"Ốc đảo" Pù Quặc

21/12/2014 12:56

(Baonghean) - Pù Quặc 2 - bản thân cái tên gọi ấy đã gợi lên sự xa ngái, cách trở và có cái gì đó bí ẩn, huyễn hoặc. Cái bản xa xôi của xã biên giới Na Ngoi (Kỳ Sơn) này là nơi cư trú của hơn 50 hộ đồng bào Mông, nằm tách biệt với các bản làng khác, nên có người ví như một “ốc đảo trên cao”…

Một góc bản Pù Quặc 2.
Một góc bản Pù Quặc 2.

Có hai con đường đến Pù Quặc 2. Thứ nhất, xuất phát từ bản Pù Khả, trung tâm xã Na Ngoi, men theo lối mòn chạy bên vách núi gập ghềnh và trắc trở, mất khoảng gần 2 giờ cưỡi “ngựa sắt”. Thứ hai, xuất phát từ Thị trấn Mường Xén, xuôi theo Quốc lộ 7A về bản Khe Nằn (Chiêu Lưu), rồi rẽ theo con đường mòn chạy lên đỉnh núi, do người Pù Quặc “khai phá” để ra vùng trung tâm huyện. Con đường này cũng trắc trở, gập ghềnh không kém, đi “ngựa sắt” cũng mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Tôi chọn con đường thứ hai, bởi dù sao so sánh nó cũng có ít nhiều thuận lợi. Cụ già bản Khe Nằn sau khi chỉ đường đã “cảnh báo” rằng: “Từ đây vào đến Pù Quặc 2 không đầy 20 cây số, nhưng đường đi “đáo để” lắm, sợ anh không quen...”.

Có thể nói, đường vào Pù Quặc 2 là điển hình của những con đường đến những bản xa của các huyện miền rẻo cao, biên giới. Đó là nhỏ hẹp, cách trở và cheo leo, bên núi, bên vực, sương mù và trơn trượt. Mới lên được một lúc, chiếc xe máy “quen” đường trường của tôi đã chuầy bánh, có lúc bánh sau quay tít như chong chóng và bốc mùi khét lẹt. Bởi lẽ, Kỳ Sơn đang là mùa khô, rất hiếm mưa, nhưng lại là thời điểm sương mù đậm đặc. Sương lùa qua các thung lũng và đỉnh núi, sương đọng thành từng giọt như mưa rải khắp các bản làng, rừng núi. Những giọt sương ấy rơi trên mặt đường, thành từng vũng, rồi thành dòng chảy nhỏ chảy tràn ra khiến nền đường ẩm ướt, nhão nhoét và trơn trượt.

Càng lên cao, sương mù càng đặc quánh, tầm nhìn càng bị che khuất, cái lạnh mỗi lúc thấm sâu vào da thịt. Cũng may, tôi chỉ gặp toàn những người đi bộ xuống núi, không gặp chiếc xe máy nào chạy ngược chiều, nếu không sẽ rất khó xử lý trong tình huống “chạm mặt” nhau. Đi đường vùng cao nhiều năm, tôi học được kinh nghiệm, muốn ít bị ngã xe cần phải đi bằng “4 bánh”. Nghĩa là hai chân luôn phải ở tư thế trụ xuống mặt đường, nếu không sẽ rất dễ bị mất thăng bằng do đường trơn và gập ghềnh. Trên đường vào Pù Quặc 2, tôi bắt gặp một chiếc xe Win 100 dựng bên đường, chiếc bánh trước được buộc trên yên. Có lẽ, do gặp trục về săm lốp, không đủ vật dụng để sửa, nên chủ nhân đành phải bỏ xe lại giữa chừng. Khả năng chiếc xe này đã dựng đây hàng mấy tháng trời, vì nhiều bộ phận đã gỉ sét. Lúc này, tôi mới biết vì sao cụ già ở Khe Nằn nói con đường này là “đáo để”.

“Lão nghệ nhân” Hạ Đa Sỹ.
“Lão nghệ nhân” Hạ Đa Sỹ.

