Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào

14/11/2014 07:06

(Baonghean) - Thời gian qua, chứng kiến việc một số hộ giáo dân ở xóm 11,12, xã Quỳnh Giang và khối 8, Thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu tái lấn chiếm mặt bằng gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công Quốc lộ 1A, công trình trọng điểm quốc gia, cũng như nhiều người dân khác, tôi băn khoăn tự hỏi liệu những việc làm đó có phù hợp với đường hướng mục vụ của Giáo hội Công giáo được thể hiện trong Thư Chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam là “Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”?  

(Baonghean) - Thời gian qua, chứng kiến việc một số hộ giáo dân ở xóm 11,12, xã Quỳnh Giang và khối 8, Thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu tái lấn chiếm mặt bằng gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công Quốc lộ 1A, công trình trọng điểm quốc gia, cũng như nhiều người dân khác, tôi băn khoăn tự hỏi liệu những việc làm đó có phù hợp với đường hướng mục vụ của Giáo hội Công giáo được thể hiện trong Thư Chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam là “Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”?

Ai cũng biết Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A là công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa chiến lược để tạo bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông phục vụ yêu cầu CNH, HĐH đất nước góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, cũng như sự liên thông, giao lưu kinh tế - văn hóa, xã hội hai miền Nam - Bắc. Với riêng tỉnh Nghệ An công trình này có vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo tiền đề thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và đặt quyết tâm rất cao trong việc giải phóng mặt bằng - khâu then chốt để triển khai dự án đúng tiến độ.

Qua tìm hiểu thực tế và qua các phương tiện thông tin đại chúng, được biết để đảm bảo tiến độ của dự án, hình thành nên dáng vóc của con đường khang trang, hiện đại hôm nay đòi hỏi sự hy sinh rất cao của hơn 4 nghìn hộ dân sinh sống dọc hai tuyến Quốc lộ1A từ Thị xã Hoàng Mai đến Thành phố Vinh, trong đó có cả những hộ giáo dân. Họ đã vượt lên những tính toán thiệt hơn, hy sinh vì lợi ích của quốc gia cũng chính là lợi ích của thế hệ con cháu mình trong tương lai. Như ở xã Nghi Yên (Nghi Lộc) có xóm 4 là xóm giáo toàn tòng, khi triển khai Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A đi qua địa bàn, 100% hộ dân trong xóm phải rời nơi ở cũ tái định cư ở nơi mới.

Thế nhưng, những hộ giáo dân này đã rất đồng thuận di dời để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công Quốc lộ 1A. Sự hy sinh của họ đã thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ công dân theo tinh thần của Thư Chung 1980 “Chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần dân Chúa”; và hẳn ở họ đã thực hiện đức vâng lời “dựa vào tình thương của Chúa Cha, dựa vào lời ban sự sống của Chúa Giê su Kitô và sức mạnh của Chúa Thánh thần”, “mạnh dạn nhìn vào hiện tại và tin tưởng ở tương lai” để “làm sáng tỏ Đức Tin và lòng yêu nước của mình”!

TIN LIÊN QUAN

Thư Chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Thư Chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Ấy thế mà, tại xóm 11,12, xã Quỳnh Giang và khối 8, Thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu), với những đòi hỏi vô lý về việc đòi bồi thường về đất trong phạm vi 13,5m (là diện tích đất thuộc chỉ giới an toàn giao thông đường bộ đã được giải tỏa năm 1993 do PMU1 làm chủ đầu tư), một số hộ giáo dân đã tái lấn chiếm, không chịu bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Buồn hơn, một số đối tượng quá khích còn có những hành vi manh động nhằm cản trở thi công như rung chuông nhà thờ, tập trung đông người, mang ảnh Đức Mẹ Maria đặt trên máy xúc rồi vừa cầu nguyện, vừa lăng mạ, đe dọa lực lượng thi công và những người cùng đức tin đã bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công…

Đến bây giờ thì có thể khẳng định những hành vi gây cản trở sự phát triển của xã hội, quê hương, đất nước ấy là trái với tinh thần của giáo lý, giáo luật, với đường hướng “phúc âm” của Giáo hội công giáo Việt Nam mà Thư Chung 1980 đã khẳng định: “Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hòa mình với cuộc sống hiện tại của đất nước”; “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người công giáo không những là một tình cảm tự nhiên mà còn là đòi hỏi của phúc âm”; “Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức được những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước, và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc”.

Tôi không phải là người theo đạo Công giáo nhưng qua tìm hiểu biết rằng, khoảng 2.000 năm trước, vào Lễ Vượt Qua của người Do Thái năm 33 CN, một người đàn ông vô tội đã chết để những người khác được sống. Đó là Đức Chúa Giê-su người làng Na-xa-rét, xứ Y-sơ-ra-ên xưa. Nhờ đức hy sinh, lòng vị tha và tình yêu đối với nhân loại mà Chúa Giê su được tôn vinh là Kitô Đấng Cứu Độ. Suốt đời Ngài chỉ lo cứu độ thế nhân, hy sinh phấn đấu cho tự do, dân chủ và bình đẳng. Đức Chúa là hiện thân của tự do và lòng bác ái. Vâng lời ngài, trong suốt chiều dài lịch sử, người Công giáo Việt Nam luôn đồng hành, hòa mình vào khối đại đoàn kết dân tộc để vun đắp và xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, trong đó có đồng bào công giáo.

