Obama thừa nhận đảo chính tại Ukraine có sự nhúng tay của Wasington

03/02/2015 18:49

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, đã đến lúc không cần phải giữ bí mật về việc này nữa.

Trong cuộc phỏng vấn của CNN, ông Obama thừa nhận rằng Mỹ đã làm trung gian trong vụ "chuyển giao quyền lực" ở Ukraine. Nói cách khác, nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận rằng cuộc đảo chính ở Ukraine hồi tháng 2/2014, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và khiến cho nhiều người thiệt mạng, có sự tham gia trực tiếp của Hoa Kỳ.

Lời tiết lộ trên của ông Obama đã bác bỏ tất cả mọi lời khẳng định trước đây của các chính trị gia và các nhà ngoại giao Mỹ rằng Euromaidan hoàn toàn là phong trào nội bộ của Ukraine chống lại chế độ của cựu Tổng thống Ukraine Yanukovych.

Trước đó năm 2013, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland công bố rằng Hoa Kỳ đã đầu tư 5 tỷ USD cho sự phát triển dân chủ tại Ukraine.

Sự thừa nhận của ông Barack Obama một lần nữa khẳng định rằng tuyên bố của các quan chức Kiev hiện nay về "một nước Ukraine vĩ đại, thống nhất và chủ quyền" không có gì khác hơn là cụm từ trống rỗng. Làm sao mà Ukraine có thể độc lập, nếu lãnh đạo được người nước ngoài đưa lên nắm quyền?

Bình luận về việc sát nhập Crimea với Nga, Tổng thống Mỹ bày tỏ ý kiến rằng các cuộc biểu tình phản đối ở Kiev khiến Moscow bị bất ngờ. Và vụ "thôn tính của Nga” - nói theo cách dùng từ của phương Tây - chỉ là một kiểu phản ứng của Nga đối với thực tế xảy ra.

Tuy nhiên, ông Obama đã không đi sâu vào vấn đề này và không đề cập đến nguyện vọng của người dân Crimea, hoặc về chuyện giới dân tộc chủ nghĩa Ukraine đã chuẩn bị những "đội quân của thần chết" để phái đến bán đảo với sứ mệnh tấn công trừng phạt. Nếu Crimea không quay về với Nga- quê hương lịch sử của mình, vùng đất này sẽ bị tắm máu, giống như những gì đang xảy ra hiện nay tại Donbass. Đấy là con chưa nói đến khả năng lập một căn cứ của NATO ở Crimea, sát biên giới với Nga.

Cũng trong cuộc phỏng vấn với CNN, hình ảnh thế giới của tổng thống Barack Obama hoàn toàn khác hẳn, trong đó Mỹ luôn luôn chiếm vai trò chiếm ưu thế, và các cuộc "cách mạng màu" là một trong những cơ chế quan trọng của sự thống trị này.

Trong cuộc phỏng vấn của CNN, Tổng thống Mỹ cố gắng trấn an cộng đồng thế giới. "Tôi không nghĩ rằng Mỹ và thế giới lại mong muốn một cuộc xung đột quân sự thực sự giữa Mỹ và Nga," – ông Obama tuyên bố.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố: “Mỹ có những hạn chế trong việc can thiệp quân sự vào Ukraine do tương quan lực lượng với Nga”, hơn thế nữa "Ukraine cũng không phải là thành viên của NATO".

Vì vậy, Mỹ sẽ hỗ trợ Kiev theo cách thông thường của họ là tiếp tục bí mật hoạt động, bí mật cung cấp cố vấn, vũ khí và đạn dược cho lực lượng Ukraine đang tiến hành chiến dịch trừng phạt Donbass.

Theo New York Times, các cựu quan chức Mỹ đã chuẩn bị một bản báo cáo kêu gọi Nhà Trắng cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev trị giá 3 tỷ USD. Báo cáo xác định rằng mục đích của khoản viện trợ này là giúp phương Tây tăng cường kiềm chế Nga tại Ukraine./.

Theo VOV.VN