Mục đích vào Pù Quặc 2 của tôi là gặp ông Hạ Đa Sỹ, người thổi khèn môi hay nổi tiếng. Từ lâu, lên Kỳ Sơn nghe tiếng, cụ Đa Sỹ đã trên 100 tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh, vẫn làm và thổi khèn môi như thường. Tôi tin đó là thật nên hôm nay bằng mọi giá, dù đường khó thế chứ khó nữa cũng phải gặp bằng được để tìm hiểu về người già thổi khèn môi này. Đến được Pù Quặc 2, việc đầu tiên là hỏi nhà già Hạ Đa Sỹ, người bản chỉ dẫn một cách nhiệt tình. Cũng như hơn 50 nóc nhà trên đỉnh núi này, nhà của ông Đa Sỹ rất thấp, lợp pờ-rô xi măng, vách được thưng bằng gỗ, sương lùa qua khe cửa lạnh buốt. Chỉ một mình ông ở nhà, ông ngồi bên bếp rực lửa, đôi mắt lim dim, khuôn mặt đầy vết chân chim, mái tóc bạc trắng, trên người khoác chiếc áo choàng rộng.

Dù mắt không còn tỏ, tai không còn thính nhưng ông vẫn biết có khách đến chơi, mà khách lạ, không phải người Pù Quặc. Ngồi đối diện với ông Hạ Đa Sỹ, qua ánh lửa sáng rực, tôi nhận thấy khuôn mặt và dáng vẻ của ông có lẽ chưa đến độ tuổi trên 100, thậm chí có thể chưa đến 90 tuổi. Tôi hỏi: “Ông đã đến 100 tuổi chưa?”, ông trả lời: “Chưa đâu, còn mười mấy năm nữa, giờ mới 83 mà!”. Tôi lại hỏi: “Nghe nói ông làm và thổi khèn môi rất hay, giờ có làm và thổi được nữa không?”, già Đa Sỹ đáp: “Đó là ngày trước thôi, bây giờ già rồi, cái mắt không còn nhìn rõ, cái tay không còn vững để làm, cái hơi không còn đủ để thổi nữa”.

Rồi ông kể về thời trai trẻ của mình, bắt đầu từ Phó Công an xã đến Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn. Thời của ông hoạt động rất gian khổ, nhất là kẻ xấu thường xâm nhập địa bàn để xúi giục bà con làm việc xấu hoặc di dời khỏi địa bàn. Một mặt, ông phải tuyên truyền, vận động bà con yên tâm làm ăn, yên tâm ở lại với bản làng. Mặt khác, ông phải huy động người vào rừng đẩy đuổi những kẻ xấu ra khỏi địa bàn. Rồi những chuyến cùng đoàn công tác của xã, của huyện vận động bà con người Mông xóa bỏ cây thuốc phiện. Có người nghe ngay, nhưng cũng có người “cứng đầu”, cầm súng kíp đứng đầu rẫy thách thức. Gặp phải tình huống này, cán bộ Hạ Đa Sỹ phải tiếp cận, vận động, thuyết phục một cách khéo léo, không để xẩy ra sự việc đáng tiếc. Ông tỏ ra hào hứng khi kể về những chiếc khèn của người Mông do tự tay mình chế tác.

Ngày trẻ, ông thổi khèn rất hay, múa khèn rất đẹp, con gái dù đang ở trên rẫy hay xuống chân núi gùi nước về, nghe tiếng khèn của ông đều dừng tay, dừng bước. Cô gái nào cũng muốn Đa Sỹ thổi khèn cho mình hát làn điệu cự xia, muốn được Đa Sỹ hỏi về làm vợ. Vì chàng trai của núi này không chỉ thổi khèn giỏi, lại còn đẹp và khỏe mạnh, là cán bộ nữa. Với cái tài làm khèn, thổi khèn và múa khèn của mình, Hạ Đa Sỹ từng nghĩ đến việc truyền dạy cho người đời sau. Nhưng rồi, một phần vì bận rộn, một phần chưa tìm được người xứng đáng thì cái già ập đến, nên không thể thực hiện được ý định của mình. Giờ suốt ngày ngồi bên bếp lửa, ông không tránh khỏi nỗi hoài vọng và nuối tiếc, nuối tiếc vì chưa kịp trao truyền cho người đời sau bí quyết chế tác và sử dụng nhạc cụ của tổ tiên mình truyền lại.