Trong chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc, đã có biết bao tấm gương giáo dân hy sinh thân mình vì Tổ quốc, vì nhân dân và cũng vì quyền tự do tín ngưỡng; như trong Bức thư gửi bác sỹ Vũ Đình Tụng - Bộ Trưởng Bộ Y tế và cũng là người Công giáo có con trai hy sinh, Hồ Chủ tịch xúc động viết: “…Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là dân tộc anh hùng. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ. Ngài đã đem món quà quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng sung sướng…”.

Thời bình, trên nền tảng của Thư Chung 1980, Huấn từ và Sứ điệp của Giáo Hoàng Benedicto XVI, Đại hội Dân Chúa (hoạt động của Giáo Hội công giáo Việt Nam trong dịp cử hành Năm Thánh) đã ra Sứ điệp kêu gọi người công giáo dấn thân vào các hoạt động vì hạnh phúc của đồng bào trong hoàn cảnh mới: “Tiếp nối công trình của cha ông, Hội thánh ngày nay cũng phải dấn thân vào việc xây dựng đất nước về mọi mặt: Văn hóa, xã hội cũng như kinh tế và chính trị”, “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích”, cộng đồng người Công giáo Việt Nam đã chứng tỏ “Người công giáo tốt là người công dân tốt” như lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Benedicto XVI bằng những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của quê hương, đất nước. Tinh thần ấy cũng được thể hiện rất rõ trong quá trình triển khai thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A - một công trình “ích nước, lợi nhà”. Theo lời của bạn tôi là một thành viên trong Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng, thì ngay trên những địa bàn hiện nay còn có điểm vướng cục bộ như Thị trấn Cầu Giát đã có 42/50 hộ, xã Quỳnh Giang có 13/33 hộ giáo dân đã thông tỏ chủ trương, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Hành động cản trở việc hoàn thiện một công trình mang ý nghĩa thiết thực lớn lao vô hình trung đã cản trở chính lợi ích, tương lai tốt đẹp của mình và con em họ, cũng như phủ nhận sự hy sinh, cống hiến của cộng đồng và thế hệ cha anh. Một số hộ đã chia sẻ rằng họ làm như vậy vì phải vâng lời “bề trên”. Thoạt đầu tôi còn có chút phân vân rằng, việc vâng lời “bề trên” trong đức tin Công giáo phần nào có thể thông cảm chăng? Nhưng rồi khi tiếp tục tìm hiểu để tự lý giải sâu vào sự việc, tôi biết rằng “Đức Vâng Phục là một đức tính căn bản và trụ cột trong tổ chức Giáo hội và trong đời sống tâm linh Kitô giáo. Nhiều Kitô hữu chỉ hiểu Đức Vâng Phục theo nghĩa hẹp là bề trên bảo sao thì làm đúng như vậy, mà không nhìn ra mục đích của Đức Vâng Phục là thực hiện Thánh Ý của Thiên Chúa. Do đó, khi vâng lời chỉ vì luật buộc, chỉ vì muốn lấy lòng bề trên, vì muốn được tiếng khen, chứ không nhằm thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa, nhất là khi biết lệnh của bề trên không phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa mà vẫn cứ vâng lời, thì sự vâng lời đó không phải là nhân đức”.

Ngoài ra, theo lời Thánh Francis de Sales “Vâng lời là sự hy sinh, sinh nhiều ơn ích và đem lại niềm vui....”. Vậy là ở đây, các hộ dân trên cần phải tỉnh táo để nhận biết sự vâng lời của mình trong việc ngăn cản thi công Quốc lộ 1A có thực sự “sinh nhiều ơn ích và đem lại niềm vui” không hay chỉ đang phục vụ cho một số kẻ lợi dụng đức tin để thực hiện mưu đồ khác mà ngay chính họ cũng đang mơ hồ? Bởi thực tế vì vâng lời “bề trên” mà một số hộ giáo dân trên rơi vào tình thế “khó xử”, dù thâm tâm “rất muốn bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công hoàn thành, tạo thuận lợi trong kinh doanh buôn bán và “có nước sạch để sinh hoạt” nhưng lại “không dám trái lời” để rồi tự đẩy mình vào tình trạng “sống trong sợ hãi”, “nguy cấp và khốn khổ”, “bất bình và hoang mang”. Ấy như là họ đang vâng lời “chỉ vì luật buộc” hay “chỉ vì muốn lấy lòng bề trên, vì muốn được tiếng khen, chứ không nhằm thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa”?

Về phần tôi, khi chứng kiến những sự việc trên, tôi lại có suy nghĩ rằng, nếu “… tinh thần của cộng đồng Vatican II là tinh thần cởi mở, đối thoại và hòa mình với cộng đồng xã hội mình đang sống” thì những vị “bề trên” đang cố tình “đổ dầu vào lửa” kích động giáo dân ngăn cản thi công công trình trọng điểm quốc gia chưa thực hiện đúng bổn phận dẫn dắt con chiên đi vào đường hướng sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” như tinh thần của Thư Chung 1980. Và nếu việc sử dụng đức tin để buộc một số hộ giáo dân sống dọc Quốc lộ 1A phải vâng lời “giữ đất” mà không “sinh nhiều ơn ích và đem lại niềm vui” cho giáo dân thì những “bề trên” kia có phải đã thực hiện đúng đức vâng lời?

Hoàng Tâm Như