Nghề đóng thuyền ở Xốp Tụ

15/01/2015 16:22

(Baonghean) - Đã bao đời nay, người dân ở bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn có nghề đóng thuyền gỗ 3 lá, cung cấp cho người dân sinh sống dọc hai bên sông Nậm Mộ và Nậm Nơn làm nghề đánh bắt cá và chở khách…

Từ bến thượng lưu hồ Thủy điện Bản Vẽ khoảng 3 giờ đồng hồ chạy thuyền, là đến bản Xốp Tụ của xã Mỹ Lý. Bản Xốp Tụ nhìn từ xa như một bức tranh thủy mặc. Những hàng dừa cao vút, những ngôi nhà sàn mang đặc trưng của đồng bào Thái lung linh dưới mặt hồ, mang dáng vẻ của một vùng đất trù phú. Bản Xốp Tụ được chia làm 2 bờ, bởi một cái eo nhỏ ăn sâu vào núi. Ở bản đồng bào Thái này, hiện có nhiều tổ thợ chuyên đóng thuyền gỗ 3 lá cho khách gần xa.

Anh Lô Văn Long đóng lại chiếc thuyền cũ làm nghề đánh bắt cá.
Anh Lô Văn Long đóng lại chiếc thuyền cũ làm nghề đánh bắt cá.

Ghé vào bản, chúng tôi gặp ngay anh Lô Văn Long đang say sưa đóng dở chiếc thuyền. Tìm hiểu, anh Long bộc bạch: Anh biết làm nghề đóng thuyền từ lâu, thường từ 3 – 4 người thành lập 1 tổ thợ, nhận đóng thuyền cho người ta, lấy tiền công. Chiếc thuyền tôi đang đóng là thuyền cũ, do tôi mua lại của một người dân với giá 2 triệu đồng. Mua về, tôi tháo tung ra, nhổ hết đinh, dùng máy bào hết phần mục phía ngoài, chỉnh sửa, đóng lại thành chiếc thuyền mới. Vì phải bào một lớp khá dày, nên ván gỗ không còn đảm bảo độ dày như chiếc thuyền mới. Do vậy, chiếc thuyền này chỉ được sử dụng đánh cá ven hồ, không chở khách. Với chiếc thuyền mới, ván phải dày 5 cm, sử dụng gỗ ván de và gỗ săng lẻ dùng để làm thang. Trước đây, thường dùng ván gỗ đinh hương tốt hơn ván gỗ de, nhưng vì gỗ đinh hương ngày càng hiếm, lâu nay người dân thường sử dụng ván gỗ de. Đặc điểm của gỗ de ít nứt nẻ, chịu được nước khá lâu. Một chiếc thuyền đóng mới, có thể sử dụng 5 – 6 năm.

Theo anh Long cho biết, thợ đóng thuyền ở đây không đóng sẵn để bán, mà chỉ nhận gỗ của người ta về đóng theo yêu cầu. Ở đây người ta đóng thuyền dùng để đánh cá, dài 9 – 10 m, thuyền chở khách dài từ 12 m trở lên. Mỗi tổ thợ 3 người, nhận đóng 1 chiếc thuyền chiều dài 12 m, thời gian hoàn thành trong vòng 5 ngày, tiền công hết 5 triệu đồng. Sau 1 năm sử dụng, mỗi chiếc thuyền cần phải tu sửa cho an toàn. Do vậy, hàng năm các tổ thợ còn nhận sửa chữa nhiều chiếc thuyền cho bà con.

Bí quyết để đóng được chiếc thuyền chuẩn, cân bằng trọng lực khi đặt xuống mặt nước, anh Long tiết lộ: Yêu cầu người thợ phải làm thật chuẩn từ khâu làm đáy thuyền, đặc biệt là vòi nối của ván đáy. Nếu khớp nối không cân, không chắc, thuyền sẽ bị nghiêng khi đặt xuống nước, rất khó lái, không an toàn, do vậy khâu lấy mực thước phải thật chính xác, người thợ cũng phải chính xác từng nhát đục.

Ông Lô Văn Thắng, trưởng bản, cho biết: Bản Xốp Tụ có cách đây nhiều đời, hiện có 174 hộ, 768 nhân khẩu, là đồng bào Thái. Nghề đóng thuyền của bà con xuất hiện cách đây hàng chục năm về trước. Trước đây, người ta đóng thuyền chèo tay, nên kích thước nhỏ, nhẹ. Nay phần lớn chạy thuyền gắn máy, kích thước lớn hơn, nên ván phải dày, chắc. Trong bản hiện có 6 thợ đóng thuyền chính, như Lô Quang Hòa, Lô Văn Thắng… Đặc biệt, ông Lô Văn Toản, đã hơn 70 tuổi vẫn còn làm được thợ nhanh, giỏi. Mỗi người làm chủ một tổ thợ, do vậy, trong bản hiện có nhiều tổ thợ để nhận đóng thuyền cho người dân gần, xa. Từ ngày lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ tích nước, mặt hồ trở thành phương tiện giao thông thuận lợi cho người dân các xã Mỹ Lý, Nhôn Mai, Mai Sơn và Hữu Khuông, nên số lượng thuyền đóng mới ở đây năm nào cũng nhiều, bản Xốp Tụ vì thế lúc nào cũng nhộn nhịp người vào ra, rộn ràng tiếng máy, tiếng đục của các tổ thợ đóng thuyền.

Xuân Hoàng