Cả Bí thư Chi bộ và Trưởng bản đều đi rừng từ sáng sớm, tôi đành ghé sang nhà anh Hạ Thò Nênh, một người nắm khá rõ những thông tin của bản. anh Thò Nênh hơn 50 tuổi, người mập và lùn, trán hói đến đỉnh đầu, là người khá hay chuyện. Anh đã cung cấp những thông tin cơ bản về Pù Quặc 2, đó là tổng số hơn 50 hộ, từng xẩy ra tình trạng di dân tự do, đời sống chủ yếu dựa vào nương rẫy và chăn nuôi trâu, bò. Có hộ số trâu bò lên tới hơn 20 con, giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhưng Pù Quặc 2 vẫn còn vất vả, thiếu thốn vì nằm xa trung tâm, đường đi gập ghềnh, trắc trở, mùa mưa gần như bị cô lập, lại chưa có điện lưới, sóng điện thoại chập chờn, mùa khô thường hay thiếu nước sinh hoạt...

Anh Hạ Thò Nênh còn giải thích ở vùng Pù Quặc rất hiếm cây sa mu, nên đồng bào Mông nơi đây không lợp nhà bằng ván gỗ này, mà chủ yếu lợp bằng tranh săng. Gần đây, tranh săng đã được thay thế bằng pờ - rô xi măng. Anh Thò Nênh còn tiết lộ mình có 2 vợ và 8 người con. Vợ đầu chỉ sinh toàn con gái nên ông phải tìm vợ khác để có bằng được con trai. Hai người vợ đều sống chung với ông dưới một mái nhà, ở hai buồng riêng biệt, hàng ngày cùng làm lụng để xây dựng cuộc sống. Hóa ra, trên đỉnh Pù Quặc quanh năm mây phủ này, vẫn còn những tục lệ và quan niệm sống khác xa với bên ngoài, có lẽ đây cũng là một lý do để mọi người gọi là “ốc đảo”.

Rời nhà anh Hạ Thò Nênh, chúng tôi tìm đến điểm trường tiểu học. Đây có lẽ là công trình duy nhất ở Pù Quặc 2 được làm bằng xi măng, gạch ngói. Đã hết giờ dạy buổi sáng, các thầy, cô đang chuẩn bị bữa trưa. 3 thầy, cô giáo đến từ 3 vùng quê ở miền xuôi lên Pù Quặc 2 “gieo chữ”, cô Nguyễn Thị Nhung (1980) quê Thanh Chương, thầy Lê Văn Công (1988) quê Hưng Nguyên và thầy Hồ Ngọc Hòa (1991) quê Đô Lương. Thầy giáo trẻ Hồ Ngọc Hòa, người lên nhận công tác ở Kỳ Sơn chưa đầy 4 tháng cho tôi xem những vết sẹo ở chân.

Đó là dấu tích của những lần ngã xe, do lúc mới lên chưa thông thuộc địa hình và chưa đủ kinh nghiệm xử lý. Lần ngã xe ấy còn bị vỡ chiếc màn hình máy vi tính xách tay, phải về thay mất 4 triệu đồng. Rồi thầy Hòa kể có lần đến một con dốc lúc trời mưa, đường trơn như rải mỡ, nếu xuống kiểu gì cũng bị ngã. Thầy nghĩ ra một “sáng kiến” không giống ai là tắt máy, chủ động cho xe nằm xuống rồi đẩy tuột xuống dốc. Đường trơn nên xe “trôi” một mạch đến tận dưới chân dốc, chủ nhân xuống sau rồi đỡ xe đứng dậy và nổ máy đi tiếp.

Gần cuối buổi chiều, khi con đường đã khô và đỡ trơn hơn chút ít, tôi quyết định xuống núi để trở về Mường Xén. Con đường ngoằn ngoèo, tít tắp chạy theo sườn núi hướng về phía bờ sông Nậm Mộ. Trên đường trở ra, tôi gặp những người mang theo máy móc đang khảo sát, đo đạc đường. Họ cho biết đang xây dựng Dự án nâng cấp tuyến đường Khe Nằn - Pù Quặc 2 để cuộc sống trên đỉnh mây mù kia không còn là “ốc đảo”.

Công Kiên