh đẹp của dòng sông, mà tả sông Lam trong mùa lũ, lòng đầy kinh sợ.

Bài thơ Giang Đình hữu cảm cũng không hề tả cảnh đẹp của bến Giang Đình mà chứa đầy chất hoài cổ, luyến tiếc một thời vàng son đã qua. Ta biết rằng năm 1771, Nguyễn Nghiễm xin về quê trí sĩ, được thăng Đại tư đồ, Chúa cho vinh quy. Nguyễn Du khi đó 6 tuổi theo mẹ là Trần Thị Tần cùng về quê hương. Võng lọng, ngựa xe ngày ấy, gần ba chục năm sau ngồi trên bến Giang Đình Nguyễn Du nhớ lại:

Ức tích ngô ông tạ lão thì

Phiêu phiêu bồ tứ thử giang mi

Tiên chu kích thuỷ thần long đấu

Bảo cái phù không thụy hạc phi

Tạm dịch là:

Về hưu ngày ấy, cha ta

Xe bồ, ngựa tứ đã qua bến này

Thuyền xô nước tựa rồng quây

Lọng như hạc báo điềm hay giữa trời.

Đó là quá khứ, còn hiện tại thì:

Từ khi xiêm áo hết thời

Khói trên ngọn cỏ ngậm ngùi bờ sông

Trăm năm bao chuyện đau lòng

Tràng An ngày trước nay không còn gì!

Hơi thơ trở lại giọng buồn quen thuộc của Đại thi hào.

Nhưng sống giữa quê hương, Nguyễn Du không chỉ có bệnh tật và nỗi buồn mà ông còn có niềm vui. Vui vì cảnh đẹp của quê hương Lam Hồng.Trong một bức thư gửi bạn, Nguyễn Du đã viết:

Mạc sầu tịch địa vô giai khách

Lam thuỷ, Hồng sơn túc vịnh ngâm

(Chớ lo cho tôi ở nơi hẻo lánh không có bạn tốt. Sông Lam, núi Hồng có nhiều cảnh đẹp đủ để ngâm vịnh).

Ở chốn Lam Hồng, Nguyễn Du còn có một thú vui nữa là đi săn. Có nhà nghiên cứu nói rằng, Nguyễn Du đi săn để lo kế sinh nhai, tôi không tin như vậy, vì chính Nguyễn Du đã nói rằng: "Giải thích nhân tình, an tại hoạch" (Đi săn để tâm tình thư thái, chứ không cốt bắt được nhiều thú). Trong nhiều bài thơ viết về chuyện đi săn, Nguyễn Du không chỉ nói chuyện đi săn mà để bộc bạch nhân sinh quan của mình.

Năm 1802, Nguyễn Du ra làm quan dưới triều Nguyễn. Nhiều người cứ nghĩ rằng, đây là một bước ngoặt lớn trong đời và chắc sẽ tạo bước ngoặt lớn cho thơ. Nhưng không, Nguyễn Du không thích thú gì việc làm quan ấy, ông làm quan chẳng qua vì kế sinh nhai mà thôi. Mặc dù vậy, ông được đề bạt rất nhanh. Vừa ra làm quan, ông được bổ Tri huyện Phù Dung thuộc Khoái Châu, ba tháng sau được thăng tri phủ Thường Tín, rồi được cử đi tiếp sứ nhà Thanh ở trấn Nam Quan. Thế mà đến mùa thu năm 1804 ông đã xin từ chức về quê, lấy cớ là bị bệnh. Sự cáo quan bất ngờ của Nguyễn Du đã làm ngạc nhiên nhiều người, trong đó có cả Nguyễn Hành, người cháu ruột kém Nguyễn Du sáu tuổi và cũng là một nhà thơ nổi tiếng thời bấy giờ. Nguyễn Hành thốt lên: " Đang buổi thanh bình làm sao chú lại cáo quan mà về?…Chú đã có một chức tước trong thiên hạ, thì chú cần phải giữ trọn cái danh tốt cho nhà ta…". Ở quê được mấy tháng, ông lại được (hay bị?) nhà vua gọi vào Phú Xuân, thăng chức Đông các học sĩ. Thế nhưng ông vẫn buồn và nhớ quê. Không hiểu thời ấy lương bổng một chức quan như Nguyễn Du thì được bao nhiêu, nhưng qua thơ ông, ta thấy tình cảnh vợ con ông ở quê thật là khốn khổ. Ông đã viết về quê nhà:

Quê hạn nặng, mùa trắng tay

Mười con đói khát mặt mày xanh rau

Hoặc là:

Mười con kêu đói non Hồng

Một thân ngọa bệnh phía đông đế thành.

Mười con là một cách làm tròn con số cho gọn, sự thật, Nguyễn Du có đến 18 con, không kể những đứa mất sớm! Bà vợ họ Đoàn quê Thái Bình chỉ một con là Nguyễn Tứ, bà vợ thứ hai ở quê chỉ một con là Nguyễn Ngũ, còn bà vợ thứ ba, cũng ở quê, có đến 16 con ( 10 trai, 6 gái). Có lẽ đông con sống nghèo khổ giữa quê hương cũng là một lý do để khi xa nhà thơ luôn hướng về quê nhà, có dịp là sẵn sàng từ bỏ "chức quan mọn" của mình để trở về với quê hương.

Khi xa quê, không biết bao lần ông đã làm thơ về nỗi buồn nhớ quê hương, trong đó bài “Nễ Giang khẩu hương vọng” tức là “Từ cửa sông Nễ Giang (sông Ròn) trông về quê hương”, ông viết trong những năm làm Cai bạ ở Quảng Bình là một bài khá điển hình về chủ đề này.

Vọng vọng gia hương tự nhật biên

Hoành Sơn chỉ cách nhất sơn điên

Khả liên quy lộ tài tam nhật

Độc bão hương tâm dĩ tứ niên

Tạm dịch:

Nhìn quê xa tựa mặt trời

Cách Hoành Sơn, chỉ một thôi núi này

Đường về đi bộ ba ngày

Lòng quê đã bốn năm nay nhớ hoài.

Phải chăng trong suốt bốn năm trời làm quan ở Quảng Bình, Nguyễn Du không được một lần về thăm quê dù đoạn đường chỉ ba ngày đi bộ, hay vì quá thương nhớ quê mà nhà thơ thốt lên như thế, dù có vài ba lần về được thăm cũng chẳng hề vơi được nỗi nhớ quê nhà?

Nguyễn Du mất ở Huế mùa thu năm 1820, chưa đầy bốn năm sau, mùa hè năm 1824, con trai ông là Nguyễn Ngũ đã đưa hài cốt của cha mình về táng ở vườn cũ ông ở lúc sinh thời. Và 104 năm sau, tức năm 1928, mộ của Đại thi hào mới được cải táng ra vị trí hiện nay. Mặc dù trong gia phả cũng như trong tư liệu không thấy có lời di chúc nào của Đại thi hào về chuyện dặn con cháu đưa hài cốt mình về quê hương, nhưng đó chính là nguyện vọng thiêng liêng, vì đối với ông, việc nấm mộ phải táng ở đất khách là điều đáng thương, như ông đã buồn thương trước nấm mộ gửi nhờ nơi đất khách của nhà thơ Đỗ Phủ!

Nhà thơ Vương Trọng

(Hà Nội)

____________

Những câu thơ trích dẫn trong bài này rút trong tập “TOÀN TẬP THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU”, do Vương Trọng dịch thơ, xuất bản năm 2008