Ký sự Trường Sa: Khát vọng hòa bình

19/01/2015 07:56

(Baonghean) - Chuẩn đô đốc Phạm Thanh Hóa - Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 khẳng định một trong những nhiệm vụ chính của hải trình đến Trường Sa lần này là đưa cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ra Trường Sa tiếp nhận nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả: huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, phát triển kinh tế, bảo vệ và khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Tổ quốc. Lời vị tướng đã hai thứ tóc trên đầu, trong bối cảnh biển Đông đang dậy sóng, đã lay động mạnh mẽ trái tim người lính hải quân xuống tàu đến với biên cương hải đảo... 

(Baonghean) - Chuẩn đô đốc Phạm Thanh Hóa - Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 khẳng định một trong những nhiệm vụ chính của hải trình đến Trường Sa lần này là đưa cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ra Trường Sa tiếp nhận nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả: huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, phát triển kinh tế, bảo vệ và khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Tổ quốc. Lời vị tướng đã hai thứ tóc trên đầu, trong bối cảnh biển Đông đang dậy sóng, đã lay động mạnh mẽ trái tim người lính hải quân xuống tàu đến với biên cương hải đảo...

Tàu HQ 571 băng băng thẳng tiến ra tuyến giữa Trường Sa, đến tận các đảo vòng cung che chắn phía cực Đông. Đi xuyên qua mùa đông, xuyên qua những vùng không khí lạnh, thực hiện các kế hoạch lập trình sẵn một cách răm rắp và khẩn trương. Ngày 7/1 giao quân ở Trường Sa Đông, ngày 8 - 9/1 giao quân ở 3 điểm đảo Đá Đông, ngày 10/1 giao quân 2 điểm đảo Phan Vinh, ngày 12 - 13/1 giao quân ở 3 điểm đảo Tốc Tan, ngày 16/1 giao quân ở đảo Núi Le, điểm cuối của hải trình giao quân ở đảo Tiên Nữ. Sau đó tàu HQ 571 lần lượt quay trở lại các điểm đảo nói trên để thu nhận quân số đã hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền.

TIN LIÊN QUAN

Hòa chung nhịp hát trên đảo Nam Yết. Ảnh: trần hải
Hòa chung nhịp hát trên đảo Nam Yết. Ảnh: trần hải

Ngay từ sáng ngày 6/1, khi vừa đón bình minh ngày đầu tiên hành quân trên biển, chúng tôi đã hay tin lúc 3 giờ sáng lực lượng của ta đã phát hiện tàu kéo giàn khoan Hải Dương 981 đi ngang qua tàu HQ 571 với khoảng cách chưa đầy chục hải lý. Trung tá - thuyền trưởng Phạm Xuân Hải cho biết, trong vùng hải phận quốc tế các phương tiện vận tải được phép đi ngang qua nếu tuân thủ nghiêm túc các quy định của quốc tế và của Việt Nam. Được biết, lần này giàn khoan Hải Dương 981 đi ngang qua vùng biển Việt Nam để đến Myanma thực hiện hợp đồng thăm dò dầu khí với quốc gia này. Tuy vậy, cái tên Hải Dương 981 bợn lên trong mỗi người về những tháng ngày Trung Quốc thực hiện hành động vi phạm nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế và Luật pháp Việt Nam, vi phạm các bản cam kết song phương và đa phương mà Trung Quốc đã ký kết. Anh em chúng tôi lại kéo lên phòng của anh Trần Văn Huy, người đã có mặt 74 ngày đêm liên tục trên tàu Kiểm ngư 22 để nghe kể chuyện kiên trì đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 từ ngày 2/5 cho đến khi giàn khoan hạ đặt trái phép này phải rút vào ngày 16/7. Trần Văn Huy rót nước mời chúng tôi uống, thong thả kể: Trong đất liền ai cũng lo cho chúng tôi, nhưng anh em chúng tôi mọi người như một, hoàn toàn vững vàng và kiên trì, bình tĩnh. Các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ra làm nhiệm vụ giữ biển đảo đều thấm nhuần tư tưởng xuyên suốt là lấy “hòa hiếu” để giữ chủ quyền, tuy nhiên cũng sẵn sàng mọi phương án để bảo vệ đến cùng mỗi tấc đất, vùng biển cha ông để lại.

Sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: n.k
Sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: n.k

Trong đợt ra đảo thay, thu quân lần này, tàu HQ 571 mang theo hơn 200 quân. Điều làm chúng tôi khá bất ngờ là các chiến sỹ mỗi người chỉ được biết mình có tên trong danh sách đi Trường Sa đúng 2 ngày trước khi tàu nhổ neo. Binh nhất Nguyễn Đức Thắng, nhà ở phường 2, quận 3 (TP. Hồ Chí Minh) cho biết đến ngày 3/1 Thắng mới biết mình có tên trong danh sách chính thức. Tuy nhiên, do được huấn luyện luôn sẵn sàng cơ động hành quân, nên không hề thấy bất ngờ, mà còn rất phấn chấn. Ra đến đảo chìm Tốc Tan, Thắng vô cùng thích thú khi ở đảo chìm nhưng có phong điện (năng lượng gió) cấp điện đầy đủ, có sóng Viettel 2G, có nhà văn hóa với 2 bàn bóng bàn, các bộ dụng cụ tập thể dục do cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội tặng.

Hành quân ra đến vùng lãnh hải phên dậu của Tổ quốc, chúng tôi được đi thăm một trong những “mắt thần biển khơi” của Trường Sa - Trạm ra đa 44 của Trung đoàn 292. Với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ được đào tạo bài bản, huấn luyện tinh nhuệ, “mắt thần biển khơi” có thể cảnh giới và phát hiện từ xa các phương tiện bay trong khu vực quản lý để phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và quản lý vùng trời. “Nhất cử nhất động” trên vùng trời Trường Sa đều được kiểm soát từ tầm xa. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong năm 2014 “mắt thần biển khơi” đã phát hiện hơn 5.000 lượt tốp máy bay, nhưng chúng ta đều kiên trì và cương quyết đấu tranh, đẩy đuổi thành công. Thượng úy Nguyễn Thanh Tùng – Trạm trưởng Trạm ra đa 44 khẳng định, trong phạm vi quản lý, “mắt thần” luôn đảm bảo nhiệm vụ canh giữ vùng trời, vùng biển trong từng khắc, từng giây, giúp cho cán bộ và chiến sỹ ta ngăn chặn những âm mưu xâm nhập, xung đột ngay từ xa. Qua tìm hiểu tại các điểm đảo mà chúng tôi đi qua, tình hình lượt tàu xuất hiện trái phép ở khu vực có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ngày càng có dấu hiệu phức tạp, đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ hải quân không một giây phút lơ là cảnh giác, luôn sẵn sàng chiến đấu cao. Tại đảo Đá Đông – nơi chỉ cách đảo Châu Viên chưa đầy 10 hải lý (đảo Châu Viên Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam), Thiếu tá Ngô Văn Hưng – Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông A khẳng định: Kẻ địch càng ngang ngược và tráo trở, chúng ta lại càng cương quyết và khôn khéo, bài học từ câu chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh luôn nhắc nhở chúng ta phải không ngừng lớn mạnh và không được mất cảnh giác!

Sự quan tâm đến biển đảo của cả nước có thể cảm nhận rất rõ ở từng điểm đảo. Ngay trong buổi giao nhận quân ở đảo Phan Vinh, Trung tá Vũ Xuân Quảng – Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh phấn khởi cho các tân binh biết, kể từ năm 2014 các đợt tiếp tế ra đảo tăng từ 6 tháng/lần đến 3 tháng/lần. Ngoài ra còn có ít nhất hai lần tiếp tế bổ sung vào đầu năm và cuối năm. Cùng với đó là hoạt động tổ chức cho các tầng lớp dân - chính - đảng, thân nhân ra thăm và tặng quà cán bộ, chiến sỹ ngày càng nhiều. Tại đảo Phan Vinh vừa khánh thành nhà khách lớn, hiện đại, do Bộ Công an tặng, có thể bố trí cho hàng trăm vị khách ghé thăm đảo. Cũng tại đảo Phan Vinh, chúng tôi nhận được tin nhắn từ đồng nghiệp Ngọc Dũng (Đài PT-TH Nghệ An) cho biết, trong điểm đến đầu tiên của tàu HQ 561 (tàu đưa đoàn công tác đi tuyến phía Nam huyện đảo Trường Sa), đoàn công tác đã vào dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đảo Trường Sa lớn – một công trình văn hóa tâm linh do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An tặng.

