Tiến hành cân tải trọng xe khách giường nằm để đánh giá an toàn
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa có văn bản gửi các Sở Giao thông Vận tải tiến hành cân tải trọng một số xe khách giường nằm để phục vụ việc phân tích, đánh giá điều kiện an toàn kỹ thuật của ôtô khách giường nằm.
Xe khách giường nằm sẽ bị cân tải trọng. Ảnh minh họa: TTXVN |
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Các lực lượng chức năng sẽ không xử phạt đối với xe khách vi phạm bởi đây là đợt kiểm tra lấy số liệu phục vụ việc phân tích, đánh giá điều kiện an toàn kỹ thuật của ôtô khách giường nằm,” Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện khẳng định.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị các Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Hà Giang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Phú Yên cân kiểm tra từ 10 đến 15 xe.
Trước khi triển khai thực hiện, Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu các địa phương cần hướng dẫn, phổ biến cho lực lượng làm nhiệm vụ tại Trạm phải thông báo cho lái xe, hành khách trên xe biết mục đích của việc cân xe để phục vụ việc nghiên cứu các giải pháp an toàn giao thông đối với xe khách giường nằm; việc làm này phải tiến hành nhanh, giảm phiền hà cho hành khách và lái xe.
Trước đó, tại buổi tọa đàm “Lộ trình nào an toàn cho xe khách giường nằm” vào giữa tháng Chín vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đã chỉ đạo không chỉ xe tải, mà cần kiểm tra tải trọng cả xe khách.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ tỏ ra băn khoăn về khoang xếp hàng của xe khách do xếp hàng hóa không chuẩn sẽ liên quan đến an toàn của xe, để rỗng nhiều quá là cơ hội để nhồi nhét hàng hóa. Do vậy, xe khách chở hàng hóa nếu không kiểm soát được sẽ nguy hiểm vô cùng.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các cơ quan đều quan tâm tới việc xếp hàng lên xe khách giường nằm như thế nào để an toàn, việc sắp xếp hàng hoá, chất hàng quá tải gắn liền tới những vụ tai nạn khi xe vào cua, trên các đoạn đèo dốc. Nếu hàng hóa xô lệch đột ngột có thể khiến xe mất trọng tâm, lái xe không xử lý kịp sẽ dẫn tới tai nạn.
Cũng vào những ngày cuối tháng Chín, Bộ Giao thông Vận tải đã bàn về dự thảo Thông tư 18 sửa đổi về quy định tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Ngoài nghiên cứu cấm xe giường nằm đi trên các tuyến đường cấp 5, 6 miền núi, Bộ Giao thông Vận tải còn hạn chế tốc độ phương tiện này trên đường núi bán kính cong nhỏ.
Theo đó, xe khách giường nằm hai tầng sẽ bị hạn chế hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách trên các tuyến đường cấp 5, 6 miền núi; đồng thời hạn chế tốc độ ở các vị trí đường cong có bán kính nhỏ trên đường cấp 4 miền núi.
Ngoài ra, đơn vị kinh doanh phải sử dụng tài xế có ít nhất ba năm kinh nghiệm lái xe từ 30 chỗ trở lên để điều khiển xe khách giường nằm; kiểm tra và giám sát chặt chẽ tình trạng kỹ thuật, thường xuyên theo dõi trực tuyến qua thiết bị giám sát hành trình với loại phương tiện này.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 4.500 xe khách giường nằm. Trong số này chủ yếu là xe hai tầng, chỉ có khoảng 80 xe một tầng. Các xe được sản xuất lắp ráp trong nước khoảng 3.000, khoảng 800 xe hoán cải, còn lại là xe nhập từ Trung Quốc |
Theo Vietnam+