Những Tết xưa...
(Baonghean) - Khi những cánh én chòng chành chở đầy nắng mới gieo vần bên thềm nhà thân thuộc báo hiệu một mùa Xuân mới đang về, ký ức của tôi lại hiện lên hình bóng yêu thương của bà nội…
Ảnh: internet |
Nhớ những ngày đầu Xuân dịu dàng nắng ấm đã xa, chiều chiều nhàn rỗi, bà tôi thường tranh thủ đem đống áo quần cũ của chị em tôi ra ngồi bên hiên nhà miệt mài khâu vá. Đôi tay gầy guộc của bà chậm rãi luồn từng đường kim, mũi chỉ lên từng mảnh vải đã sờn màu để chị em tôi được mặc bộ quần áo lành lặn hơn đón Tết. Thấy đám bạn tôi xúng xính áo hoa đi khoe khắp xóm, bà vừa chằm vá, vừa bùi ngùi bảo: “Tết đến, Xuân về, thấy con cháu nhà người ta có áo quần mới, bà thương các con lắm. Nhưng…”. Bà ngập ngừng nói đến đó thì hai khóe mắt chợt ầng ậc nước. Nắng soi rõ từng giọt lệ nhỏ ánh lên lóng lánh buồn.
Người ta thường nói, mùa Xuân là mùa của sum vầy, đoàn tụ, mùa của hạnh phúc gia đình. Ấy vậy mà mùa Xuân đối với bà cháu tôi lại là mùa ngóng đợi. Vì nợ nần túng quẫn, cha mẹ tôi mới phải bỏ xứ dắt nhau vào mãi tận trong Sài Gòn làm thuê kiếm tiền trả nợ, để lại hai đứa con thơ dại cho mình bà nuôi nấng, chăm lo. Cứ mỗi độ mùa Xuân chạm ngõ, bà vẫn hằng ra đứng trước cổng, ngoái trông về phía con đường xa xôi mà không giấu nổi những nét buồn thầm lặng hằn in trên gương mặt già nua, khắc khổ. Lại một cái Tết nữa, cha mẹ tôi không về được…
Để có chi phí trang trải cho sinh hoạt mấy ngày Tết, bà tôi phải chắt chiu, chăm bón, nâng niu từng ngọn rau, chùm quả vườn nhà để đến chợ phiên còn mang đi bán. Thương bà đã già còn phải tất tả thức khuya dậy sớm, chị em tôi chỉ biết cố gắng giúp bà làm bớt những việc nhẹ trong nhà. Gánh nặng mưu sinh oằn cong trên đôi vai gầy mảnh…
Tết của bà cháu tôi thật giản dị, đơn sơ. Chiều Tất niên, trong gian bếp nhỏ chật chội, bà ngồi lom khom gói bánh chưng xanh, còn chị em tôi thì loay hoay quét dọn nhà cửa, rửa sạch chén bát. Màu khói bếp bảng lảng bay lên hòa quyện cùng màu nắng chiều dìu dịu tạo nên phông nền làm nổi bật thêm những nụ đào chúm chím đang e ấp nghiêng nở sắc hồng. Và theo từng đợt gió đưa nhè nhẹ, mùi hương trầm, mùi cá kho nghệ, mùi thịt ba chỉ kho tàu… cứ thế phả ra khắp lối ngòn ngọt, nồng nàn. Chắc giờ này, ở phương xa, cha mẹ đang nhớ quê nhà da diết?
Qua mỗi cái Tết như thế là thêm một lần chị em tôi được lớn khôn lên và cũng thêm một lần bà nội tôi già đi trông thấy. Tôi bỗng thấy lo sợ nhịp bước mùa Xuân, lo sợ dòng thời gian cuộn chảy sẽ dần bào mòn sức khỏe của bà nội. Và rồi, sau những tháng năm đằng đẵng phiêu bạt xứ xa, cha mẹ tôi trở về quê trả nốt món nợ cũ và xây được một căn nhà khang trang, rộng rãi. Tết năm ấy là cái Tết vui vẻ và ấm cúng nhất của gia đình tôi. Trong bữa cơm đón năm mới, bà tôi móm mém cười rồi hiền từ nói: “Đây là cái Tết bà đã chờ mong suốt cả đời người!” Nào có ngờ đâu, sau Tết không lâu, bà đổ bệnh và ra đi thanh thản như những cánh hoa đào cuối mùa rơi rụng…
Mùa Xuân đang đặt nụ hôn bâng khuâng lên xóm nhỏ yên bình. Đâu đó, từ những chái bếp cũ màu, mùi của Tết đang dặt dìu lan tỏa. Dù bà đã bước sang thế giới bên kia, nhưng mỗi lần mở nhẹ ô cửa sổ đón chào ngày mới, tôi luôn bắt gặp trong màu nắng tinh khôi, nụ cười móm mém của bà tôi năm ấy…
Phan Đức Lộc
(Học viện Cảnh sát Nhân dân)