Rõ ràng, hải quân và hải đảo của chúng ta đang ngày càng lớn mạnh, biển đảo của ta ngày càng được quan tâm đầu tư, nhưng đó là sự đầu tư vì mục tiêu hòa bình, yên ổn, không đe dọa và phương hại đến lợi ích của các quốc gia và các bên liên quan.

Cùng tham gia hành trình ra đảo, trên tàu HQ 571 có thiếu tá Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1976) là người đến với Trường Sa lần thứ 4. Tháng 7/2013, trong lúc tuần tra ở đảo Nam Yết, anh Minh bị ngã vào rạn đá san hô, bị gãy tay và chấn thương xương vai, sườn, được đưa về đất liền chữa trị. Tham gia chuyến ra đảo nhận nhiệm vụ lần này, anh Minh phải tạm biệt vợ và con gái chưa tròn 2 tháng tuổi để lên đường nhận nhiệm vụ mới ở Trường Sa Đông. Được biết, lần này đảo Trường Sa Đông được nâng cấp và tăng cường một cụm công tác mới. Ngồi trò chuyện trên boong tàu chao lắc mạnh, người sỹ quan dạn dày với sóng biển, quê cha Diễn Châu, quê mẹ Yên Thành, nhà ở Thành phố Vinh, hướng tầm mắt ra xa, tiếng nói hòa trong gió biển: “3 lần trước tôi đến với Trường Sa cũng rất giàu cảm xúc, nhưng lần này đặc biệt hơn nhiều. Tình hình biển Đông càng phức tạp, tự thấy trách nhiệm mình càng cao hơn. Ở nhà chữa trị vết thương mà trong lòng như lửa đốt, muốn chóng bình phục để xin đơn vị ra với Trường Sa. Nếu không được đến với Trường Sa lúc này, cảm thấy băn khoăn, ray rứt rất khó tả”.

Nghe tâm sự của anh Nguyễn Văn Minh trước mênh mông biển cả, trong tôi chợt trào dâng niềm tin mãnh liệt rằng những mạch nguồn yêu nước vẫn bền bỉ và chảy nồng nàn trong huyết quản mỗi người Việt Nam từ xưa tới nay. Và, bộ đội hải quân coi Trường Sa như là điểm đến trong khát vọng lý tưởng để soi mình, hiểu mình, trong tình yêu và tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ gìn giữ thành đồng Tổ quốc.

Ngày 15/1, khi bình minh vừa hừng sáng, tàu chúng tôi rời đảo Tốc Tan thẳng hướng mặt trời để đến giao quân và trao quà Tết Ất Mùi tại đảo Núi Le. Trước ban mai ngày mới kéo vầng hồng mỗi lúc một nhô cao trên mặt biển, xua tan dần cái lạnh đêm mùa đông giữa trùng khơi, chúng tôi lại nghĩ về năm 2014 với bộn bề những gian lao thử thách đã lùi lại sau lưng. Năm 2014 Việt Nam đã vững lái để vượt qua mọi sóng gió, bước sang năm 2015 với biết bao kỳ vọng tốt đẹp. Thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước cộng đồng quốc tế tại Manila, ngay trước thềm năm mới lại vang lên đầy tha thiết, tự hào: “Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược, vì thế chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự. Không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ phi chúng tôi bắt buộc phải tự vệ. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lợi ích chính đáng của mình, bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở đảm bảo độc lập vùng biển và toàn vẹn lãnh thổ. Và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình hữu nghị viển vông lệ thuộc nào đó”.

Ngô Kiên (E-mail từ Trường Sa)